Nhân vật

'Cha đẻ' những giống lúa cứu đói toàn cầu nói về tiềm năng cây lúa Việt Nam

Trọng Đạt 21/12/2023 - 15:06

Các giống lúa do GS Khush phát triển đã được trồng trên hàng chục triệu hecta, tại những nước sản xuất lúa gạo hàng đầu như Campuchia, Trung Quốc, Ấn Độ, Việt Nam và nhiều quốc gia khác.

Tối ngày 20/12, Giải đặc biệt VinFuture 2023 dành cho nhà khoa học đến từ các nước đang phát triển đã được trao cho GS Gurdev Singh Khush (người Mỹ gốc Ấn Độ) và GS Võ Tòng Xuân (người Việt Nam) với những đóng góp quan trọng trong việc phát minh và phổ biến nhiều giống lúa năng suất cao, kháng bệnh tốt, góp phần đảm bảo an ninh lương thực toàn cầu.

GS Khush đã tiên phong trong việc tạo ra các giống lúa với khả năng kháng nhiều loại sâu bệnh, thời gian sinh trưởng ngắn và cho năng suất cao, như IR8, IR36, IR64...

Trong đó, IR64 là giống lúa được trồng phổ biến ở hầu hết các nước sản xuất lúa gạo. Đồng thời, IR64 còn đóng vai trò là giống bố mẹ cho hàng nghìn giống lai trong nhiều thập kỷ. Đây là minh chứng cho đóng góp to lớn của công trình này đối với an ninh lương thực toàn cầu.

Sự phát triển của các giống lúa sản lượng cao đã cách mạng hóa ngành trồng lúa trên toàn thế giới, giúp tăng sản lượng, giảm chi phí và giảm thiểu sự phụ thuộc vào các chất hóa học độc hại.

GS Kush đã có những chia sẻ với báo chí nhân chuyến công tác tới Việt Nam nhận giải thưởng VinFuture.

gs khush 2.jpg
GS Gurdev Singh Khush - người vừa được vinh danh với Giải đặc biệt VinFuture 2023 dành cho nhà khoa học đến từ các nước đang phát triển.

Được biết, đây không phải lần đầu ông đến Việt Nam. Duyên nợ của ông với cây lúa Việt Nam được hình thành thế nào?

GS Khush: Tôi bắt đầu đến Việt Nam từ năm 1969. Thời điểm đó, tôi thường xuyên làm việc với các nhà khoa học về lúa gạo Việt Nam, đặc biệt là Giáo sư Võ Tòng Xuân và nhiều nhà khoa học khác.

Trước 1975, tôi chỉ mới đến miền Nam. Sau khi Việt Nam thống nhất đất nước, hòa bình lập lại, tôi cũng có đến miền Bắc. Tôi có rất nhiều mối quan hệ tốt đẹp với những người bạn là các nhà khoa học Việt Nam.

Ông đã phát triển và phổ biến các giống lúa kháng bệnh, có năng suất cao ra sao?

GS Khush: Miền Nam Việt Nam từng thường xuyên bị rầy nâu tàn phá. Trước tình thế đó, tôi đã đưa một loại gen kháng rầy nâu vào giống lúa IR36, rồi gửi tặng Giáo sư Võ Tòng Xuân.

Từ những hạt giống được tặng, ông ấy đã nhân giống và mang chúng đến các tỉnh, thành. Sau này, chính giống lúa đó đã giúp nhiều cánh đồng không còn cảnh tàn phá của rầy nâu nữa.

Tiếp sau này, tôi có phát triển một giống lúa mới là IR64 với những đặc tính kháng bệnh của IR36, nhưng ăn ngon hơn và phổ biến chúng đến khắp thế giới.

Từ góc nhìn của ông, đâu là nơi cây lúa có tiềm năng phát triển nhất tại Việt Nam?

GS Khush: Miền Nam Việt Nam có lẽ là vùng sở hữu tiềm năng lớn nhất về sản xuất lúa gạo. Khí hậu tại đây cho phép người nông dân canh tác từ 2 đến 3 vụ lúa mỗi năm. Trong khi đó, tại miền Bắc, chúng ta chỉ có thể canh tác tối đa 2 vụ lúa.

Trên thực tế, để sản xuất lúa gạo, khí hậu và điều kiện thổ nhưỡng của miền Nam tốt hơn so với miền Bắc. Đó cũng là lý do biến đây trở thành khu vực sản xuất và xuất khẩu lúa gạo chủ yếu của quốc gia.

gs khush.jpg
GS Gurdev Singh Khush tại Tuần lễ khoa học VinFuture.

Việt Nam là một trong những quốc gia bị ảnh hưởng lớn bởi biến đổi khí hậu. Vấn đề nước biển dâng cũng sẽ khiến diện tích đất liền bị thu hẹp. Việt Nam sẽ phải làm gì để thích ứng với thực trạng trên?

GS Khush: Có nhiều cách để làm chậm hoặc giảm tác động của biến đổi khí hậu. Một trong số đó là chúng ta có thể phát triển ra những giống lúa có sản lượng cao hơn, năng suất cao hơn. Khi sản lượng và năng suất cao hơn, chúng ta không nhất thiết phải trồng một diện tích lớn mới đủ sản lượng cần thiết.

Thứ hai là chúng ta có thể sử dụng những công nghệ hiện đại sao cho vẫn sản xuất được lúa gạo nhưng giảm tác động về biến đổi khí hậu. Điều này sẽ giúp ta thích ứng với biến đổi khí hậu và đảm bảo đủ lương thực cho các thế hệ tương lai trong 30, 40, 50 năm nữa.

Ông đánh giá thế nào về ý nghĩa của Giải thưởng VinFuture?

GS Khush: Cảm ơn Quỹ VinFuture vì đã tôn vinh tôi với giải thưởng dành cho nhà khoa học đến từ các nước đang phát triển.Tôi nghĩ rằng Giải thưởng VinFuture có ý nghĩa rất quan trọng. Giải thưởng đã giúp kết nối các nhà khoa học hàng đầu trên thế giới tới Việt Nam. Khi trở về nước, họ sẽ lan tỏa thông điệp về giải thưởng này cũng như sẽ kết nối các nhà khoa học ở nước mình với các nhà khoa học Việt Nam.

Với các nhà khoa học Việt Nam, đây là một diễn đàn kết nối, tạo ra một sân chơi để các nhà khoa học gặp gỡ, chia sẻ kiến thức và hợp tác với nhau. Do vậy, trong suy nghĩ của tôi, Giải thưởng VinFuture rất quan trọng.

Cảm ơn ông!

>> Thành lập Hiệp hội Ngành hàng lúa gạo Việt Nam


Thành lập Hiệp hội Ngành hàng lúa gạo Việt Nam

Giá lúa gạo trong nước lập đỉnh mới, xuất khẩu khó càng thêm khó

Cần 50.000 tỷ đồng để thu mua lúa gạo phục vụ xuất khẩu, tiền từ đâu?

Theo vietnamnet.vn
https://vietnamnet.vn/cha-de-nhung-giong-lua-cuu-doi-toan-cau-noi-ve-tiem-nang-cay-lua-viet-nam-2229496.html
Đừng bỏ lỡ
Nổi bật Người quan sát
'Cha đẻ' những giống lúa cứu đói toàn cầu nói về tiềm năng cây lúa Việt Nam
POWERED BY ONECMS & INTECH