Chính sách thuế Mỹ: 'Không biết ngủ dậy đã thay đổi thế nào'
Việc áp thuế đối ứng của Mỹ ảnh hưởng rất lớn tới các doanh nghiệp xuất khẩu Việt, bất thình lình và thay đổi liên tục nên doanh nghiệp dường như không ngủ, phải thức để theo dõi tình hình.
Chiều 14/4, UBND TP. Cần Thơ tổ chức cuộc họp với các doanh nghiệp (DN) chịu ảnh hưởng bởi chính sách thuế đối ứng của Mỹ.
Ảnh hưởng rất lớn
Ông Hà Vũ Sơn - Giám đốc Sở Công Thương Cần Thơ - cho biết, năm 2024, kim ngạch xuất khẩu (XK) hàng hóa của thành phố sang Hoa Kỳ đạt hơn 192 triệu USD, chiếm 11% tổng kim ngạch XK của thành phố. Các mặt hàng XK chủ yếu nông - thủy sản, may mặc, thủ công mỹ nghệ, thép và các sản phẩm từ thép… Trong đó, mặt hàng sẽ bị ảnh hưởng lớn khi Hoa Kỳ áp mức thuế 46% là may mặc và thủy sản.
![]() |
Quang cảnh cuộc họp. Ảnh: CK. |
Theo ông Sơn, mức thuế 46% sẽ làm tăng giá thành lên gần một nửa, khiến hàng hóa mất lợi thế cạnh tranh về giá so với nước khác không bị áp thuế hoặc bị áp thuế thấp hơn. DN có thể buộc phải giảm mạnh hàng hoặc tạm ngưng XK sang Mỹ trong ngắn hạn để tránh thua lỗ.
Những DN phụ thuộc lớn vào doanh thu XK sang Mỹ đối mặt nguy cơ thua lỗ và phá sản nếu không kịp chuyển hướng thị trường. Tuy nhiên, trong ngắn hạn, có thể DN Mỹ sẽ tiếp tục nhập khẩu hàng từ Việt Nam vì chưa tìm được thị trường thay thế ngay lập tức, mở ra cơ hội để các DN nắm bắt và tận dụng triệt để.
Ông Nguyễn Văn Bắc - Giám đốc Công ty TNHH May xuất khẩu Việt Thành - cho biết, không thể phủ nhận Mỹ là thị trường tiêu thụ hàng đầu thế giới, quan trọng đối với Việt Nam nói chung cũng như vùng ĐBSCL và Cần Thơ nói riêng. “Đối với DN chúng tôi, những ngày vừa qua thực sự rất lo lắng, không biết ngủ dậy đã thay đổi thế nào, một cảm xúc trong sự sinh tồn của DN chứ không đơn giản”, ông Bắc nói.
Theo ông Bắc, với sự ngoại giao của Nhà nước, nhất là cuộc điện đàm của Tổng Bí thư Tô Lâm với Tổng thống Mỹ dường như gỡ bỏ một áp lực cực kỳ lớn đối với DN. Thời gian tới sẽ có tiến triển tốt nhưng chắc chắn sẽ rất phức tạp, vì còn nhiều khía cạnh liên quan, không chỉ là vấn đề kinh tế. Khi đàm phán xong, có thể một số ngành được giảm thuế, nhưng có những ngành có thể không, nên cần một tâm thế để đón nhận trong 3 tháng tới.
![]() |
Đại diện doanh nghiệp phát biểu. Ảnh: CK. |
Tiếp lời ông Bắc, ông Phan Hoàng Duy - Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Xuất nhập khẩu thủy sản Cần Thơ (CASEAMEX) - phát biểu: “Anh Bắc nói ngủ đêm sáng ra thấy câu chuyện nó khác, nhưng với CASEAMEX hầu như là không ngủ, vì chính sách này ảnh hưởng quá lớn. Nhìn vào con số, kim ngạch XK của Việt Nam sang Mỹ khoảng 119 tỷ USD, theo số liệu hải quan Việt Nam, nhưng ghi nhận ở Mỹ con số này là 136 tỷ USD, bằng 30% GDP của Việt Nam năm 2024”.
Theo ông Duy, số liệu trên cho thấy sự ảnh hưởng rất lớn của thị trường Mỹ. Việc áp thuế lại dường như không báo trước, bất thình lình và thay đổi liên tục nên DN dường như không ngủ mà phải thức để xem, rồi kết hợp với các luật sư và khách hàng bên Mỹ để theo dõi tình hình…
Nhiều áp lực cho DN
Phó Tổng Giám đốc CASEAMEX cho biết, với ngành thủy sản, Mỹ là một trong 2 thị trường lớn nhất của Việt Nam (bên cạnh Trung Quốc), là thị trường số 1 về tôm, số 1 về cá ngừ và số 2 về cá tra. CASEAMEX có khoảng 30 thị trường trong đó Mỹ chiếm trên 50%. Công ty xác định đây là thị trường quan trọng bậc nhất, độ ổn định và ảnh hưởng đến các thị trường khác.
