Nhịp sống
Chiêm ngưỡng hơn 500 cổ vật hiếm qua các thời kỳ 'Văn minh sông Hồng đến Hà Nội phố'
Nhân dịp kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô, bảo tàng Hà Nội phối hợp với Hội Cổ vật Thăng Long - Hà Nội tổ chức khai mạc trưng bày chuyên đề "Văn minh sông Hồng đến Hà Nội phố", giới thiệu hơn 500 cổ vật độc đáo.
Bảo tàng Hà Nội phối hợp với Hội Cổ vật Thăng Long – Hà Nội khai mạc triển lãm chuyên đề “Văn minh sông Hồng đến Hà Nội phố”. Sự kiện trưng bày hơn 500 cổ vật quý giá từ các hội viên và nhà sưu tập trên địa bàn thành phố, với mục tiêu lan tỏa tình yêu đối với gốm sứ Việt cổ và tôn vinh những giá trị văn hóa, lịch sử của cổ vật dân tộc. |
Những cổ vật trưng bày tại triển lãm có niên đại từ nhiều thời kỳ khác nhau, trải dài từ các triều đại phong kiến Việt Nam như Lý, Trần, Lê đến Nguyễn. Mỗi cổ vật không chỉ phản ánh nét đẹp văn hóa mà còn là minh chứng cho sự phát triển của kỹ thuật chế tác và nghệ thuật qua từng giai đoạn lịch sử. |
Một trong những hiện vật nổi bật nhất tại triển lãm lần này là tượng con giống từ thế kỷ XI – tượng con chim. Hiện vật này không chỉ mang tính biểu tượng mà còn là một tác phẩm độc bản. Phần đầu của con chim có mỏ vịt, ngậm cuống sen, thân đứng trên đài sen kép, đuôi chim uốn lượn theo hình sóng, trang trí bằng họa tiết lá đề. Đây là biểu tượng tiêu biểu của Phật giáo từ thế kỷ XI đến XIII. |
Trống đồng, có niên đại từ thế kỷ I-III Trước Công nguyên, là hiện vật tiêu biểu của nền văn hóa Đông Sơn. Phần trung tâm của mặt trống được trang trí hình mặt trời với 18 tia tỏa ra xung quanh, tượng trưng cho sự sống và sức mạnh. |
Xung quanh mặt trống được chạm khắc tinh xảo với 4 khối tượng người, cùng các họa tiết hoa tròn đúc nối đồng tâm, phản ánh nghệ thuật chế tác đồng đỉnh cao của người Việt cổ, cũng như những giá trị tâm linh và văn hóa đặc sắc của thời kỳ này. |
Ngoài ra, trưng bày đồ đồng Đông Sơn - niên đại từ thế kỷ V trước công nguyên đến đầu thế kỷ I-III sau công nguyên còn giới thiệu các hiện vật phong phú như trống, thạp, dao, rìu, tượng người, tượng con vật... Các hiện vật này được phát hiện và sưu tầm chủ yếu từ các tỉnh thuộc vùng đồng bằng Bắc Bộ và dọc theo các con sông lớn như sông Hồng (Hà Nội), sông Mã (Thanh Hóa), sông Cả (Nghệ An). |
Nhóm hiện vật đồ gốm - niên đại từ thế kỉ XI-XVII bao gồm các loại: thạp, chum, con giống, ấm, bình vôi, bát, đĩa… được phát hiện và sưu tầm ở các tỉnh thành phía bắc Việt Nam như Hải Dương, Hòa Bình, Tuyên Quang, Hà Giang, Thanh Hóa, Nghệ An… |
Đặc sắc về hiện vật gốm có thể kể đến chiếc ấm gốm đầu rồng, đuôi rồng có niên đại từ thế kỷ XIV-XV là một hiện vật đặc sắc, biểu tượng cho quyền lực và sức mạnh. Cả phần đầu và đuôi ấm đều được tạo hình rồng uốn lượn tinh xảo, minh chứng cho trình độ chế tác gốm cao cấp và sự phát triển rực rỡ của nghệ thuật gốm thời kỳ này. |
Chiếc "đĩa đèn" bằng gốm có niên đại từ thế kỷ 13-15, thuộc thời kỳ Lý - Trần, được sử dụng trong các nghi lễ đốt trầm, với một bức tượng nhỏ được đặt ở giữa. |
Đây là chiếc chuyên rượu bằng gốm, có niên đại từ thế kỷ XI-XIII, được phủ men trắng và trang trí bằng các họa tiết nâu đặc trưng của thời kỳ Lý - Trần. Chiếc chuyên rượu này nổi bật với phần đầu người được đắp nổi ở phía trước. Trong giai đoạn này, các sản phẩm gốm men trắng vẽ nâu không chỉ được sử dụng trong sinh hoạt hàng ngày mà còn mang ý nghĩa tâm linh và văn hóa, được sử dụng trong các nghi lễ. |
Tiếp theo là Đồ sứ Việt Nam qua các giai đoạn lịch sử, đặc biệt là đồ sứ ký kiểu của vua chúa Việt Nam trong thế kỷ XVIII-XIX, được đặt làm tại Trung Hoa. Các sản phẩm này bao gồm nhiều loại như ấm, chén, đĩa, bát, và nậm rượu, được chế tác tinh xảo và mang đậm dấu ấn văn hóa vương triều. (Trong ảnh là bộ bát sứ men trắng vẽ lam thế kỷ XVIII). |
Ngoài ra, các hiện vật đồ sứ Trung Hoa từ thế kỷ XVIII-XIX, bao gồm chum, chóe, chậu hoa, và ống bút... cũng đã được sưu tầm từ nhiều tỉnh, thành phố lớn của Việt Nam ngày nay như Hà Nội, Nam Định, Huế và thành phố Hồ Chí Minh. |
Nhóm hiện vật chất liệu gỗ sơn son thếp vàng và đồ thờ cúng gồm sập thờ, khám, hoành phi, câu đối và tượng… có niên đại từ thế kỷ XVII-XIX, được sưu tầm tại các tỉnh thành phố phía Bắc như Hà Nội, Hải Dương, Bắc Ninh, Hải Phòng, Nam Định… |
Đầu rồng đất nung, men lục, dùng trong trang trí kiến trúc - Niên đại thế kỷ XIII-XIV |
Tượng Quan Âm Chuẩn Đề sơn son thếp Vàng có niên đại thế kỷ XVII-XVIII. |
Quan âm toạ sơn có niên đại thế kỷ XIX. |
Chuyên đề Văn minh sông Hồng đến Hà Nội phố được trưng bày tại Bảo tàng Hà Nội và kéo dài đến hết ngày 30/10. |