Chính thức hoàn thành đường hầm vượt sông có giàn chống dưới nước đường kính lớn nhất thế giới, cấu thành từ 500 vòng ống bảo vệ
Ngoài kích thước, đường hầm này còn lập kỷ lục thế giới về thời gian hoàn thành.
Các nhóm công nhân tại Tế Nam, thủ phủ của tỉnh Sơn Đông ở miền Đông Trung Quốc mới đây đã hoàn thành nhiệm vụ xây dựng đường hầm có giàn chống dưới nước đường kính lớn nhất thế giới.
Sử dụng chiếc máy khoan đường hầm (TBM) lớn nhất hiện có trên thế giới, Tập đoàn Cục 14 Đường sắt Trung Quốc vẫn đang tiếp tục đào phần chính của đường hầm dài 5,755m. Tuy nhiên, phần đường hầm dài 3,290m với các giàn chống dưới nước đã hoàn thành. Phần này có đường kính khổng lồ 17m và được cấu thành từ 500 vòng ống bảo vệ dưới nước, khiến nó trở thành đường hầm có đường kính lớn nhất thế giới loại này.
Để so sánh, Đường hầm Channel nối liền Anh và Pháp có 3 đường hầm, trong đó 2 đường hầm dành cho tàu hỏa công cộng có đường kính khoảng 7,6m, dù tổng chiều dài của nó lớn hơn rất nhiều, lên tới 50,5km.
Đường hầm Huanggang tại Tế Nam sẽ có 6 làn đường cho cả hai chiều di chuyển, thiết kế dạng hai tầng, với giới hạn tốc độ 60km/h. Đây sẽ là tuyến đường huyết mạch Bắc - Nam băng qua sông Hoàng Hà, con sông dài thứ hai tại Trung Quốc, góp phần tăng cường kết nối giữa khu vực đô thị chính của Tế Nam và khu vực được mô tả là "vùng khởi đầu cho sự chuyển đổi năng lượng mới và cũ".
Ngoài việc thiết lập kỷ lục thế giới về kích thước của đường hầm, Tập đoàn Cục 14 Đường sắt Trung Quốc còn lập kỷ lục thế giới về thời gian hoàn thành cho một dự án lớn như vậy.
Các đội công nhân bắt đầu khoan hầm vào ngày 1/9/2024, mặc dù toàn bộ đường hầm chưa hoàn thành, đoạn có giàn chống dưới nước đã được hoàn tất chỉ trong vỏn vẹn 110 ngày. Máy đào hầm dạng khiên Shanhe đã đạt được tốc độ thi công hàng ngày từ 16 đến 18m, thiết lập kỷ lục thế giới mới.
Đây là máy khoan hỗn hợp Herrenknecht "Shanhe", một loại máy khoan đường hầm có đường kính đào lên tới 17,5m – tương đương với chiều cao của khoảng 5 tầng nhà. Đầu cắt của máy có công suất 7.510 mã lực (5.600 kW) và mô-men xoắn lên tới 25.827.209 lb-ft (35.017 kNm), tạo ra gần 26 triệu lb-ft sức mạnh từ động cơ điện và hệ thống thủy lực.
Cỗ máy này được thiết kế để hoạt động và chịu được áp suất lên đến 7,5 bar (gấp 7,5 lần áp suất khí quyển bình thường ở mực nước biển). Phòng đào ở đầu máy khoan Shanhe có thể chịu được áp suất lên tới 15 bar, nhờ vào hệ thống đệm khí tự động đặc biệt để cân bằng áp suất, duy trì sự ổn định và ngăn ngừa sụp đổ hay ngập lụt.
Bánh cắt của máy khoan được trang bị hệ thống rửa giúp ngăn ngừa tắc nghẽn và hệ thống camera điều khiển từ xa trong phòng đào để theo dõi các mũi cắt và mặt đường hầm. Điều này giảm bớt nhu cầu phải can thiệp từ công nhân trong môi trường áp suất cao, một công việc tốn thời gian và nguy hiểm.
Dự án Đường hầm Huanggang vượt sông Hoàng Hà tại Tế Nam dự kiến sẽ hoàn thành vào cuối năm 2025.