Chính phủ phê duyệt đề án thị trường carbon, mở ra cơ hội vàng cho nhiều doanh nghiệp rổ VN30
Đề án đặt mục tiêu hoàn thiện khuôn khổ pháp lý cho trao đổi tín chỉ carbon và hạn ngạch phát thải khí nhà kính trước tháng 6/2025.
Ngày 24/1/2025, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 232/QĐ-TTg phê duyệt Đề án thành lập và phát triển thị trường carbon tại Việt Nam.
Mục tiêu chung của Đề án là phát triển thị trường carbon tại Việt Nam, góp phần thực hiện mục tiêu giảm nhẹ phát thải khí nhà kính đã cam kết tại Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC) với chi phí của doanh nghiệp và xã hội thấp, tạo dòng tài chính mới cho hoạt động cắt giảm phát thải khí nhà kính, thúc đẩy chuyển đổi xanh, phát triển công nghệ phát thải thấp, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam ở trong nước và trên thị trường thế giới, phát triển nền kinh tế carbon thấp và chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, hướng tới đạt mức phát thải ròng bằng "0" vào năm 2050.
Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 232/QĐ-TTg phê duyệt Đề án thành lập và phát triển thị trường carbon tại Việt Nam (Ảnh minh họa) |
Đề án đặt mục tiêu đến trước tháng 6/2025 từng bước xây dựng và hoàn thiện khuôn khổ pháp lý cho việc trao đổi hạn ngạch phát thải khí nhà kính, tín chỉ carbon và cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ carbon, đảm bảo cơ sở pháp lý cho việc triển khai thí điểm sàn giao dịch carbon; xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ tổ chức vận hành thị trường carbon; nâng cao năng lực quản lý, tổ chức vận hành thị trường carbon của cơ quan quản lý nhà nước, năng lực và nhận thức của doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân đáp ứng việc sẵn sàng tham gia thị trường carbon.
Về mục tiêu cụ thể, giai đoạn từ tháng 6/2025 đến hết năm 2028, vận hành thí điểm sàn giao dịch carbon trong nước. Tiếp tục hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật phục vụ tổ chức vận hành thị trường carbon.
Giai đoạn từ năm 2029 chính thức vận hành sàn giao dịch carbon trong nước. Tiếp tục hoàn thiện quy định của pháp luật, cơ sở hạ tầng cho thị trường carbon; tiếp tục nâng cao năng lực quản lý, tổ chức vận hành thị trường carbon của cơ quan quản lý nhà nước, năng lực và nhận thức của doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân, đáp ứng yêu cầu trong giai đoạn mới.
Theo tính toán, chỉ riêng ngành nông nghiệp Việt Nam, tiềm năng có thể đạt 57 triệu tín chỉ carbon mỗi năm. Nếu thực hiện được các giao dịch tương xứng, nước ta có thể bán tín chỉ carbon với giá trị khoảng 300 triệu USD/năm.
Tại hội thảo "Phát huy giá trị nguồn lợi từ rừng gắn với mục tiêu NET - Zero và phát triển bền vững" tháng 9/2024, ông Hà Công Tuấn - Chủ tịch Hội Khoa học Nông nghiệp Việt Nam nhấn mạnh: “Hiện nay, thị trường tín chỉ carbon toàn cầu đang diễn ra rất sôi động, với tín chỉ carbon được coi là một loại hàng hóa có thể giao dịch. Giá 1 tín chỉ carbon dao động từ 1-2 USD, thậm chí đến gần 200 USD”.
Vinamilk, Vingroup, Masan cùng nhắm đến
Bắt đầu từ năm 2016, Công ty Masan High-Tech Materials (MSR - công ty con của Tập đoàn Masan) bắt đầu trồng cây trên vùng đất đá thải ra sau khi khai thác khoáng sản. Đến năm 2023, họ đã phủ xanh được khoảng 58ha khắp khu vực của dự án.
