Chủ đầu tư không đề nghị cấp sổ đỏ cho dân có thể bị phạt 600 triệu đồng
Bộ Xây dựng đề xuất phạt từ 400-600 triệu đồng đối với chủ đầu tư dự án bất động sản không nộp hồ sơ đề nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp sổ đỏ cho người mua, trừ trường hợp người mua tự nguyện làm thủ tục cấp giấy chứng nhận.
Đề xuất này đang được Bộ Xây dựng lấy ý kiến tại dự thảo Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính về xây dựng được nêu tại Điều 59 với các vi phạm quy định về kinh doanhbất động sản.
Dự thảo cũng nêu biện pháp khắc phục hậu quả là buộc chủ đầu tư nộp hồ sơ để làm thủ tục cấp giấy chứng nhận theo quy định.
Luật Nhà ở năm 2014 và Luật Nhà ở năm 2023 (có hiệu lực thi hành từ 1/8) đều quy định, trong thời hạn 50 ngày, kể từ ngày bàn giao nhà ở cho người mua hoặc kể từ ngày bên thuê mua đã thanh toán đủ tiền theo thỏa thuận thì chủ đầu tư phải nộp hồ sơ đề nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất (sổ đỏ/ sổ hồng) cho người mua nhà, trừ trường hợp người mua tự nguyện làm thủ tục đề nghị cấp giấy chứng nhận.
Ghi nhận từ thực tế, thời gian qua, tình trạng tranh chấp giữa chủ đầu tư và cư dân diễn ra khá phổ biến tại nhiều chung cư ở Hà Nội và TP.HCM. Trong đó có nguyên nhân xuất phát từ việc chủ đầu tư không thực hiện trách nhiệm làm sổ đỏ cho cư dân, nhiều dự án chủ đầu tư chậm nộp hồ sơ cấp sổ.
Tại TP.HCM, giai đoạn 2020-2022, Sở Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) TP.HCM đã xử phạt, tham mưu UBND TP xử phạt 10 doanh nghiệp vì không nộp hồ sơ, không cung cấp hoặc cung cấp không đầy đủ giấy tở để làm thủ tục cấp sổ đỏ cho người mua nhà. Tổng số tiền phạt hơn 4,1 tỷ đồng.
Về việc xử lý vi phạm hành chính đối với các chủ đầu tư làm ảnh hưởng đến công tác cấp sổ hồng, Thanh tra Sở Xây dựng TP.HCM đã xử lý vi phạm đối với 33 dự án, tham mưu ban hành 69 quyết định xử phạt vi phạm hành chính.
Một số dự án vi phạm như: Chung cư Opal Garden (TP.Thủ Đức) do Đất Xanh Group làm chủ đầu tư; Hà Đô Centrosa Garden (Q.10) của CTCP Hà Đô 756 Sài Gòn;
Khu chung cư Giai Việt (Q.8) của CTCP Quốc Cường Gia Lai; Khu nhà ở La Astoria, (TP.Thủ Đức) của Công ty An Gia Hưng; hay Chung cư Estella (TP.Thủ Đức) của Công ty TNHH Liên doanh Estella…
Tính đến đầu tháng 4, TP.HCM còn hơn 20.000 hồ sơ đủ điều kiện cấp sổ đỏ nhưng nhưng chủ đầu tư và người mua nhà chưa nộp hồ sơ.
Tại Hà Nội, hồi tháng 6, thông tin tại phiên giải trình về việc giải quyết kiến nghị của cử tri từ đầu nhiệm kỳ 2021-2026 đến nay, đại biểu Hồ Thị Vân Nga, Trưởng ban Kinh tế - Ngân sách HĐND TP. Hà Nội, dẫn chứng kiến nghị của các hộ dân nhà chung cư G4, phường Trung Hòa (Q.Cầu Giấy), cử tri ở chung cư CT6 và 16B Nguyễn Thái Học (Q.Hà Đông), hay cư dân khu nhà HH Linh Đàm (Q.Hoàng Mai) về việc cấp sổ đỏ, đảm bảo quyền lợi của người dân khi chủ đầu tư vi phạm…
Trả lời đại biểu, Giám đốc Sở TN-MT Lê Thanh Nam cho biết, Hà Nội còn 206 dự án với khoảng 62.000 căn hộ có sai phạm do vướng mắc về quy hoạch, tự ý chuyển đổi công năng, nghĩa vụ tài chính…
Cũng theo ông Nam, Sở đã báo cáo UBND TP cấp trước giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho 33.000 căn hộ xây dựng đúng quy hoạch, trong tổng số 62.000 căn. Số còn lại thuộc nhóm xây dựng sai phép đang chờ xử lý. Việc cấp sổ cho người dân sẽ thực hiện song song cùng với xử lý vi phạm của chủ đầu tư.
>>Thị trường bất động sản dần ‘tan bão’, thời kỳ mới sẽ tăng trưởng