Chính thức có quy định cho công chức được cử đi học
Nghị định có sự điều chỉnh để phù hợp với thực tiễn.
Từ ngày 1/7/2025, Nghị định 171 chính thức có hiệu lực, quy định mới về điều kiện đào tạo, bồi dưỡng đối với công chức. Trong đó, nổi bật là quy định nâng giới hạn độ tuổi đối với người được cử đi học sau đại học lần đầu, từ 40 tuổi lên 45 tuổi, tính tại thời điểm được cử đi. Việc điều chỉnh này nhằm phù hợp với lộ trình nâng tuổi nghỉ hưu chung lên 62 tuổi đối với nam vào năm 2028 và 60 tuổi với nữ vào năm 2035, áp dụng trong điều kiện làm việc bình thường.

Để tham gia đào tạo, công chức cần đáp ứng các điều kiện là phải có ít nhất 3 năm công tác và hoàn thành tốt nhiệm vụ trong 2 năm liên tiếp gần nhất trước khi được cử đi học. Sau khi hoàn tất chương trình, họ buộc phải cam kết phục vụ tại đơn vị công tác tối thiểu gấp 3 lần thời gian đào tạo.
Trường hợp công chức được cử đi học theo các chương trình hợp tác quốc tế đã được Nhà nước hoặc Chính phủ ký kết hoặc tham gia thì ngoài các yêu cầu trên, còn phải đáp ứng thêm điều kiện riêng của từng chương trình.
Ngoài ra, Nghị định cũng quy định rõ nghĩa vụ bồi hoàn chi phí đào tạo đối với người học bằng kinh phí nhà nước hoặc cơ quan. Cụ thể, nếu công chức tự ý nghỉ học, nghỉ việc khi đang học; không được cấp bằng tốt nghiệp; bị kỷ luật buộc thôi việc; hoặc sau khi hoàn thành khóa học nhưng nghỉ việc hoặc bị kỷ luật trước khi hoàn tất thời gian phục vụ cam kết sẽ phải đền bù. Khoản tiền đền bù bao gồm học phí và chi phí đào tạo khác, không bao gồm lương hay phụ cấp (nếu có).
Những người bỏ học, bỏ việc trong quá trình đào tạo hoặc bị buộc thôi việc sẽ phải hoàn trả toàn bộ chi phí.
Với trường hợp bị kỷ luật thôi việc sau khi có bằng tốt nghiệp nhưng chưa làm đủ thời gian cam kết, mức bồi thường được tính theo công thức riêng.

Cũng có một số trường hợp được miễn nghĩa vụ hoàn trả là không hoàn thành khóa học do mắc bệnh hiểm nghèo, bị thiên tai, dịch bệnh và được cơ quan có thẩm quyền xác nhận; hoặc bị điều động, biệt phái, chuyển công tác theo yêu cầu của cấp trên sau khi đã được cử đi học.
Đặc biệt, công chức là phụ nữ hoặc người dân tộc thiểu số sẽ được giảm 1,5% chi phí đền bù cho mỗi năm công tác.
Việc hoàn trả chi phí (nếu có) phải được thực hiện trong vòng 120 ngày kể từ ngày nhận quyết định của cơ quan có thẩm quyền. Nếu người được cử đi không thực hiện hoặc không đạt được thỏa thuận với đơn vị cử đi, họ có quyền khiếu nại hoặc khởi kiện theo quy định của pháp luật.
>>Chỉ còn hơn 1 tháng nữa: 2 nhóm cán bộ, công chức được nhận thêm 5 triệu đồng/tháng ngoài lương
Từ nay, chính thức bỏ hình thức kỷ luật giáng chức và hạ bậc lương đối với cán bộ, công chức vi phạm