Chính phủ gia hạn ưu đãi thuế, VinFast bứt tốc trên đường đua nội địa hóa 84%
Việc gia hạn ưu đãi thuế công nghiệp hỗ trợ thêm 3 năm kỳ vọng sẽ thúc đẩy ngành phụ trợ, đặc biệt là sản xuất linh kiện và hạ tầng ô tô điện, mở ra cơ hội cho các doanh nghiệp trong nước như VinFast.
Chính phủ đã ban hành Nghị định 21/2025/NĐ-CP ngày 10/2/2025, sửa đổi Điều 9 Nghị định 26/2023/NĐ-CP về biểu thuế xuất nhập khẩu và các loại thuế liên quan. Theo đó, thuế suất nhập khẩu ưu đãi 0% được áp dụng đến ngày 31/12/2027 đối với nguyên liệu, vật tư, linh kiện trong nước chưa sản xuất được để phục vụ ngành công nghiệp hỗ trợ ô tô. So với quy định trước đây (đến 31/12/2024), chính sách này kéo dài thêm 3 năm.
Doanh nghiệp nhập khẩu vẫn phải kê khai, tính thuế theo mức thông thường tại thời điểm đăng ký tờ khai hải quan. Việc hưởng mức thuế suất 0% sẽ thực hiện theo quy định cụ thể trong Nghị định.
Trước đó, Bộ Công Thương, Hiệp hội Cơ khí Việt Nam (VAMI), Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) đều kiến nghị gia hạn chương trình ưu đãi thuế công nghiệp hỗ trợ ô tô đến ngày 31/12/2027, tương đương với khoảng thời gian của chương trình ưu đãi thuế khác trong lĩnh vực sản xuất, lắp ráp ô tô.
Động thái này không chỉ đảm bảo tính nhất quán trong các chính sách ưu đãi mà còn tạo cơ hội cho ngành công nghiệp ô tô Việt Nam tiến gần hơn đến mục tiêu hiện đại hóa và hội nhập sâu rộng vào chuỗi giá trị toàn cầu.
Bộ Tài chính nhấn mạnh, việc gia hạn chương trình là giải pháp cần thiết nhằm hiện thực hóa chiến lược công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước theo định hướng của Đảng và Chính phủ. Chính sách này không chỉ hỗ trợ doanh nghiệp trong nước mở rộng sản xuất, lắp ráp ô tô mà còn giảm sự phụ thuộc vào nhập khẩu ô tô nguyên chiếc từ ASEAN với thuế suất 0%.
![]() |
VinFast đặt mục tiêu đạt tỷ lệ nội địa hóa 84% vào năm 2026 |
Việc gia hạn ưu đãi thuế công nghiệp hỗ trợ sẽ thúc đẩy ngành phụ trợ, đặc biệt là sản xuất linh kiện và hạ tầng ô tô điện, mở ra cơ hội cho các doanh nghiệp trong nước như VinFast.
Hiện tại, tỷ lệ nội địa hóa trên xe điện VinFast đã đạt hơn 60%, bao gồm các chi tiết quan trọng như thân vỏ, động cơ, trần xe và giảm xóc. Đặc biệt, hãng xe điện Việt đã chủ động sản xuất các cấu phần quan trọng như thân vỏ, động cơ… nhờ các xưởng sản xuất có mức độ tự động hóa trên 90%, đảm bảo chất lượng và quy mô sản xuất đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế. Trong nhà máy VinFast Hải Phòng hiện có các xưởng: dập, hàn, lắp ráp, động cơ… đều được lắp đặt trên dây chuyền hiện đại, tiên tiến bậc nhất thế giới của Đức, Áo, Hàn Quốc…
Hãng xe của tỷ phú Phạm Nhật Vượng dự kiến nâng tỷ lệ nội địa hóa từ 60% hiện tại lên 84% vào năm 2026 bằng việc sản xuất trong nước các chi tiết như ghế xe, dây điện, đèn xe, vành xe, hệ thống phanh - lái, linh kiện nội thất và ngoại thất, kính gương... Khi sản xuất được pin điện - linh kiện có giá trị cao nhất trong xe điện, VinFast sẽ nâng tỷ lệ nội địa hóa lên đến 84%.
Trong cuộc gặp với Thủ tướng vào ngày 10/2 vừa qua, Tổng Giám đốc Tập đoàn Vingroup (HoSE: VIC), ông Nguyễn Việt Quang nhấn mạnh: "VinFast không chỉ đơn thuần sản xuất xe điện mà còn tập trung xây dựng chuỗi công nghiệp hỗ trợ từ sản xuất pin, trạm sạc cho đến các giải pháp năng lượng thông minh.
Chúng tôi xác định việc nâng cao tỷ lệ nội địa hóa cho xe điện VinFast là chìa khóa để phát triển bền vững đồng thời thúc đẩy mạnh mẽ các ngành công nghiệp phụ trợ trong nước. Đặc biệt với mục tiêu góp phần giảm phát thải, VinFast đóng vai trò tiên phong trong làn sóng chuyển đổi xanh của Việt Nam, tạo ra sự liên kết chặt chẽ giữa phát triển công nghiệp và bảo vệ môi trường".