Chi 25 tỷ đồng mua biệt thự, cặp vợ chồng ngỡ ngàng khi thấy nhà bị rao bán trên mạng với giá chỉ 260 triệu đồng
Cặp đôi không hề hay biết gì cho đến khi bạn bè hỏi thăm rằng liệu họ có chuyển đi không.
Hàng loạt người mua nhà đã đổ xô đến cửa nhà một cặp vợ chồng tại Kansas City (Mỹ) sau khi nhìn thấy căn biệt thự trị giá 1,6 triệu USD của họ được rao bán trên mạng với giá chỉ 10.200 USD (khoảng 260 triệu đồng).
Nhưng Jamey và Lauren Bertram chưa bao giờ có ý định bán căn biệt thự 5 phòng ngủ rộng 5.300m2 mà họ mua với giá khoảng 1 triệu USD (tương đương 25,4 tỷ đồng) vào năm 2019.
Thay vào đó, đây thực chất là một vụ lừa đảo trên trang web bất động sản Zillow khiến họ phải mất gần một tuần để khắc phục, trong khi cặp đôi liên tục bị làm phiền bởi những cuộc gọi, gõ cửa hỏi mua nhà.
Jamey Bertram, Phó Chủ tịch cấp cao của công ty kiến trúc và kỹ thuật Burns & McDonnell, cho biết cả 2 không biết gì cho đến khi bạn bè hỏi thăm rằng liệu họ có chuyển đi không.
Anh nói với tờ Kansas City Star: “Chúng tôi đã dành 3 ngày qua để cố gắng gỡ thông tin giả mạo về việc bán nhà trên mạng. Tôi không nhận được sự trợ giúp nào từ Zillow. Họ hoàn toàn không phản hồi. Đó thực sự là một mớ hỗn độn. Mọi người liên tục gọi muốn đến xem nhà. Đây là một trò lừa đảo”.
Jamey và Lauren Bertram chưa bao giờ có ý định rao bán căn biệt thự của họ. Ảnh: Dailymail |
Theo Dailymail, kẻ lừa đảo đã đăng tải tin bán bất động sản trên Zillow với nội dung: “Bán nhà vì tôi và gia đình sở hữu nhiều bất động sản trên khắp nước Mỹ. Mỗi năm, chúng tôi sẽ bán một hoặc một vài ngôi nhà cho những người mua nhà lần đầu với giá dưới 25.000 USD. Việc này vừa nhằm giúp đỡ cho những gia đình hoặc cá nhân có nhu cầu, vừa là một cách để giảm thuế cho chúng tôi”.
Kẻ lừa đảo giải thích mức giá thấp điên rồ bằng cách làm ra vẻ như người chủ sở hữu rất giàu đến mức có đủ khả năng để đem đi làm từ thiện.
Kẻ lừa đảo được cho là nhắm đến đối tượng những người mua lần đầu và thậm chí còn yêu cầu người môi giới, người cho vay, nhà đầu tư, người bán buôn hoặc luật sư không liên hệ.
Người mua sau đó sẽ được yêu cầu gọi cho một người tên “Mandi” và chuyển 200 USD phí đặt cọc vào tài khoản trực tuyến cho mẹ chủ nhà với cam kết sẽ được hoàn lại sau.
Cuối cùng, vợ chồng nhà Bertram cũng đã liên lạc được với Zillow và thông tin giả mạo được gỡ bỏ vào cuối tuần trước.
Phía Zillow cũng lưu ý: “Hầu hết các vụ lừa đảo đều liên quan đến yêu cầu chuyển tiền. Đừng chuyển tiền cho bất kỳ ai mà bạn chưa gặp trực tiếp”.
Những người mua nhà cũng được cảnh báo không gửi tiền đặt cọc và cẩn thận với những người bán hoặc chủ nhà yêu cầu các thủ tục không chính thống với lý do họ ở nước ngoài.
Một dấu hiệu lừa đảo phổ biến khác là lỗi chính tả và ngữ pháp trong email. Nhưng dấu hiệu lớn nhất trong trường hợp này là mức giá thấp đến mức phi lý.
Zillow khuyên người mua nên trực tiếp đến thăm bất động sản, kiểm tra tính hợp pháp và xác minh danh tính của nhà môi giới.
>> Ngôi nhà mỏng nhất ở thủ đô nước Mỹ có giá lên đến 14 tỷ đồng