Từ 15h chiều ngày 1/6/2023, giá xăng E5 RON 92 tăng lên 20.870 đồng/lít, xăng RON 95-III tăng lên 22.010 đồng/lít.
Chiều 1/6/2023, liên Bộ Công Thương - Tài chính đã tiến hành điều chỉnh giá bán lẻ xăng dầu theo chu kỳ.
Theo đó, cơ quan điều hành quyết định tăng thêm 390 đồng trên mỗi lít xăng E5 RON 92, xăng RON 95 tăng 520 đồng/lít. Sau điều chỉnh, mức giá bán lẻ tối đa với xăng E5 RON 92 là 20.870 đồng/lít và xăng RON 95-III là 22.010 đồng/lít.
Trong khi đó, giá dầu được điều chỉnh giảm nhẹ trong đợt điều hành này. Cụ thể, giá dầu diesel giảm 10 đồng, còn 17.950 đồng/lít.
Như vậy, giá xăng trong nước đã trải qua 2 lần điều chỉnh tăng liên tiếp sau 3 lần giảm trước đó. Từ đầu năm đến nay, mặt hàng này đã có 9 lần tăng, 6 lần giảm và một lần giữ nguyên.
Hiện số dư quỹ bình ổn xăng dầu của một số doanh nghiệp đầu mối vẫn ghi nhận mức dương lớn. Trong đó, tính đến ngày 22/5, Petrolimex ghi nhận dương quỹ 2.908 tỷ đồng; PVOil âm 139 tỷ đồng; Saigon Petro dương 324 tỷ đồng; trong khi Petimex dương 441 tỷ đồng...
Theo báo cáo về tình hình trích lập, sử dụng và lãi phát sinh trên số dư Quỹ bình ổn giá xăng dầu mới được Bộ Tài chính công bố, tính đến hết quý 1, tổng số dư quỹ đã tăng lên mức 5.640 tỷ đồng, cao nhất kể từ quý 1/2021 đến nay. Theo Bộ Tài chính, so với quý liền trước, số dư Quỹ bình ổn giá xăng dầu đã tăng hơn 1.040 tỷ đồng.
Tại phiên thảo luận Quốc hội về kinh tế - xã hội sáng 1/6, đại biểu Nguyễn Thị Kim Anh (Bắc Ninh) cho biết, có ý kiến đề xuất bỏ Quỹ bình ổn xăng dầu để đảm bảo vận hành theo cơ chế thị trường, không bỏ lỡ tín hiệu của thị trường, công khai, minh bạch, dự đoán được sự biến động giá thế giới.
Theo đại biểu, cử tri đề nghị Chính phủ cần đánh giá kỹ thực trạng, hiệu quả và sự cần thiết của quỹ này. "Cử tri cũng cho rằng Nhà nước chỉ nên can thiệp khi có những biến động lớn về giá có khả năng ảnh hưởng đến việc thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh bằng các công cụ chính sách để bình ổn thị trường như thuế và dự trữ quốc gia", đại biểu nói.