Tài chính Ngân hàng

Chậm duyệt giá đất, TP.HCM chưa thể giải ngân hơn 21.600 tỷ đồng tiền bồi thường

Anh Phương - Hồ Văn 23/09/2023 - 08:23

Do các vướng mắc, trong đó có việc chậm phê duyệt hệ số điều chỉnh giá đất làm căn cứ tính tiền bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, TP.HCM vẫn chưa thể giải ngân hơn 21.600 tỷ đồng.

Hơn 21.600 tỷ đồng chờ giải ngân

UBND TP.HCM vừa giao Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) tiếp tục làm việc trực tiếp với các quận, huyện và TP.Thủ Đức để tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc phát sinh mới, thúc đẩy giải ngân phần bồi thường tại các dự án được giao vốn đầu tư công năm 2023.

Đồng thời, thực hiện kiểm tra, đôn đốc tiến độ thực hiện từng dự án sau mỗi 10 ngày. Trường hợp vượt thẩm quyền thì tham mưu, đề xuất UBND TP.HCM giải quyết.

TP.HCM mới chỉ giải ngân được 6.373 tỷ đồng vốn chi bồi thường, chiếm tỷ lệ 35,38%. (Ảnh: Nguyễn Huế)

Theo Sở TN&MT TP.HCM, tính đến ngày 15/8, tình hình giải ngân phần bồi thường đối với các dự án đầu tư công chưa đạt tiến độ. Tổng vốn dành cho công tác bồi thường trong năm 2023 là 27.986 tỷ đồng.

Trong đó, vốn chuyển tiếp của năm ngoái là 5.860 tỷ đồng và vốn được giao mới trong năm nay là 22.126 tỷ đồng. Tuy nhiên, đến nay mới giải ngân được 6.373 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 35,38%.

Số tiền đã giải ngân phần lớn cho dự án Vành đai 3 TP.HCM (5.498 tỷ đồng) và dự án đường Dương Quảng Hàm, Q.Gò Vấp (640 tỷ đồng).

Với tình hình giải ngân vốn bồi thường của các quận – huyện và TP.Thủ Đức như hiện nay, Sở TN&MT nhận thấy chỉ có 9/21 địa phương có khả năng đảm bảo tỷ lệ giải ngân trên 95% theo yêu cầu của UBND TP.HCM.

Để đạt tiến độ giải ngân, Sở TN&MT cho rằng các địa phương cần đẩy nhanh công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư tại các dự án trên địa bàn. Phối hợp với chủ đầu tư và các sở, ngành liên quan giải quyết các vướng mắc phát sinh không thuộc thẩm quyền của địa phương.

Hàng chục dự án chờ tính giá bồi thường

Liên quan đến hệ số điều chỉnh giá đất (hệ số K), Sở TN&MT TP.HCM cho biết đã đề nghị UBND các quận – huyện và TP.Thủ Đức phải hoàn tất công tác trình, thẩm định và phê duyệt hệ số K để tính tiền bồi thường, hỗ trợ, tái định cư của các dự án trước tháng 7/2023.

Tuy nhiên, đến nay vẫn còn 49 dự án chưa phê duyệt hệ số K để làm cơ sở giải ngân.

Từ ngày 1/9, UBND TP.HCM đã uỷ quyền cho các địa phương quyết định giá đất cụ thể và thành lập hội đồng thẩm định giá đất. Đối với các dự án đến nay vẫn chưa trình thẩm định giá đất thì các địa phương sẽ quyết định theo uỷ quyền.

Ngoài ra, việc chậm phê duyệt hệ số K còn do Sở Xây dựng không kịp thời bố trí quỹ nhà đất tái định cư vì theo nguyên tắc việc xác định hệ số K để tính bồi thường phải cùng thời điểm với hệ số K để tái định cư. Hiện thành phố có 4 dự án chưa được bố trí quỹ nhà đất tái định cư.

