Quốc tế

Chân dung tân Thủ tướng Thái Lan

Bắc Hiệp 23/08/2023 07:45

Nhà tài phiệt bất động sản Srettha Thavisin đã trở thành Thủ tướng thứ 30 của Thái Lan hôm thứ Ba.

1x-1-7169.jpg

Là thủ tướng đầu tiên của đất nước trong gần một thập kỷ nằm dưới quyền cai trị của quân đội, người đàn ông 61 tuổi này sẽ theo đuổi đường lối phát triển kinh tế năng động.

Trong quá trình vận động tranh cử, ông Srettha thường nói về việc theo đuổi các hiệp định thương mại tự do để bắt kịp các nước láng giềng Indonesia và Việt Nam, hai nước có hiệp định với các nhà nhập khẩu và nhà đầu tư quan trọng như Liên minh Châu Âu, đồng thời nắm bắt các thị trường xuất khẩu mới ở Trung Quốc, Trung Đông và châu Phi.

Nhưng ưu tiên hàng đầu của Thủ tướng Srettha sẽ là giữ một số lời hứa đối với các cử tri đảng Pheu Thai. “Bất bình đẳng là lý do chính khiến tôi quyết định chuyển từ một doanh nhân sang một chính trị gia”, ông Srettha trả lời báo chí hồi tháng 4.

Là bạn thân của gia đình cựu Thủ tướng Thaksin Shinawatra, ông Srettha đã để mắt tới vị trí lãnh đạo đáta nước kể từ khi ông bắt đầu thảo luận về vai trò chính trị với Pheu Thai hai năm trước.

"Nếu tôi tham gia chính trị, tôi sẽ không làm điều đó vì mục đích chính trị. Tôi muốn tạo ra sự khác biệt và một trong những vị trí quan trọng để có thể tạo ra sự khác biệt là chức vụ thủ tướng", ông nói.

Sinh ra ở Bangkok và sở hữu bằng cử nhân kinh tế tại Đại học Massachusetts và bằng quản trị kinh doanh của Trường Cao học Claremont ở California, ông Srettha gia nhập tập đoàn hàng tiêu dùng Proctor & Gamble Thái Lan cho đến năm 1990, khi ông trở thành chủ tịch của Sansiri, một công ty phát triển bất động sản do gia đình mẹ ông thành lập.

Sansiri niêm yết trên Sở giao dịch chứng khoán Thái Lan vào năm 1995 và đi tiên phong trong việc phát triển bất động sản hướng tới phong cách sống ở nước này, trước khi mở rộng ra nước ngoài thông qua các thương vụ mua lại như tập đoàn khách sạn Standard International.

Ông Srettha đã từ chức chủ tịch và giám đốc điều hành của Sansiri vào tháng 4, trước khi các ứng cử viên quốc hội đăng ký cho cuộc tổng tuyển cử ngày 14/5. Tuy nhiên, tên của ông không bao giờ xuất hiện trên lá phiếu, vì hiến pháp không yêu cầu thủ tướng phải là thành viên quốc hội.

"Tôi đang ở một độ tuổi nhất định trong đời mà tất cả các con tôi đều đã tốt nghiệp. Chúng tôi có sự đảm bảo về tài chính, nhưng tôi không cảm thấy hạnh phúc khi thấy xã hội chưa trở nên bình đẳng hơn", Thủ tướng Thái Lan khẳng định.

Ông Srettha có ba người con đã trưởng thành, trong khi vợ ông là Tiến sĩ Pakpilai Thavisin, một chuyên gia về thuốc chống lão hóa.

Tân Thủ tướng Thái Lan đã có một khởi đầu khó khăn trên con đường tranh cử. Trong một cuộc phỏng vấn vào tháng 5, ông từng bị những người ủng hộ đảng Pheu Thai ở khu vực đông bắc Thái Lan chế nhạo.

Trong khi đó, giới doanh nhân Thái Lan tỏ ra hoài nghi trước quyết định dấn thân vào nghiệp chính trị của ông Srettha, tự hỏi làm thế nào đối thủ cũ có thể trở thành một chính trị gia thấu hiểu họ.

