Chi 10 tỷ USD xây kênh đào lớn gấp 3 siêu đập Tam Hiệp, Trung Quốc toan tính gì?
Dự án kênh đào nhân tạo lớn nhất thế giới đang được Trung Quốc xây dựng với lượng đất đá cần đào gấp 3 lần đập Tam Hiệp.
Kể từ khi kênh Đại Vận Hà dài 1.800 km nối trung tâm thương mại Hàng Châu phía đông Trung Quốc và thủ đô Bắc Kinh, được hoàn thành dưới triều đại nhà Nguyên hơn 700 năm trước, Trung Quốc đã không xây dựng bất cứ kênh đào mới nào.
Tuy nhiên, tháng 8 năm ngoái, nước này đã bắt đầu xây dựng toàn diện kênh đào Pinglu (Bình Lục), dài 135 km và tiêu tốn 72,7 tỷ nhân dân tệ (10,1 tỷ USD), theo South China Morning Post (SCMP).
Vị trí kênh đào Bình Lục. |
Kênh đào bắt đầu từ hồ chứa Tây Tân ở thành phố Hoành Châu và kết thúc ở huyện Linh Sơn, thành phố Khâm Châu. nơi tàu bè có thể đến vịnh Bắc Bộ qua sông Tần.
Sau khi hoàn thành, kênh đào Bình Lục sẽ là kênh đào nhân tạo lớn nhất thế giới nối liền sông và biển với tổng khối lượng đào đắp hơn 339 triệu mét khối.
“Giá trị thực tiễn của dự án kênh đào Bình Lục rất đáng để mong đợi. Kênh đào này sẽ giúp gắn kết chặt chẽ thị trường Trung Quốc với Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN)”, ông Gao Zhengdong, chuyên gia tư vấn về cơ hội đầu tư ở các nước Đông Nam Á nhận định.
Giá trị kinh tế to lớn
Kênh đào Bình Lục dự kiến sẽ vận chuyển 108 triệu tấn hàng hóa vào năm 2035 và 130 triệu tấn vào năm 2050, tờ SCMP dẫn báo cáo đánh giá tác động môi trường.
Bên cạnh đó, kênh đào cũng sẽ giảm thời gian di chuyển của các tàu container hoặc tàu chở hàng rời thủ phủ Nam Ninh đến Việt Nam, Malaysia, Singapore, Indonesia và các nước Đông Nam Á xuống chỉ còn vài tuần.
Kênh đào Bình Lục sẽ cải thiện vấn đề kết nối cơ sở hạ tầng song phương, cho phép Quảng Tây có liên kết toàn diện với các thị trường Đông Nam Á thông qua đường bộ, đường sắt, đường thuỷ và hàng không.
Ở thời điểm hiện tại, hàng hóa từ miền Tây Trung Quốc phải đi qua sông Xi và sông Châu Giang mới đến được Quảng Châu và Hong Kong (Trung Quốc). Tuy nhiên, sau khi kênh Bình Lục hoàn thành, hành trình vận chuyển hàng hóa từ các tỉnh nội địa miền Tây ra biển sẽ rút ngắn hơn 560km.
Theo ước tính chính thức, kênh đào Bình Lục có thể tiếp nhận những con tàu có trọng tải lên tới 5.000 tấn và có khả năng tiết kiệm hơn 5,2 tỷ nhân dân tệ (725 triệu USD) chi phí vận chuyển hàng năm.
“Các quốc gia như Hà Lan đã có dự án tương tự, nhưng không lớn bằng kênh đào Pinglu” - ông Pan Jian - Phó Giám đốc trung tâm chỉ huy kênh đào, cho biết.
Cũng theo ông Pan Jian, khối lượng đất, đá được đào để xây kênh đào Bình Lục lớn gấp 3 lần so với đập Tam Hiệp.
Đe dọa đến môi trường
Một số tổ chức bảo vệ môi trường của Trung Quốc đã nêu lên những lo ngại về tác động môi trường của kênh đào và đã công khai đặt câu hỏi về vấn đề này.
Vào tháng 6/2022, Tổ chức Phát triển xanh và Bảo tồn đa dạng sinh học Trung Quốc đã gửi một lá thư tới Sở sinh thái và môi trường Quảng Tây, bày tỏ lo ngại về tác động tiêu cực của con kênh, đặc biệt là đối với đa dạng sinh học, là điều không thể phủ nhận.
Kênh đào Bình Lục có thể sẽ có tác động tiêu cực đến hệ sinh thái. |
Theo báo cáo đánh giá tác động môi trường, con kênh sẽ đi qua 5 vùng bảo vệ nguồn nước uống, chiếm 849,18 ha đất nông nghiệp, 16,56 ha rừng phi thương mại và 13,9 ha rừng ngập mặn.
Hơn nữa, con kênh chủ yếu sẽ được sử dụng để vận chuyển than, khoáng sản, xi măng, ngũ cốc, khai khoáng và vật liệu xây dựng, ... có thể gây ra những tác động không thể tránh khỏi lên các hệ sinh thái mà nó đi qua.
Dự án cũng sẽ gây nguy hiểm cho các nguồn nước ngọt của lưu vực, làm tăng khả năng dòng sông bị thu hẹp và bồi lắng (do cát hoặc đất cản trở), cũng như làm trầm trọng thêm tình trạng lũ lụt trong khu vực, theo tờ SCMP.
Cơ quan giám sát môi trường khu vực khẳng định họ sẽ bảo vệ hệ sinh thái trong quá trình phát triển kênh đào, nhưng không cung cấp thêm thông tin chi tiết.