Thế giới

Chủ nhân giải Nobel Hòa Bình năm 2006 sẽ trở thành nhà lãnh đạo lâm thời của Bangladesh

Vũ Bấc 07/08/2024 - 17:18

Ông Muhammad Yunus, người đoạt giải Nobel Hòa bình 2006 nhờ giúp nhiều người thoát nghèo với tín dụng vi mô, được bổ nhiệm làm người lãnh đạo Chính phủ lâm thời Bangladesh trong bối cảnh chính trị phức tạp.

Muhammad Yunus, chủ nhân giải Nobel Hòa bình năm 2006, sẽ đứng đầu Chính phủ lâm thời Bangladesh sau khi Thủ tướng Sheikh Hasina rời khỏi đất nước trong bối cảnh biểu tình lan rộng khiến hàng trăm người thiệt mạng.

Thông tin này được Joynal Abedin, thư ký báo chí của Tổng thống Mohammed Shahabuddin, công bố sáng ngày 7/8. Quyết định được đưa ra sau cuộc họp có sự tham gia của lãnh đạo quân đội, đại diện sinh viên biểu tình, doanh nghiệp và xã hội dân sự.

Chủ nhân giải Nobel Hòa Bình năm 2006 sẽ trở thành nhà lãnh đạo lâm thời của Bangladesh - ảnh 1
Ông Muhammad Yunus là người tiên phong trong lĩnh vực tín dụng vi mô — cung cấp các khoản vay vốn kinh doanh nhỏ cho những người nghèo nhất thế giới, phần lớn là phụ nữ

Kinh tế gia Muhammad Yunus, đối thủ chính trị lâu năm của cựu Thủ tướng Hasina, hiện đang ở Paris tư vấn cho Ban tổ chức Olympic. Ông dự kiến sẽ sớm trở về nước để đảm nhận vị trí mới.

Là một nhà kinh tế nổi tiếng, chủ ngân hàng, Yunus nhận giải Nobel Hòa bình năm 2006 nhờ công trình phát triển tín dụng vi mô giúp cho nhiều người nghèo và người thuộc tầng lớp lao động tiếp cận nguồn tín dụng bền vững. Ông còn được biết đến với việc thành lập Ngân hàng Grameen năm 1983, giúp nhiều người thoát nghèo thông qua các khoản vay nhỏ.

Yunus sẽ đứng trước thách thức lớn trong việc ổn định tình hình đất nước. Trong vài tuần qua, các cuộc đụng độ giữa người biểu tình và lực lượng an ninh đã khiến hơn 300 người thiệt mạng, đánh dấu một trong những giai đoạn bạo lực tồi tệ nhất trong lịch sử Bangladesh.

Sau khi cựu Thủ tướng Hasina từ chức và rời sang Ấn Độ, Tổng thống Bangladesh đã giải tán Quốc hội vào thứ Ba, mở đường cho việc thành lập Chính phủ lâm thời và tổ chức bầu cử mới. Ông cũng ra lệnh trả tự do cho Khaleda Zia, lãnh đạo đối lập bị kết án tham nhũng bởi cựu Thủ tướng Hasina năm 2018.

Mặc dù cựu Thủ tướng Hasina đã góp phần đưa hàng triệu người thoát khỏi đói nghèo thông qua phát triển ngành may mặc, gần đây nền kinh tế Bangladesh đã gặp khó khăn, buộc Quỹ Tiền tệ Quốc tế IMF phải can thiệp bằng các gói cứu trợ.

Tình hình thủ đô Dhaka đã bình ổn vào ngày 6/8, một ngày sau khi bạo lực lan rộng khắp đất nước. Người biểu tình tập trung tại dinh thự của cựu Thủ tướng Hasina. Hiệp hội Cảnh sát Bangladesh tuyên bố đình công sau khi nhiều đồn cảnh sát bị tấn công. Hiệp hội cho biết "nhiều" cảnh sát đã thiệt mạng nhưng không đưa ra con số cụ thể.

