Chính phủ yêu cầu Ngân hàng Nhà nước rà soát gói tín dụng 120.000 tỷ đồng

11-06-2023 05:21|Minh Minh

Trong Nghị quyết số 88 mới ban hành, Chính phủ yêu cần NHNN “rà soát gói tín dụng 40.000 tỷ đồng và 120.000 tỷ đồng với các điều kiện cho vay kịp thời, thuận lợi, thông thoáng, linh hoạt, khả thi, hợp lý hơn".

Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết số 88 phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 5 năm 2023 trực tuyến với địa phương.

Theo Nghị quyết, Chính phủ yêu cầu Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chủ trì, phối hợp với các cơ quan, địa phương điều hành lãi suất phù hợp với cân đối vĩ mô, lạm phát và mục tiêu chính sách tiền tệ; chỉ đạo các tổ chức tín dụng giảm mặt bằng lãi suất huy động và cho vay nhằm hỗ trợ nền kinh tế phục hồi và phát triển sản xuất, kinh doanh.

Bên cạnh đó, NHNH cần có giải pháp thúc đẩy khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế, điều hành tăng trưởng khối lượng và cơ cấu tín dụng hợp lý, đáp ứng nhu cầu vốn tín dụng cho nền kinh tế, hướng nguồn vốn tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, nhất là lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng của nền kinh tế là tiêu dùng, đầu tư, xuất khẩu; tiếp tục kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro.

Đáng chú ý, Nghị quyết cũng nêu rõ, NHNN cần “rà soát gói tín dụng 40.000 tỷ đồng và 120.000 tỷ đồng với các điều kiện cho vay kịp thời, thuận lợi, thông thoáng, linh hoạt, khả thi, hợp lý hơn”.

Ngoài việc giảm lãi suất, đáp ứng nguồn tín dụng, Chính phủ cũng đưa ra loạt giải pháp tháo gỡ khó khăn cho cộng đồng doanh nghiệp.

Cụ thể, Nghị quyết mới của Chính phủ yêu cầu Bộ Tài chính thực hiện việc hoàn thuế giá trị gia tăng cho người dân, doanh nghiệp theo quy định pháp luật, không để chậm trễ, ảnh hưởng đến quyền lợi chính đáng của doanh nghiệp; xử lý nghiêm, kịp thời hành vi nhũng nhiễu, gây khó khăn, tiêu cực.

Ngoài ra, cần gia hạn, miễn giảm các loại thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất được cấp có thẩm quyền phê duyệt và tiếp tục kịp thời đề xuất các chính sách nếu thấy còn dư địa. Theo đó, Bộ Tài chính cũng cần hoàn chỉnh dự thảo Nghị định của Chính phủ về mức thu lệ phí trước bạ đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước theo hướng giảm 50% mức thu lệ phí trước bạ đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước và áp dụng kể từ ngày 1/7/2023 và báo cáo Chính phủ để báo cáo cấp có thẩm quyền về việc áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu của OECD và các giải pháp ưu đãi phù hợp, cần thiết, hiệu quả.

Bên cạnh đó, Chính phủ cũng yêu cầu Bộ Tài chính theo dõi sát tình hình thị trường trái phiếu doanh nghiệp, đặc biệt là các tổ chức phát hành có khối lượng phát hành lớn và gặp khó khăn trong nghĩa vụ thanh toán gốc, lãi đến hạn trong năm 2023; hoàn thiện báo cáo về tình hình thị trường trái phiếu doanh nghiệp năm 2022 - 2023, đề xuất các giải pháp thiết thực, khả thi, hiệu quả để xử lý dứt điểm các vấn đề tồn tại, hạn chế hiện nay, trình Thủ tướng Chính phủ trước ngày 15/6/2023.

Về phía Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Nghị quyết cho biết, cơ quan này được giao nghiên cứu, đề xuất các giải pháp thu hút đầu tư, hỗ trợ khác ngoài thuế; tiếp tục rà soát, cập nhật kịch bản tăng trưởng quý 2 và cả năm 2023 và nghiên cứu, đề xuất các giải pháp phù hợp, kịp thời.

Tài khoản ngân hàng có thể bị phong tỏa, đóng khi nào? Cách xử lý nhanh nhất cho khách hàng

Các NHTW đồng loạt họp kín, thế giới ‘đứng ngồi không yên’

Theo Kiến thức Đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/chinh-phu-yeu-cau-ngan-hang-nha-nuoc-ra-soat-goi-tin-dung-120000-ty-dong-187212.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Chính phủ yêu cầu Ngân hàng Nhà nước rà soát gói tín dụng 120.000 tỷ đồng
    POWERED BY ONECMS & INTECH