Đây là dự án được người dân thành phố mong chờ trong vòng 20 năm qua.
Sở Xây dựng TP. HCM đã có báo cáo kết quả thực hiện chương trình chống ngập và xử lý nước thải giai đoạn 2021-2025 và kế hoạch thực hiện năm 2024-2025 gửi UBND TP. HCM.
Trong báo cáo nêu dự thảo kế hoạch trong năm 2024-2025 về giải pháp trung và dài hạn nhằm triển khai các dự án trọng điểm để thoát nước với gần chục dự án di dời nhà ven kênh được khởi động trong đó, có 2 dự án cải tạo kênh được mong chờ gần 20 năm qua.
Cụ thể, dự án rạch Xuyên Tâm (từ kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè đến sông Vàm Thuật) sẽ khởi công vào tháng 8/2024 tại quận Gò Vấp (hoàn thành tháng 4/2025), sau đó khởi công trên địa bàn quận Bình Thạnh vào tháng 4/2025.
Rạch Xuyên Tâm dài gần 9km, chảy qua quận Bình Thạnh và Gò Vấp, là một trong những tuyến rạch ô nhiễm bậc nhất TP. HCM. Hiện dự án đã được phê duyệt với tổng mức đầu tư hơn 9.600 tỷ đồng từ vốn ngân sách, thực hiện trong giai đoạn 2023-2028.
Theo thông tin từ Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng hạ tầng đô thị TP, số trường hợp ảnh hưởng thu hồi đất tại quận Bình Thạnh là 2.085 trường hợp hộ gia đình, các nhân và cơ quan tổ chức.
Hiện quận Bình Thạnh đã hoàn thành 2.082/2.085 công tác đo vẽ, hoàn thành 1.916/2.085 công tác xác minh, kiểm đếm. Đồng thời, quận đã ban hành 1.993 thông báo thu hồi đất và gửi đến các tổ chức, cá nhân có đất thu hồi.
Tại quận Gò Vấp, có khoảng 137 trường hợp bị ảnh hưởng bởi dự án. Tính đến ngày 9/4, quận đã tạm ứng chi phí tổ chức thực hiện bồi thường, hỗ trợ, tái định cư với số tiền gần 3 tỷ và chi trả cho 13/137 trường hợp với số tiền hơn 32 tỷ đồng. Tổng số tiền đã giải ngân gần 36 tỷ đồng. Có tám hộ đã bàn giao mặt bằng. Theo UBND quận Gò Vấp, quận sẽ tiếp tục vận động các hộ dân còn lại đồng ý nhận tiền và bàn giao mặt bằng để thi công công trình trong năm 2024.
Một dự án khác là xây dựng hạ tầng và cải thiện môi trường kênh Tham Lương - Bến Cát - Nước Lên sẽ được đẩy nhanh tiến độ thi công, hoàn thành dự án trong năm 2025. Dự án được khởi công từ tháng 2/2023, có chiều dài hơn 31km đi qua địa bàn 7 quận huyện với mức đầu tư 8.200 tỷ đồng.
Kênh Tham Lương - Bến Cát - rạch Nước Lên là kênh dài nhất nhưng cũng là một trong những tuyến ô nhiễm nhất TP. HCM. Thành phố có kế hoạch triển khai cải tạo con kênh vào năm 2002 với số tiền đền bù gần 1.300 tỷ đồng và khoảng 3.200 hộ phải giải tỏa, di dời.
Liên quan bồi thường, giải phóng mặt bằng dự án, hiện quận Bình Tân còn 3 hộ chưa được đền bù giải tỏa, quận Gò Vấp đã bàn giao 40/46 mặt bằng cho chủ đầu tư, các hộ còn lại đang vận động bàn giao mặt bằng.
Quận 12 đã bàn giao mặt bằng 80/182 hộ, một trong những khó khăn là nhiều hộ không đền bù do đất bị sạt lở, việc liên hệ với các hộ dân để triển khai công tác đền bù mất nhiều thời gian do không liên lạc được với chủ đất...
Mục tiêu của Sở Xây dựng là xây dựng mới, hoàn thiện hệ thống thoát nước tại khu vực chưa có hệ thống thoát nước, đặc biệt phía đông TP; nạo vét các trục tiêu thoát nước lớn tăng cường khả năng thoát nước cho khu vực trung tâm TP về phía Nam; kết hợp chỉnh trang đô thị.
Ngoài ra, có nhiều dự án quan trọng khác, như: dự án cải thiện hệ thống thoát nước, nước thải và thích ứng biến đổi khí hậu tại lưu vực Tham Lương - Bến Cát; dự án cải thiện hệ thống thoát nước lưu vực Tây Sài Gòn được khởi công trong năm 2025.
TP. HCM là thành phố trực thuộc Trung ương thuộc loại đô thị đặc biệt của Việt Nam. Nằm trong vùng chuyển tiếp giữa Đông Nam Bộ và Tây Nam Bộ, thành phố này hiện có 16 quận, 1 thành phố và 5 huyện, tổng diện tích 2.095km2.
Đây cũng là thành phố lớn nhất Việt Nam (gần 8,9 triệu người) về dân số và cũng là trung tâm kinh tế, văn hóa, giáo dục quan trọng của Việt Nam. Năm 2023, tổng sản phẩm trên địa bàn GRDP của thành phố ước đạt 1.621.191 tỷ đồng, tăng 5,81% so với cùng kỳ năm 2022.
>> Một thị xã đi trước, đón đầu ‘làn sóng’ hạ tầng ở Thanh Hóa nhận tin vui chuẩn bị lên thành phố
Hơn 20 năm 'bất động', dự án nghìn tỷ tại huyện nghèo sắp lên quận của TP. HCM có tin mừng
Thị xã 10 tuổi cách TP. HCM 90km sắp 'lên chức', tiếp thêm 'sức' cho khát vọng của tỉnh nhà