Chính phủ phản ứng chính sách nhanh nhạy, kịp thời

27-05-2023 04:20|Minh Ngọc

Theo chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh, trong bối cảnh khó khăn của nền kinh tế thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng, Chính phủ và các cơ quan quản lý nhà nước đã chủ động vào cuộc để xem xét, phân tích và đưa ra nhiều phản ứng chính sách kịp thời.

Chính sách bám sát thực tiễn

Nhìn lại quý I/2023, nền kinh tế nước ta tăng trưởng 3,32% - con số này là thấp khi so sánh với quý I của những năm trước. Doanh nghiệp đối mặt với nhiều trở ngại, đặc biệt là doanh nghiệp xuất khẩu do kinh tế thế giới có dấu hiệu trì trệ, ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động của một số ngành hàng, các đơn hàng giảm sút.

Trước thực trạng ấy, chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh cho rằng Chính phủ và các cơ quan quản lý nhà nước đã chủ động vào cuộc để xem xét, phân tích và tìm các biện pháp hỗ trợ cho doanh nghiệp phục hồi, tăng trưởng kinh tế.

"Chính phủ đã bám sát tình hình, thành lập các tổ công tác, ban hành nhiều công điện nhắc nhở, giám sát thực tiễn và đưa ra nhiều phản ứng chính sách nhanh nhạy, kịp thời", ông Thịnh khẳng định.

Chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh

Trước hết, Chính phủ ban hành Nghị quyết 33/NQ-CP về giải pháp tháo gỡ và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững để tháo gỡ khó khăn về dòng vốn cho nền kinh tế quốc dân. Từ đó, hồi phục, tổ chức lại thị trường chứng khoán, đưa thị trường này vào nề nếp, ổn định, hoạt động theo phương thức mới, phù hợp với sự phát triển của kinh tế thị trường, đảm bảo kỷ cương, chặt chẽ.

Thứ hai, nhằm giải quyết khó khăn về nợ vay, Chính phủ đã chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước nghiên cứu, ban hành Thông tư 02 cho phép các tổ chức tín dụng được gia hạn nợ và giữ nguyên nhóm nợ cho các khách hàng khó khăn đến hết ngày 30/6/2024. Chính sách này được các doanh nghiệp hào hứng đón nhận, như một liệu pháp kịp thời hỗ trợ doanh nghiệp đang bế tắc về vốn có nguồn để duy trì hoạt động.

Đồng thời, Thông tư 02 cho phép các ngân hàng thương mại mua lại trái phiếu mà ngân hàng phát hành hộ các doanh nghiệp. Quy định này tạo cơ hội, điều kiện giúp cho doanh nghiệp có trái phiếu đến hạn thực hiện thanh toán nợ vay một cách tốt nhất, củng cố lòng tin của nhà đầu tư và thị trường đối với doanh nghiệp.

Chuyên gia kinh tế nhận định với những chính sách cụ thể, việc tháo gỡ dòng vốn trong nền sản xuất đã được Chính phủ quan tâm, thực hiện tương đối tốt.

Tập trung gỡ vướng cho các động lực phát triển

Giữa tháng 3/2023, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ký quyết định thành lập 5 tổ công tác do 3 Phó Thủ tướng và 2 Bộ trưởng đứng đầu các tổ nhằm kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công năm 2023. Động thái này một lần nữa khẳng định Chính phủ xem đốc thúc giải ngân vốn đầu tư công là ưu tiên hàng đầu.

Đánh giá cao quyết tâm của Chính phủ, ông Thịnh cho biết giải ngân hơn 700 nghìn tỷ trong năm 2023 là khối lượng lớn, đòi hỏi sự nỗ lực, vào cuộc của cả hệ thống chính trị. Tuy nhiên, bước chuyển biến tích cực trong tháng 3, 4 vừa qua tạo niềm tin rằng cuối năm nay, chúng ta có thể thực hiện được chỉ tiêu giải ngân từ 92-95% vốn đầu tư công như mong muốn của Quốc hội và Chính phủ.

Về động lực xuất khẩu, Bộ Công Thương và các đại sứ quán, hiệp hội ngành nghề đã phối hợp chặt chẽ, kiểm tra lại các thị trường, mặt hàng truyền thống để nắm bắt những gì cần thay đổi, qua đó đẩy mạnh xuất khẩu. Mặt khác, cần đẩy mạnh mở rộng thị trường xuất khẩu đến quốc gia mà nước ta có hiệp định thương mại tự do để ký kết các đơn hàng mới.

Khi xuất khẩu gặp khó, điểm đáng mừng là nhiều doanh nghiệp đã có động thái quay trở lại tìm khả năng cung ứng cho thị trường nội địa. Nắm vững thị trường nội địa 100 triệu dân cũng là cơ hội rất lớn vì thị trường gần gũi, chi phí vận tải và chi phí tiếp cận tìm hiểu thấp hơn, dễ thích ứng văn hóa, nhu cầu; phong trào người Việt Nam dùng hàng Việt Nam cũng luôn được chú trọng.

Để có thể đáp ứng dòng vốn, không chỉ tiếp cận tín dụng từ ngân hàng, vấn đề quan trọng nhất là làm sao để quá trình luân chuyển hàng hóa của doanh nghiệp phải diễn ra trôi chảy, đều đặn. Lượng vốn này mới lớn và bền vững.

"Khi dòng chảy hàng hóa thông thoáng, việc bổ sung thêm vốn sẽ thuận lợi hơn, tiếp cận ngân hàng để mở rộng kinh doanh cũng đơn giản hơn. Tín nhiệm, lòng tin của nhà đầu tư đối với doanh nghiệp tăng thì phát hành trái phiếu sẽ hiệu quả", ông Đinh Trọng Thịnh phân tích.

Bản thân doanh nghiệp cần tự tái cấu trúc, xem xét các ưu tiên, nhu cầu thiết yếu nhất. Ví dụ như đối với doanh nghiệp bất động sản, nếu như trước đây có nhiều dự án thì bây giờ cần lựa chọn, tập trung triển khai những dự án ưu tiên gần hoàn thành để khơi thông hàng hóa, sản phẩm bán ra thị trường. Tiếp theo là cân nhắc giá cả phù hợp.

Còn đối với doanh nghiệp sản xuất kinh doanh, cũng cần cơ cấu phương thức hoạt động, thị trường, đặc biệt như dệt may, da giầy đang để mất đơn hàng vào tay đối thủ. Ông Thịnh cho rằng doanh nghiệp cần nghiên cứu sát hơn nữa với thị hiếu, yêu cầu thị trường về giá cả, chất lượng, mẫu mã để thích ứng, từ đó phục hồi, đẩy mạnh xuất khẩu./.

Làm thế nào để có khách trong bối cảnh kinh tế khó khăn hiện nay?

Bộ Kế hoạch và Đầu tư nêu ra 6 nhiệm vụ chính cần ưu tiên để phát triển kinh tế xã hội

Tình hình kinh tế vĩ mô tháng 4/2023 tiếp tục ổn định, lạm phát được kiểm soát

Theo baochinhphu.vn
https://baochinhphu.vn/chinh-phu-phan-ung-chinh-sach-nhanh-nhay-kip-thoi-102230526093905833.htm
Đừng bỏ lỡ
Nổi bật Người quan sát
Chính phủ phản ứng chính sách nhanh nhạy, kịp thời
POWERED BY ONECMS & INTECH