Chiêm ngưỡng tuyến đường 1.500 tỷ đồng với 6 làn xe ‘đâm xuyên’ rừng già, thu hút du khách bởi ‘đẹp quên lối về’
Dọc tuyến đường độc đáo sẽ đưa du khách vượt cánh rừng, tiến sát bờ biển, tận hưởng không khí trong lành với hệ thống động, thực vật đặc trưng..
Tuyến đường 1.500 tỷ đồng xuyên rừng già
Huyện đảo Cần Giờ tọa lạc ở hướng Đông Nam của Thành phố Hồ Chí Minh, cách trung tâm thành phố khoảng 60km, là khu vực duy nhất trong thành phố giáp biển. Nổi tiếng không chỉ với các điểm du lịch nổi tiếng, Cần Giờ còn thu hút du khách bởi những con đường "đẹp quên lối về".
Khi đặt chân đến huyện Cần Giờ và hướng đi ra bờ biển, du khách chỉ có một lựa chọn duy nhất đó là tuyến đường Rừng Sác. Từ một con đường nhỏ với đất sỏi, qua nhiều lần tu sửa và nâng cấp, đến nay đường Rừng Sác đã trở thành một tuyến đường rộng 6 làn xe (3 làn mỗi bên) và có dải phân cách bằng bồn cây xanh ở giữa, tạo nên một hình ảnh trang nhã và đẹp mắt, vượt trội hơn nhiều so với nhiều tuyến đường trong khu vực nội đô của Thành phố Hồ Chí Minh.
Ngày 22/01/2011, đường Rừng Sác - Cần Giờ chính thức khánh thành sau gần 10 năm thi công, mở ra một lối đi thuận tiện từ trung tâm thành phố Hồ Chí Minh đến với bờ biển Đông.
Tuyến đường này có chiều dài 36,5km và rộng 30m. Điểm cuối của đường là ngã tư 30/4, cũng là nút giao giữa đường Rừng Sác và khu du lịch biển, đồng thời dẫn vào ấp Hòa Hiệp (xã Long Hòa, huyện Cần Giờ).
Trước khi được nâng cấp thành tuyến đường rộng 6 làn xe như hiện nay, con đường độc đạo xuyên qua rừng và dẫn tới bờ biển Cần Giờ chỉ là một đường đất nhỏ, hẹp, chỉ đủ cho một người hoặc một phương tiện di chuyển qua lại. Lần đầu tiên, đường Rừng Sác đã được nâng cấp vào năm 1985, khi mà con đường đất sình lầy được chuyển đổi thành đường cấp phối bằng sỏi và đá.
Đường Rừng Sác là đường giao thông chính yếu chạy dọc huyện Cần Giờ, xuyên theo trục tây bắc - đông nam.
Dự án đường Rừng Sác đã được phân chia thành hai giai đoạn, với Giai đoạn 1 tập trung vào hoàn thiện nền hạ cơ sở, trong khi Giai đoạn 2 tập trung vào mở rộng mặt đường lên 6 làn xe. Tổng vốn đầu tư cho cả dự án là 1.561 tỷ đồng, dự án được Ban Quản lý Đầu tư Xây dựng Công trình huyện Cần Giờ làm chủ đầu tư. Tuyến đường tổng cộng có chiều dài 36,5 km, bắt đầu tại Bến phà Bình Khánh và kết thúc tại ngã tư 30/4, huyện Long Hòa, Cần Giờ, mở ra biển Đông.
Trên tuyến đường này, đã xây dựng 8 cây cầu mới với tổng chi phí đầu tư lên đến hơn 500 tỷ đồng. Trong hình là cầu Dần Xây, có chiều dài 387,5m, được khánh thành vào năm 2001, đánh dấu kết thúc sứ mệnh lịch sử của phà Dần Xây. Kể từ thời điểm đó, đường Rừng Sác đã trở nên liền mạch và thông suốt trên toàn bộ tuyến đường, giúp người dân không còn phải sử dụng phà trước khi đến với khu duyên hải thuộc huyện Cần Giờ.
Các điểm dừng chân dọc tuyến đường Rừng Sác
Khu di tích lịch sử Chiến khu Rừng Sác (tại huyện Cần Giờ) là một trong những địa điểm được du khách ưa chuộng khi thăm huyện Cần Giờ. Trước đây, nơi này được biết đến với tên gọi khác là Khu Lâm Viên Cần Giờ, với diện tích hơn 2.000ha, trong đó, khoảng 514ha đã và đang được khai thác để phục vụ ngành du lịch.
Bên trong di tích lịch sử Chiến khu Rừng Sác Cần Giờ là Khu căn cứ Cách mạng Rừng Sác. Nơi đây đã được công nhận là Khu di tích lịch sử cấp Quốc gia, nổi tiếng với sự chiến đấu anh dũng của Đội Đặc công Rừng Sác.
Bên cạnh đó, trên tuyến đường Rừng Sác còn có Khu Dự trữ Sinh quyển Cần Giờ, được UNESCO công nhận là một trong những khu Dự trữ Sinh quyển Thế giới vào năm 2000. Đây là nơi có hệ động thực vật đa dạng và độc đáo, tiêu biểu cho vùng ngập mặn. Khu vực này còn được biết đến như một điểm du lịch trọng điểm của Việt Nam, được mô tả như một "viên ngọc xanh" giữa lòng TP.HCM.
Một trải nghiệm đặc sắc khi di chuyển qua đường Rừng Sác là khả năng bắt gặp những đàn khỉ đang leo trèo trong những hàng cây ven đường. Trong sự đa dạng quần thể động và thực vật đặc trưng của rừng ngập mặn, cánh Rừng Sác nổi tiếng với đàn khỉ đuôi dài. Theo số liệu thống kê, hiện tại, Đảo Khỉ (tại huyện Cần Giờ) ước tính có khoảng 2.000 cá thể khỉ và khoảng 1.000 cá thể khác đang sống tự nhiên.