Ở thời điểm đó, ông Phan Chiến Thắng, Giám đốc Truyền thông, Cộng đồng và Quan hệ Đối ngoại, Công ty Masan High-Tech Materials chia sẻ: “Theo lộ trình Chính phủ Việt Nam thì thị trường carbon sẽ vận hành chính thức vào năm 2028, từ trước đến nay chúng tôi luôn thực hiện hình thức tiết kiệm năng lượng, trồng cây xanh, tái chế chất thải và có thể nói đến thời điểm này chúng tôi đã sẵn sàng về kỹ thuật và tài chính để sẵn sàng tham gia việc mua bán, trao đổi tín chỉ carbon trong tương lai, ngay khi thị trường chính thức đi vào vận hành”.
Tương tự, ông Lê Hoàng Minh, Trưởng dự án Net Zero của Vinamilk (HoSE: VNM), cho biết sau khi hoàn thành việc trồng mới 1 triệu cây xanh, Vinamilk tiếp tục triển khai việc trồng cây để trung hòa carbon, với mục tiêu là cắt giảm 15% lượng phát thải khí nhà kính vào năm 2027, cắt giảm và trung hòa 55% lượng phát thải vào năm 2035. “Dự kiến trong 5 năm tới chúng tôi trồng được 2-3 triệu cây xanh, bắt đầu bằng cây mắm. Cây mắm hấp thụ CO2 rất tốt, đồng thời giữ đất cho người nông dân”, ông Minh tiết lộ.
Ông Nguyễn Quốc Khánh, Giám đốc Điều hành Nghiên cứu & Phát triển (R&D) Vinamilk cho biết thời gian qua công ty đã thực hiện nhiều giải pháp để đạt được mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.
“Trong tương lai, chúng tôi có thể tính đến việc bán tín chỉ carbon nếu việc hấp thụ khí thải nhà kính lớn hơn so với lượng thải ra”, ông Khánh nói.
Ông Khánh cho biết có dự án thì phải tính chi phí đầu tư và tỷ suất lợi nhuận thu lại, nhưng kinh nghiệm của Vinamilk nếu đầu tư từ sớm thì chi phí sẽ thấp hơn và lợi ích thu lại lớn hơn rất nhiều. "Nếu nhiều năm trước chúng tôi không tiến hành chương trình 1 triệu cây xanh thì bây giờ chúng tôi không thể tự trung hòa lượng phát thải phát ra", ông Khánh chia sẻ và cho biết trang trại và nhà máy cân bằng khoảng 17.500 tấn CO2/năm. Điều này tương đương 1,7 triệu cây xanh 5 tuổi. Chi phí là có nhưng hiệu ích lớn hơn.
Tại ĐHĐCĐ thường niên 2024 của Tập đoàn Vingroup (VIC), ở phiên thảo luận, một cổ đông đã đặt câu hỏi: "VinFast hiện thu chủ yếu từ việc bán xe, nhưng theo tôi được biết thì tín chỉ carbon cũng tạo ra nguồn thu. VinFast giảm thải được rất nhiều carbon, hiện VinFast đã làm hồ sơ pháp lý gì để phát hành chứng chỉ carbon trong thời gian tới?".
Giải đáp vấn đề này, ông Phạm Nhật Vượng thông tin: "Chúng tôi đã thành lập tổ công tác để thúc đẩy việc bán tín chỉ carbon không chỉ ở Việt Nam mà còn ở các nước khác".
Thị trường tín chỉ carbon đang mở ra cơ hội lớn cho các doanh nghiệp Việt Nam trong hành trình hướng tới phát triển bền vững và đạt mục tiêu phát thải ròng bằng 0. Với tiềm năng hàng trăm triệu USD mỗi năm, tín chỉ carbon không chỉ là công cụ góp phần bảo vệ môi trường mà còn trở thành nguồn thu hấp dẫn trong tương lai.
>> Mặt hàng đặc biệt lọt vào 'tầm ngắm' của Vingroup, Masan và Vinamilk sắp được chuẩn hóa giao dịch