Người dân bàn giao mặt bằng cho dự án Metro số 2. (Ảnh: Phong Anh)

Theo Sở TN&MT, hiện TP.HCM có 13 dự án có vốn bồi thường trên 300 tỷ đồng với tổng số vốn 17.424 tỷ đồng. Cụ thể, 6 dự án trên 1.000 tỷ đồng; 3 dự án trên 500 tỷ đồng và 4 dự án trên 300 tỷ đồng.

Đối với các dự án trên 1.000 tỷ đồng, các địa phương đang chi trả bồi thường. Riêng dự án nút giao thông Mỹ Thuỷ, do mới được bố trí vốn từ tháng 7/2023 nên đang trong giai đoạn chuẩn bị.

Với các dự án dưới 1.000 tỷ đồng, Sở TN&MT kiến nghị UBND TP.HCM chỉ đạo các địa phương khẩn trương thực hiện. Trong đó, cần sớm triển khai công tác bồi thường tại dự án Metro số 2 trên địa bàn Q.3 với số vốn được giao trong năm nay là 423 tỷ đồng.

Dự án tuyến metro 3,5 tỷ USD kết nối hai sân bay lớn nhất Việt Nam đạt cột mốc quan trọng

Dự kiến chi gần 2.900 tỷ đồng bồi thường, tái định cư, cải tạo khu Đông Hồ Gươm

Theo vietnamnet.vn
https://vietnamnet.vn/cham-duyet-gia-dat-tp-hcm-chua-the-giai-ngan-hon-21-600-ty-dong-tien-boi-thuong-2193087.html
Bài liên quan
  • Chỉ số vĩ mô đang ổn định vững chắc, Việt Nam đã sẵn sàng cho bước nhảy vọt 2025
    Năm 2025 đánh dấu bước ngoặt chiến lược khi kinh tế Việt Nam vươn mình trở thành bệ phóng cho giai đoạn phát triển mới. Giữa làn sóng biến động toàn cầu, Việt Nam vẫn giữ vững ổn định vĩ mô, đồng thời tận dụng "cú hích kép" từ FDI kỷ lục và xuất khẩu bứt phá để gia cố nội lực. Quyết tâm chính trị được thể hiện rõ qua hàng loạt hành động chưa có tiền lệ, cho thấy nỗ lực về đích mạnh mẽ trong năm bản lề này.
  • Giải ngân 14,3% sau 4 tháng: Đầu tư công 2025 đang ‘nén lực’ để bứt phá?
    Theo Công văn số 5587/BTC-QLN ngày 26/4/2025 của Bộ Tài chính, tính đến hết ngày 30/4/2025, vốn đầu tư công từ nguồn ngân sách nhà nước đã ước thanh toán đạt 128.512,9 tỷ đồng, tương đương 14,32% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao và 15,56% kế hoạch điều chỉnh.
  • Vụ án Tập đoàn Phúc Sơn: Chiêu ‘kiếm chác’ của cựu Chánh Văn phòng Huyện ủy Mang Thít
    Lợi dụng việc được giao quản lý, sử dụng số tiền do Hậu 'Pháo' chi cho việc an sinh xã hội ở địa phương, bị can Đặng Trung Hoành gợi ý và được Hậu cho 700 triệu đồng hưởng lợi cá nhân; ngoài ra, khi mua đất cho người nhà lãnh đạo cấp trên, ông Hoàng còn đòi người bán đất ‘lại quả’ 110 triệu đồng.
  • Loạt phương án tránh bỏ hoang, lãng phí nhà đất công dôi dư sau sáp nhập
    Chuyên gia đề xuất thành lập một Ủy ban chuyên trách quản lý bất động sản công với đầy đủ thẩm quyền, chịu trách nhiệm thống kê, giám sát và ra quyết định đối với việc sử dụng, thanh lý hoặc đấu giá các tài sản công dư thừa sau sáp nhập để tránh thất thoát và lãng phí.
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Chậm duyệt giá đất, TP.HCM chưa thể giải ngân hơn 21.600 tỷ đồng tiền bồi thường
    POWERED BY ONECMS & INTECH