Trong quá trình xây dựng các văn bản quy định chi tiết thi hành Luật Đất đai năm 2024, có 28 nội dung hiện đang trong quá trình được xử lý.
Mới đây, tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV, Chính phủ đã có báo cáo gửi Quốc hội về kết quả thực hiện Nghị quyết số 110/2023/QH15, trong đó xem xét xử lý kết quả rà soát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật.
Theo đó, trong lĩnh vực đất đai hiện có hơn 60 nội dung bất cập và vướng mắc, trong đó có 30 nội dung tại Luật Đất đai 2013 và 22 nội dung tại 8 Nghị định, 9 nội dung tại 5 Thông tư được kiến nghị xử lý.
30 nội dung vướng mắc, bất cập tại Luật Đất đai 2013 đã được xử lý tại Luật Đất đai 2024 và 2 nội dung tại Nghị định số 44/2014/NĐ-CP đã được xử lý tại Nghị định số 12/2024/NĐ-CP, theo báo Đầu Tư.
Ví dụ tai Điều 58 Luật Đất đai hiện hành, quy định điều kiện giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển đổi mục đích sử dụng đất để thực hiện dự án đầu tư là: Đối với các Dự án có diện tích thu hồi đất trồng lúa từ 10ha trở lên; đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng từ 20ha trở lên theo quy định phải có văn bản chấp thuận của Thủ tướng Chính phủ cho phép chuyển đổi mục đích sử dụng đất mới được thực hiện thu hồi đất.
Điểm bất cập ở đây là thủ tục xin chấp thuận phức tạp, nhiều thủ tục, qua nhiều bộ ngành, mất nhiều thời gian gây ảnh hưởng lớn đến tiến độ thực hiện cũng như giải ngân nguồn vốn đầu tư công bố cho các dự án.
Vấn đề này đã được xử lý tại Khoản 1 Điều 122 Luật Đất đai số 31/2024/QH15 đã phân cấp cho Hội đồng Nhân dân (HĐND) cấp tỉnh, báo cáo nêu.
Ngoài ra, Chính phủ cũng cho biết có 28 nội dung hiện đang trong quá trình xử lý gồm 20 nội dung tại 7 Nghị định và 8 nội dung tại 5 Thông tư sẽ được nghiên cứu, xử lý trong quá trình xây dựng các văn bản quy định chi tiết thi hành Luật Đất đai năm 2024.
>> Giải mã lý do khiến giá BĐS sẽ 'tăng phi mã' từ năm 2025
Thủ tục chấp thuận nhận chuyển nhượng và thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư
Tại Khoản 3 Điều 16 Nghị định số 43/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 (được sửa đổi, bổ sung tại khoản 13 Điều 1 Nghị định số 148/2020/NĐ-CP ngày 18/12/2020) của Chính phủ quy định rõ trường hợp tổ chức kinh tế nhận chuyển nhượng đất nông nghiệp để thực hiện dự án đầu tư phi nông nghiệp cần có văn bản chấp thuận cho phép nhận chuyển nhượng của cơ quan có thẩm quyền.
Tại Điều 31 Nghị định số 31/2021/NĐ-CP ngày 26/3/2021 của Chính phủ quy định thành phần hồ sơ để chấp thuận đầu tư phải có văn bản của cơ quan có thẩm quyền chấp thuận việc nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất nhằm mục đích thực hiện dự án đầu tư.
Việc tham gia ý kiến chấp thuận đầu tư sẽ do Sở Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) chủ trì, việc tham gia ý kiến chấp thuận nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất để thực hiện các dự án đầu tư sẽ do Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) chủ trì, các hoạt động được thực hiện riêng biệt, gửi các đơn vị có liên quan tham gia nhằm trình lên cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Việc đồng ý cho doanh nghiệp thực hiện dự án đầu tư đồng nghĩa với việc chấp thuận cho các doanh nghiệp được nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp để thực hiện các dự án đầu tư phi nông nghiệp.
Cách thực hiện riêng biệt 2 thủ tục hành chính (thủ tục chấp thuận nhận chuyển nhượng đất nông nghiệp và thủ tục chấp thuận đầu tư) sẽ làm tăng thời gian thực hiện thủ tục hành chính và phát sinh thêm chi phí của doanh nghiệp.
Để gỡ được "nút thắt" này, Bộ KH&ĐT, Bộ TN&MT cần xem xét, tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ thực hiện lồng ghép thủ tục chấp thuận nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp nhằm thực hiện các dự án đầu tư phi nông nghiệp và thủ tục chấp thuận đầu tư.
Bộ TN&MT sẽ nghiên cứu, hoàn thiện báo cáo cấp có thẩm quyền khi tình ban hành Nghị định quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đất đai, nhằm đảm bảo phù hợp với Luật Đất đai số 31/2024/QH15 (trình ban hành trong năm 2024).
Trước đó trong cuộc họp với Bộ TN&MT và một số bộ, ngành liên quan về tiến độ xây dựng các văn bản quy định chi tiết thi hành Luật Đất đai năm 2024, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã có chỉ đạo cụ thể, theo Cổng thông tin điện tử Chính phủ.
Cụ thể, Phó thủ tướng nhấn mạnh, Thủ tướng Chính phủ đã có văn bản chỉ đạo các bộ, ngành khẩn trương xây dựng văn bản hướng dẫn chi tiết, đảm bảo đủ điều kiện để Quốc hội xem xét, cho phép Luật Đất đai năm 2024 có hiệu lực vào ngày 1/7/2024 (sớm hơn 5 tháng so với quy định của Luật Đất đai là ngày 1/1/2025).
Để thực hiện được mục tiêu này, các bộ, ngành liên quan cần nỗ lực và quyết tâm rất lớn nhưng cần thực hiện đầy đủ các bước của quy trình xây dựng văn bản pháp luật.