Chính sách mới: Cấp xã không còn thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật
Từ tháng 4, trong hệ thống văn bản quy phạm pháp luật không còn nghị quyết của HĐND cấp xã, quyết định của UBND cấp xã.
Luật Ban hành Văn bản quy phạm pháp luật 2025 có hiệu lực thi hành từ ngày 1/4, trong đó không còn nghị quyết của HĐND cấp xã, quyết định của UBND cấp xã.
Như vậy, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2025 đã bỏ thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật của chính quyền cấp xã.
Về hệ thống văn bản quy phạm pháp luật theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2025 có 25 hình thức văn bản quy phạm pháp luật và do 14 chủ thể có thẩm quyền ban hành so với hiện hành.

Theo Chính phủ, việc bỏ 2 bỏ thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật của chính quyền cấp xã để bảo đảm thống nhất với đề xuất nêu tại đề án đổi mới, hoàn thiện quy trình xây dựng pháp luật mà Đảng đoàn Quốc hội đã trình Bộ Chính trị.
Nhu cầu ban hành văn bản pháp luật của chính quyền cấp xã là không lớn.
Theo quy định của Hiến pháp, thì HĐND, UBND là cơ quan “tổ chức và bảo đảm việc thi hành Hiến pháp và pháp luật tại địa phương”. Cả nước có hơn 10.000 xã, phường, thị trấn, nếu tiếp tục giữ thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật như hiện nay thì sẽ làm cho hệ thống pháp luật tiếp tục phức tạp, nhiều tầng nấc, khó kiểm soát từ phía các cơ quan trung ương.
Trung ương xem xét đề án sáp nhập tỉnh, không tổ chức cấp huyện
Theo Kết luận số 127, Bộ Chính trị, Ban Bí thư giao Đảng ủy Chính phủ chủ trì, phối hợp với Ban Tổ chức Trung ương, Đảng ủy Quốc hội, Đảng ủy MTTQ, các đoàn thể Trung ương và các cơ quan liên quan chỉ đạo nghiên cứu, xây dựng đề án, tờ trình Bộ Chính trị về sáp nhập một số đơn vị hành chính cấp tỉnh, không tổ chức cấp huyện, tiếp tục sáp nhập đơn vị hành chính cấp xã; thực hiện mô hình địa phương 2 cấp.
Bộ Chính trị, Ban Bí thư giao Đảng ủy Chính phủ trình Trung ương đề án sáp nhập tỉnh thành, xã phường trước 7/4.
Quy định tiền lương, thưởng trong doanh nghiệp nhà nước
Nghị định số 44 của Chính phủ ban hành ngày 28/2 quy định về quản lý lao động, tiền lương, thù lao, tiền thưởng trong doanh nghiệp nhà nước. Có hiệu lực từ 15/4, nghị định quy định rõ các nguyên tắc quản lý lao động, tiền lương, thù lao, tiền thưởng.
Cụ thể, lao động, tiền lương, thù lao, tiền thưởng trong doanh nghiệp được xác định gắn với nhiệm vụ, năng suất lao động và hiệu quả sản xuất, kinh doanh, phù hợp với ngành nghề, tính chất hoạt động của doanh nghiệp, hướng đến bảo đảm mặt bằng tiền lương trên thị trường.
Nghị định nêu rõ thực hiện cơ chế tiền lương phù hợp để doanh nghiệp thu hút, khuyến khích đội ngũ nhân lực công nghệ cao thuộc các lĩnh vực công nghệ cao được Nhà nước ưu tiên phát triển.
Mức lương cơ bản của chủ tịch Hội đồng thành viên, chủ tịch Hội đồng quản trị doanh nghiệp nhà nước dao động từ 31 đến 80 triệu đồng mỗi tháng.
Chức danh có lương cơ bản cao thứ hai là trưởng ban kiểm soát, với trần 66 triệu đồng và mức sàn 26 triệu một tháng. Với các thành viên khác và kiểm soát viên, lương cơ bản dao động 25 đến 65 triệu đồng mỗi tháng. Hàng năm, doanh nghiệp Nhà nước sẽ căn cứ vào chỉ tiêu sản xuất kinh doanh kế hoạch để xác định mức lương cơ bản và lương kế hoạch của từng thành viên hội đồng, kiểm soát viên...
Đất nông nghiệp được thí điểm chuyển nhượng làm nhà ở thương mại
Nghị quyết số 171/2024 của Quốc hội thí điểm thực hiện dự án nhà ở thương mại qua thỏa thuận nhận quyền hoặc đang có quyền sử dụng đất có hiệu lực từ 1/4.

Tổ chức kinh doanh bất động sản được nhận chuyển quyền sử dụng đất, chuyển mục đích sử dụng đất đối với đất nông nghiệp để thực hiện dự án thí điểm nếu đáp ứng điều kiện.
Đó là, phạm vi khu đất, thửa đất thực hiện dự án phù hợp với quy hoạch sử dụng đất cấp huyện hoặc quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị. Phạm vi khu đất, thửa đất thực hiện dự án phù hợp với chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở của địa phương đã được phê duyệt. Phạm vi khu đất, thửa đất thực hiện dự án nằm trong danh mục các khu đất dự kiến thực hiện dự án thí điểm do HĐND cấp tỉnh thông qua...
Trường hợp sử dụng diện tích đất quốc phòng, đất an ninh đã được quy hoạch đưa ra khỏi đất quốc phòng, đất an ninh để thực hiện dự án thí điểm thì phải đáp ứng các điều kiện trên và có văn bản chấp thuận của Bộ Quốc phòng đối với đất quốc phòng, Bộ Công an đối với đất an ninh.
>> Chủ tịch tỉnh chọn chủ tịch xã như thế nào khi không còn cấp huyện, sáp nhập xã?
Chính thức từ ngày mai, HĐND và UBND cấp xã không còn thẩm quyền thực hiện điều này
Bình Dương dự kiến giảm từ 91 xuống 27 đơn vị hành chính cấp xã