Chốt phương án di dời, các cơ sở khám, chữa bệnh Hà Nội sẽ chuyển về đâu?
Theo đồ án vừa được thông qua, dự kiến Hà Nội sẽ hình thành các tổ hợp từng ngành nghề tại Sơn Tây, Hòa Lạc, Sóc Sơn...
HĐND TP. Hà Nội vừa thông qua Nghị quyết về đồ án điều chỉnh quy hoạch chung Thủ đô đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065. Trong đồ án, Hà Nội điều chỉnh định hướng quy hoạch cơ sở y tế, chăm sóc sức khoẻ cộng đồng.
Cụ thể, thành phố muốn nâng cấp các bệnh viện, cơ sở y tế hiện có trong nội đô, khai thác phục vụ cộng đồng theo các quy chuẩn, tiêu chuẩn hiện hành; di chuyển các cơ sở y tế điều trị các bệnh truyền nhiễm, mức độ lây nhiễm cao ra khỏi nội đô. Đặc biệt, muốn dành quỹ đất cho các cơ sở nghiên cứu - đào tạo - khám chữa bệnh chất lượng cao.
Phạm vi mở rộng từ Vành đai 4 trở lại trong khoảng bán kính phục vụ 30km nhằm đảm bảo việc di chuyển thuận lợi.
Hà Nội muốn đầu tư xây dựng mới các bệnh viện chuyên khoa (Lão khoa, Nội tiết, Mắt, Nhiệt đới, Nhi...), một số bệnh viện khu vực và tiếp nhận một số bệnh viện của bộ, ngành đóng trên địa bàn về thành phố quản lý. Đáng chú ý, thành phố muốn hình thành các tổ hợp y tế gắn với tính chất của đô thị.
Cụ thể, tại Sơn Tây sẽ hình thành tổ hợp y tế gắn với du lịch chăm sóc sức khỏe, trung tâm dưỡng lão, phục hồi chức năng. Quy mô khoảng 50ha.
Tại Hòa Lạc hình thành tổ hợp y tế gắn với nghiên cứu, đào tạo, chuyển giao công nghệ (sản xuất vaccine, sinh phẩm y tế,...). Quy mô khoảng 100-120ha.
Tại Sóc Sơn sẽ có tổ hợp y tế gắn với sân bay, bệnh viện quốc tế phục vụ khách du lịch. Quy mô khoảng 80ha.
Hà Nội cũng muốn hình thành 1 khu phức hợp y tế, 1 khu công nghiệp dược, trang thiết bị y tế theo trong quy hoạch tổng thể trên địa bàn.
Khu phức hợp y tế đề xuất đặt tại trung tâm thành phố phía Bắc (khu vực Đông Anh – Mê Linh – Sóc Sơn), thuận tiện về giao thông, đồng thời tạo động lực và sức hút cho thành phố mới. Quy mô khoảng 50ha.
Khu công nghiệp dược, trang thiết bị y tế đề xuất đặt tại khu vực công nghiệp của đô thị vệ tinh Phú Xuyên để tạo nguồn lực cho địa phương. Quy mô khoảng 150-160ha. Tổ hợp công trình y tế tại Gia Lâm. Quy mô khoảng 50ha.
Định hướng phát triển xây dựng cơ sở khám chữa bệnh chất lượng cao, cơ sở nghiên cứu chuyển giao công nghệ. Phát triển mạng lưới y tế dự phòng để ứng phó với các dịch bệnh bất thường.
>> Thị trường bất động sản đã 'thoát đáy', cơ hội phục hồi nào trong năm 2024?
Tỉnh 'bé hạt tiêu' sát Hà Nội đón 140 triệu USD vốn FDI chỉ trong một ngày
Đại diện Việt Nam thăng hạng trong BXH đại học phát triển bền vững nhất thế giới 2025