Doanh nghiệp A-Z

Siêu dự án đường sắt 67 tỷ USD: Hòa Phát đủ sức sản xuất thanh ray 100m, Đèo Cả nuôi tham vọng chế tạo toa xe

Ánh Nguyệt 25/01/2025 07:05

Nhiều doanh nghiệp Việt như Hòa Phát, Đèo Cả... đang nghiên cứu sản xuất các thành phần quan trọng như thanh ray, đầu máy, toa xe, nhằm gia tăng tỷ lệ nội địa hóa cho siêu dự án đường sắt lớn nhất lịch sử.

Tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam có tổng chiều dài khoảng 1.541km với tổng mức đầu tư lên tới 1.713.548 tỷ đồng (hơn 67 tỷ USD), nối liền từ ga Ngọc Hồi (Hà Nội) đến ga Thủ Thiêm (TP. HCM), đi qua 20 tỉnh, thành phố. Quy mô đầu tư bao gồm tuyến đường đôi khổ 1.435mm với tốc độ thiết kế lên tới 350km/h và tải trọng 22,5 tấn/trục. Dự án dự kiến khởi công vào tháng 12/2027.

Thông tin từ Báo Công Thương, đánh giá về triển vọng khi tham gia dự án, ông Nguyễn Quang Huy, Tổng Giám đốc Tập đoàn Đèo Cả cho biết, bên cạnh những cơ hội lớn từ dự án đường sắt tốc độ cao mang lại sẽ đi kèm với nhiều thách thức về công nghệ và kỹ thuật.

Đưa ra giải pháp, ông Huy cho biết, ở khía cạnh công nghệ, Tập đoàn Đèo Cả đã tiến hành các chuyến công tác tại Trung Quốc, Nhật Bản và châu Âu để tham quan, nghiên cứu và mời gọi các đơn vị quốc tế hợp tác. Bên cạnh đó, Tập đoàn cũng chủ động tìm kiếm giải pháp chuyển đổi số, đồng thời hướng tới tham gia sản xuất đầu máy, toa xe nhằm nâng cao tỷ lệ nội địa hóa theo chiến lược của Chính phủ.

“Chúng tôi có thế mạnh về nguồn lực con người, tài chính, đang nghiên cứu tìm hiểu các đơn vị quốc tế có kinh nghiệm, uy tín về công nghệ đường sắt để hợp tác, hướng tới nội địa hóa hoạt động sản xuất phục vụ dự án đường sắt tốc độ cao”, Tổng Giám đốc Tập đoàn Đèo Cả chia sẻ.

Siêu dự án đường sắt 67 tỷ USD: Hòa Phát đủ sức sản xuất thanh ray 100m, Đèo Cả nuôi tham vọng chế tạo toa xe
Đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam dự kiến khởi công vào tháng 12/2027 (Ảnh minh họa)

Ngoài Đèo Cả, nhiều doanh nghiệp Việt cũng đang nghiên cứu sản xuất các thành phần quan trọng khác nhằm gia tăng tỷ lệ nội địa hóa cho siêu dự án đường sắt lớn nhất lịch sử.

Đơn cử như Tập đoàn Hòa Phát, doanh nghiệp đã nghiên cứu sản phẩm thép ray trong 3 năm trở lại đây. Dự kiến HPG sẽ sản xuất thanh ray có chiều dài từ 50m đến 100m tại nhà máy ở Phú Yên (tổng vốn đầu tư 86.000 tỷ đồng).

“Nếu trở thành nhà cung cấp thép cho dự án này, Hòa Phát cam kết đảm bảo cung cấp đủ khối lượng 6 triệu tấn thép các loại phục vụ dự án, đặc biệt là thép đường ray cao tốc và thép dự ứng lực cường độ cao”, ông Trần Đình Long nhấn mạnh.

Ngoài ra, doanh nghiệp còn cam kết tất cả chủng loại sắt thép đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng quốc tế, phù hợp với yêu cầu kỹ thuật của các gói thầu cũng như đảm bảo thời hạn giao hàng theo đúng tiến độ dự án. Còn về giá thép các loại phục vụ cho dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam, Chủ tịch Tập đoàn Hòa Phát đảm bảo "giá cạnh tranh, thấp hơn giá thép nhập khẩu".

>> Hòa Phát (HPG): 3 năm ấp ủ tham vọng sản xuất thép ray đường sắt tốc độ cao, món quà ‘phút khai màn' có tạo nên kỳ tích?

Luật Đầu tư sửa đổi chính thức có hiệu lực: Hòa Phát, Vinaconex, Đèo Cả… ‘cất cánh’ trước con sóng lớn

Lấy bài học từ Trung Quốc, Đèo Cả, Vinaconex... gấp rút chuẩn bị nguồn nhân lực tham gia vào dự án đường sắt 67 tỷ USD

Theo Kiến thức Đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/sieu-du-an-duong-sat-67-ty-usd-hoa-phat-du-suc-san-xuat-thanh-ray-100m-deo-ca-nuoi-tham-vong-che-tao-toa-xe-273264.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Siêu dự án đường sắt 67 tỷ USD: Hòa Phát đủ sức sản xuất thanh ray 100m, Đèo Cả nuôi tham vọng chế tạo toa xe
    POWERED BY ONECMS & INTECH