“Nếu Mỹ áp thuế 10% cho tất cả các mặt hàng thủy sản và cho tất cả các quốc gia thì cá tra Việt Nam vẫn sẽ ổn định vì ít có đối thủ cạnh tranh, DN ít bị ảnh hưởng, thậm chí có thể là lợi thế cho cá tra Việt. Tuy nhiên, ngành tôm có các đối thủ cạnh tranh như Ecuador, Ấn Độ, Indonesia… Ngoài thuế đối ứng, còn có thuế chống bán phá giá, Mỹ cũng đang tính áp thuế trợ giá của Chính phủ, các DN sẽ gặp rất nhiều áp lực” - đại diện CASEAMEX cho hay.
Để ứng phó tình hình trước mắt, ông Ngô Văn Chơn - Phó Giám đốc Công ty CP May Tây Đô - cho rằng, trước hết DN phải có sự chủ động, khi có thông tin Mỹ tạm hoãn 90 ngày, công ty cố gắng cùng với các đối tác, đặc biệt là những khách hàng để nhanh chóng xuất đi Mỹ vì chắc chắn họ sẽ yêu cầu xuất sớm để chạy thuế…
“Khi thị trường Mỹ có biến động thì cả thế giới biến động, các nhãn hàng khác họ đều rất lo lắng. Những thị trường khác cũng sẽ lo lắng tình hình sức mua chung sẽ giảm và sẽ đẩy mạnh XK. Do đó, trong 3 tháng tới, công ty rất vất vả nhưng đó là niềm vui trong ngắn hạn. Về lâu dài, DN sẽ tiếp tục có những dự phòng tình huống xấu nhất, bởi nếu mức thuế 46% được áp dụng thì không có sản phẩm may mặc nào qua Mỹ được” - ông Chơn nói.
![]() |
Ông Dương Tấn Hiển - Phó Chủ tịch UBND TP. Cần Thơ - phát biểu tại cuộc họp. Ảnh: CK. |
Tại cuộc họp, các DN mong muốn TP. Cần Thơ có ý kiến với Chính phủ quan tâm đến những ngành nghề có ảnh hưởng nặng nhất, trong đó có ngành may mặc, nông thủy sản. Thành phố xem xét giảm phí thuê đất, chi phí xử lý nước thải, xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường, "không bỏ trứng vào một giỏ", đẩy mạnh tiêu thụ nội địa, có các giảipháp hỗ trợ để DN ổn định sản xuất kinh doanh, đảm bảo công ăn việc làm và thu nhập cho người lao động…
Ông Dương Tấn Hiển - Phó Chủ tịch UBND TP. Cần Thơ - giao Sở Công Thương chủ trì, phối hợp với các sở ngành liên quan tổng hợp hết ý kiến của DN để tham mưu thành phố đề xuất Trung ương, theo dõi chỉ đạo từ Trung ương để tham mưu lãnh đạo thành phố; xem xét chính sách giá cho thuê đất, chi phí xử lý nước thải…
“Thực hiện tốt cải cách hành chính, rút ngắn thủ tục, hỗ trợ DN. Trong phạm vi thì thành phố sẽ giải quyết, trách nhiệm, làm sao để DN hoạt động tốt, không lý do gì quản lý nhà nước mà không lo cho DN. Thực hiện nghiêm việc quản lý truy xuất nguồn gốc hàng hóa, không để con sâu làm rầu nồi canh, để nâng cao uy tín, sức cạnh tranh của hàng hóa… DN cần quản trị tốt về nguyên liệu, chi phí sản xuất, tăng năng suất… Cập nhật thông tin thường xuyên, dự báo chính xác, có giải pháp hỗ trợ DN” - ông Hiển lưu ý.
Bà Nguyễn Thị Thương Linh - Phó Giám đốc VCCI chi nhánh ĐBSCL - cho biết, qua khảo sát nhanh các DN vùng ĐBSCL, có 84% DN cho biết động thái của Mỹ ảnh hưởng trực tiếp đến kế hoạch kinh doanh năm 2025 của DN. Chất lượng, truy xuất nguồn gốc sản phẩm… là những rào cản kỹ thuật, những khó khăn gián tiếp mà DN cần hết sức lưu ý, bên cạnh chi phí logistics tăng cao và chính sách thương mại của các quốc gia…
>>Mặt hàng tỷ đô của Việt Nam tạm thời được miễn thuế đối ứng, Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất