"Nền kinh tế tiếp tục tăng trưởng như mong đợi sẽ là điều kiện phù hợp để bắt đầu nới lỏng chính sách tiền tệ vào một thời điểm nào đó trong năm nay", Chủ tịch Fed cho hay.
Mới đây, Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) Jerome Powell đã có buổi điều trần tại Ủy ban Dịch vụ tài chính Hạ viện Mỹ. Ông cho biết các nhà hoạch định chính sách vẫn chú ý đến những rủi ro mà lạm phát gây ra và không muốn giảm lãi suất quá nhanh.
Ông nhận định không có nhiều bằng chứng cho thấy nền kinh tế Mỹ có thể phải đối mặt với nguy cơ suy thoái trong ngắn hạn. Hiện tại, nền kinh tế vẫn đang tăng trưởng, lạm phát giảm dần về mức mục tiêu 2% và tỷ lệ thất nghiệp ở mức thấp 3,7%.
"Chúng tôi tin rằng lãi suất chính sách có thể đã đạt đỉnh trong chu kỳ thắt chặt hiện nay. Việc nền kinh tế tiếp tục tăng trưởng như mong đợi sẽ là điều kiện phù hợp để bắt đầu nới lỏng chính sách tiền tệ vào một thời điểm nào đó trong năm nay", ông nói thêm.
Tuy nhiên, vị Chủ tịch Fed đã tránh đưa ra mốc thời gian cụ thể tiến hành cắt giảm lãi suất. Đồng thời, ông cũng cho biết tiến trình kiểm soát lạm phát vẫn chưa được đảm bảo, do đó các nhà hoạch địch chính sách cần cân nhắc một cách kỹ lưỡng dựa trên dữ liệu thực tế.
Chủ tịch Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) Jerome Powell |
"Việc giảm lãi suất sẽ là không phù hợp nếu chưa có cơ sở rõ ràng hơn cho thấy lạm phát đang giảm một cách bền vững về mức mục tiêu 2%", ông Powell nhấn mạnh.
Ông lưu ý rằng Fed có thể thua cuộc nếu hạ lãi suất quá nhanh và có nguy cơ phải tăng lãi suất trở lại. Trong khi đó, việc chờ đợi quá lâu sẽ gây nguy hiểm cho đà tăng trưởng.
Thị trường từng kỳ vọng Fed sẽ nới lỏng chính sách một cách mạnh tay sau 11 lần tăng lãi suất từ tháng 3/2022. Tuy nhiên, trong những tuần gần đây, kỳ vọng của các nhà đầu tư đã thay đổi đáng kể sau nhiều cảnh báo từ các quan chức Fed. Cuộc họp tháng 1 vừa qua cho thấy các nhà hoạch định chính sách đang rất thận trọng.
Theo công cụ FedWatch của CME Group, sau phiên điều trần, khả năng Fed cắt giảm lãi suất trong tháng 6 đã tăng từ mức 64% hồi tuần trước lên gần 70%. Các nhà phân tích dự đoán sẽ có tổng cộng 4 lần giảm, mỗi lần 25 điểm cơ bản trong năm nay.
Bất chấp thái độ thận trọng với việc giảm chi phí đi vay, ông Powell vẫn lưu ý về thành tựu chống lạm phát mà không gây ảnh hưởng đến thị trường lao động và nền kinh tế nói chung. Theo Chủ tịch Fed, lạm phát đã “giảm đáng kể” khi “rủi ro giữa việc đạt được mục tiêu việc làm và lạm phát trở nên cân bằng hơn”.
Lạm phát tính theo thước đo ưa thích của Fed đạt 2,4% vào tháng 1. Nếu loại bỏ giá năng lượng và thực phẩm, lạm phát lõi là 2,8%. Số liệu cho thấy “lạm phát đã chậm lại đáng kể kể từ năm 2022”.
“Kỳ vọng lạm phát dài hạn dường như vẫn được kiểm soát tốt, như kết quả phản ánh qua một loạt khảo sát hộ gia đình, doanh nghiệp, cơ quan dự báo cũng như các thước đo khác từ thị trường tài chính”, ông Powell nói thêm.
Thị trường sẽ tiếp tục theo dõi phiên điều trần tiếp theo của nhà lãnh đạo Fed trước thượng viện Mỹ sẽ diễn ra trong ngày 7/3. Theo CNBC, ông Powell có thể sẽ phải đối mặt với nhiều câu hỏi khác nhau liên quan đến lạm phát và lãi suất.
>> Những kịch bản tồi tệ với thị trường bất động sản nếu Fed không hạ lãi suất trong năm nay