Chủ nhân giải Nobel Hòa Bình năm 2006 sẽ trở thành nhà lãnh đạo lâm thời của Bangladesh - ảnh 2
Người biểu tình Bangladesh chiếm cứ và leo lên nóc phủ Thủ tướng hôm 4/8

Việc bổ nhiệm Yunus - một nhà kinh tế kỳ cựu, với sự ủng hộ của quân đội, đánh dấu một bước ngoặt đáng chú ý. Ông Yunus gọi sự kiện tại Bangladesh những ngày vừa qua là "ngày giải phóng thứ hai" của đất nước. Ông từng phải đối mặt với các cáo buộc tham nhũng dưới thời Hasina, điều mà đa phần các nhà quan sát cho là có động cơ chính trị từ các bên đối lập.

Nahid Islam, một trong những người lãnh đạo chính của các cuộc biểu tình, xác nhận ông Yunus đã đồng ý đứng đầu chính quyền lâm thời

Cựu Thủ tướng Hasina đã rời Bangladesh bằng trực thăng sang Ấn Độ khi người biểu tình tiến về thủ đô. Bất ổn bắt đầu từ tháng 7 với các cuộc biểu tình phản đối chính sách việc làm của Chính phủ, sau đó mở rộng thành thách thức lớn đối với nhân vật đã lãnh đạo Bangladesh 15 năm qua. Phản ứng dữ dội của Chính phủ đối với các cuộc biểu tình, khiến khoảng 300 người thiệt mạng chỉ trong vài tuần, càng làm tình hình thêm căng thẳng.

Chủ nhân giải Nobel Hòa Bình năm 2006 sẽ trở thành nhà lãnh đạo lâm thời của Bangladesh - ảnh 3
Cựu Thủ tướng Bangladesh - bà Sheikh Hasina

Tương lai của Bangladesh vẫn chưa rõ ràng. Tướng Waker-uz-Zaman, Tổng tư lệnh quân đội, tuyên bố nắm quyền kiểm soát tạm thời trong khi chờ thành lập Chính phủ mới.

Bạo lực trong những ngày gần đây đã khiến ít nhất 109 người thiệt mạng, trong đó có 14 cảnh sát. Lo ngại về an ninh của cộng đồng thiểu số Hindu cũng gia tăng. Charu Chandra Das Brahmachari, lãnh đạo chi nhánh Bangladesh của phong trào Hindu, bày tỏ lo ngại về khả năng xảy ra các cuộc tấn công nhắm vào cộng đồng thiểu số.

Đại sứ EU tại Bangladesh, Charles Whitley, bày tỏ quan ngại về tình trạng bạo lực nhắm vào các nhóm thiểu số. Các chính trị gia đối lập và lãnh đạo sinh viên kêu gọi người dân không tấn công các nhóm này và bảo vệ các địa điểm tôn giáo.

Sau khi rời Dhaka, bà Hasina đã đến một sân bay quân sự gần New Delhi và gặp cố vấn an ninh quốc gia Ấn Độ Ajit Doval. Bộ trưởng Ngoại giao Ấn Độ S. Jaishankar xác nhận bà Hasina đã yêu cầu được phép đến Ấn Độ ngay lập tức. Bà dự kiến sẽ tiếp tục đi Vương quốc Anh.

Tình hình Bangladesh vẫn đang trong giai đoạn chuyển tiếp, với nhiều thách thức về an ninh, kinh tế và xã hội. Cộng đồng quốc tế đang theo dõi chặt chẽ diễn biến tại quốc gia Nam Á này.

Theo BNN

>> Quân đội Bangladesh thành lập chính phủ lâm thời, kêu gọi người dân bình tĩnh

Toàn cảnh khủng hoảng, bạo loạn "rung chuyển" Bangladesh

Quân đội Bangladesh thành lập chính phủ lâm thời, kêu gọi người dân bình tĩnh

Theo thitruongtaichinh.kinhtedothi.vn
https://thitruongtaichinh.kinhtedothi.vn/nhip-song-do-day/chu-nhan-giai-nobel-hoa-binh-nam-2006-se-tro-thanh-nha-lanh-dao-lam-thoi-cua-bangladesh-125094.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
Đặc sắc
Nổi bật Người quan sát
Chủ nhân giải Nobel Hòa Bình năm 2006 sẽ trở thành nhà lãnh đạo lâm thời của Bangladesh
POWERED BY ONECMS & INTECH