Dù vậy, ông Srettha không ngần ngại nói về những khác biệt của mình. “Khi ra đồng, hay khi gặp gỡ các chủ doanh nghiệp và nông dân, tôi không chỉ nói với họ những gì họ muốn nghe, mà còn tranh luận và trình bày quan điểm của mình với họ. Tôi không hứa hẹn điều gì lớn lao", ông Srettha nói.

Đảng Pheu Thai đã tập hợp cử tri trong chiến dịch tranh cử, chỉ trích sự quản lý yếu kém về kinh tế của Thái Lan dưới thời hai cựu tướng lĩnh Prayuth Chan-ocha và Prawit Wongsuwan. Khoảng thời gian dài bất ổn chính trị sau cuộc bầu cử đã khiến các nhà đầu tư nước ngoài rút lui khỏi thị trường vốn Thái Lan và làm chậm lại tăng trưởng kinh tế trong quý II năm 2023.

Đáng chú ý, chính ông Srettha là người đứng sau cam kết của đảng Pheu Thai về việc cung cấp một khoản thanh toán kỹ thuật số trị giá 10.000 baht cho mọi công dân từ 16 tuổi trở lên, nhằm kích thích nền kinh tế.

Con đường tiến thẳng đến vị trí thủ tướng của Srettha đã bị gián đoạn bởi chiến thắng bầu cử bất ngờ của đảng Tiến bước non trẻ. Các cử tri có tư tưởng cải cách từng đặt kỳ vọng vào liên minh Tiến bước và Pheu Thai, để rồi thất vọng trong những tuần sau đó khi Pheu Thai tách khỏi Tiến bước để giành được sự ủng hộ của phe bảo thủ tại Thượng viện.

Khi đã trở lại nắm quyền với 17 vị trí cấp bộ và thứ trưởng, bao gồm cả các cơ quan kinh tế quan trọng, Thủ tướng Srettha và đảng Pheu Thai sẽ phải thực hiện các cam kết bầu cử của mình. Một phe đối lập ngoan cường, do đảng Tiến bước lãnh đạo, cũng sẽ theo dõi những xung đột lợi ích đã ám ảnh chính phủ của hai anh em ông Thaksin và bà Yingluck.

Khi ông Srettha nổi lên với tư cách là ứng cử viên thủ tướng hàng đầu, có người đã đứng ra cáo buộc công ty Sansiri có hành vi gian dối để trốn thuế bán bất động sản, với số tiền ít nhất 500 triệu baht cho một lô đất. Các nhà phê bình cũng cáo buộc rằng XSpring, một công ty công nghệ tài chính với ông Srettha làm giám đốc, có thể được hưởng lợi từ chính sách ví kỹ thuật số 10.000 baht của Đảng Pheu Thai.

Ông Srettha đã chuyển 661 triệu cổ phiếu của mình trong Sansiri cho con gái út của mình vào tháng 3 và trao vị trí giám đốc điều hành cho một người họ hàng.

Vào tháng 4, ông thừa nhận rằng “bản chất gần như độc quyền” của các ngành công nghiệp chủ chốt của Thái Lan, từ viễn thông đến đồ uống có cồn, “đã làm tê liệt các doanh nghiệp vừa và nhỏ” ở Thái Lan.

Khi được hỏi làm thế nào để tạo ra một sân chơi bình đẳng, ông Srettha nói: "Tôi sẽ không trở thành thủ tướng muốn triệt hạ các ông lớn. Tôi chỉ muốn mọi người có cơ hội cạnh tranh công bằng".

Bắc Hiệp

Theo Nikkei Asia

Slovakia dự báo Ukraine mất 1/3 lãnh thổ, EU phê duyệt gói trừng phạt Nga thứ 15

Mỹ báo tin vui cho Ukraine từ tài sản đóng băng của Nga

Theo ngaynay.vn
https://ngaynay.vn/chan-dung-tan-thu-tuong-thai-lan-post137653.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Chân dung tân Thủ tướng Thái Lan
    POWERED BY ONECMS & INTECH