"Chiến bại" với các quỹ đầu tư sau nửa đầu năm 2022

03-07-2022 18:58|Trần Trung

Trước diễn biến đi xuống của thị trường chung, hầu hết các quỹ đầu tư tại Việt Nam đều ghi nhận hiệu suất âm trong 6 tháng đầu năm 2022.

Nửa đầu năm 2022, thị trường chứng khoán Việt Nam biến động không mấy tích cực trước ảnh hưởng từ hàng loạt thông tin liên quan đến căng thẳng Nga - Ukraine, Tân Hoàng Minh bỏ cọc đất Thủ Thiêm, lạm phát tăng cao ở các nước như Mỹ hay châu Âu,...

Sau khi đạt mức cao lịch sử tại 1.528,6 điểm vào ngày 6/1/2022, chỉ số VN-Index đã giảm mạnh trong những tháng tiếp theo. Tính từ đầu năm đến 23/6, tâm lý tiêu cực lan rộng khiến chỉ số VN-Index giảm 20,7%, chỉ số HNX-Index đã giảm 41,5% và UPCOM-Index cũng giảm 23,1%.

Trái với sự biến động tiêu cực của chỉ số chính, nhóm cung cấp nước & khí đốt (+15,7%), bán lẻ (+3,2%), công nghệ thông tin (+2,7%), đồ uống (+1,6%) là 4 ngành duy nhất ghi nhận diễn biến tích cực trong 6 tháng đầu năm.

Ngược lại, chứng khoán là ngành có diễn biến kém nhất trong 6 tháng đầu năm, ghi nhận mức sụt giảm 48,9%, là kết quả của thanh khoản suy yếu so với tháng trước. Đặc biệt, một số ngành có hiệu suất kém hơn so với VN-Index như viễn thông (-22,7%), bất động sản (-28%), Xây dựng (-36,7%), ô tô (- 36,8%) và thép (-40,4%).

Trước diễn biến đi xuống của thị trường, hầu hết các quỹ đầu tư tại Việt Nam đều ghi nhận hiệu suất âm trong 6 tháng đầu năm.

Theo số liệu tại cuối tháng 6, VFMVN Diamond ETF ghi nhận hiệu suất khả quan nhất thị trường dù âm 3,6%. Tỷ suất đầu tư của VFMVN Diamond ETF vượt xa thị trường chung do các cổ phiếu có tỷ trọng lớn như PNJ, FPT, MWG, REE,... đều tăng trưởng dương so với đầu năm.

Dòng tiền đổ vào quỹ ETF nội này bùng nổ trong tháng 5 trước trước khi có xu hướng chững lại trong tháng 6. Xét riêng tháng 5, VFMVN Diamond ETF phát hành gần 113 triệu chứng chỉ quỹ, hút ròng 3.010,3 tỷ đồng - gấp hơn 66 lần so với cùng kỳ và cao hơn 78% so với con số của cả 4 tháng đầu năm. Phiên giao dịch 31/5 ghi nhận lượng vốn đổ vào mạnh nhất với 43,4 triệu chứng chỉ quỹ, ứng với 112,6 tỷ đồng.

Các quỹ ETF sử dụng tham chiếu là VN30 Index như VFM VN30 âm 18,3%, SSIAM VN30 âm 18,8% MAFMVN30 ETF âm 18,5%,… do chỉ số VN30 ghi nhận hiệu suất âm gần 18,7% trong nửa đầu năm nay.

VanEck Vietnam ETF là quỹ có hiệu suất tệ nhất khi âm 31,9% - gấp rưỡi so với mức giảm 20,7% của VN-Index từ đầu năm đến nay. Quy mô của quỹ là gần 378 triệu USD trong đó VIC, VHM, HPG chiếm tỷ trọng lớn nhất. Xét về giá, cổ phiếu VIC giảm 22,7%, VHM giảm 22,1% và HPG giảm 36,5% so với đầu năm. Hiệu quả đầu tư của các quỹ ETF còn lại đều có mức âm trung bình 22 - 27%.

quy.png

Trong nửa đầu năm, các quỹ đầu tư chủ động đều có tỷ suất đầu tư âm khoảng 20%, tương đương mức giảm của VN-Index. Quỹ hơn 2 tỷ USD của Dragon Capital - Vietnam Enterprise Investment Limited (VEIL) ghi nhận hiệu suất âm 20,1%. Phần lớn các cổ phiếu thuộc top 10 danh mục quỹ đều giảm mạnh như HPG, VPB, ACB…

Tương tự VEIL, PYN Elite Fund có hiệu suất âm tương tự VN-Index với âm 20%. Thiếu “chủ lực” trong danh mục có khả năng đi ngược thị trường khiến quỹ ngoại đến từ Phần Lan ghi nhận hiệu suất đầu tư âm trong 5 tháng liên tiếp và là chuỗi dài nhất kể từ tháng 8/2018.

Top 3 cổ phiếu đứng đầu danh mục đầu tư PYN Elite Fund như VHM, CTG, VRE đều ghi nhận thị giá trên đà đi xuống từ đầu năm. Riêng nhóm ngân hàng chiếm 36,8% danh mục quỹ PYN bao gồm các mã CTG, HDB, MBB, và TPB, đều có mức giá giảm trên 20% trong đó TPB giảm mạnh nhất với gần 34%.

Hiện khoản đầu tư vào VFMVN Diamond ETF xếp thứ 9 trong danh mục của PYN Elite Fund với tỷ trọng 3,3% sau khi PYN Elite Fund bán ra lượng lớn chứng chỉ quỹ FUEVFVND. Giá trị khoản đầu tư vào quỹ ETF nội lớn nhất từng có thời điểm đạt mức 1.700 tỷ đồng - chiếm tỷ trọng lớn thứ hai danh mục và đóng góp vào hiệu suất tích cực trong giai đoạn quý II/2021.

Tuy đang có kết quả đầu tư kém sắc, quỹ ngoại đến từ Phần Lan này vẫn giữ góc nhìn lạc quan về thị trường chứng khoán Việt Nam. Thậm chí nhà quản lý danh mục của PYN vẫn giữ nguyên dự báo về ngưỡng mục tiêu 1.800 điểm của VN-Index.

Cựu tướng Ukraine nói châu Âu chưa sẵn sàng cho cuộc chiến lâu dài với Nga

Lý do tên lửa tối tân Oreshnik của Nga không gây thiệt hại lớn cho Ukraine

Bài thuộc chủ đề Tài chính
Theo Kinh Tế Chứng Khoán
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/chien-bai-voi-cac-quy-dau-tu-sau-nua-dau-nam-2022-138613.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    "Chiến bại" với các quỹ đầu tư sau nửa đầu năm 2022
    POWERED BY ONECMS & INTECH