Bài học kinh doanh

Chủ tịch FPT Trương Gia Bình: Bán cà phê, bán phở thì không thể gọi là khởi nghiệp

Hải Đường 10/11/2024 15:31

Chủ tịch Trương Gia Bình cho rằng, nhiều người đã nhầm lẫn giữa khởi nghiệp và lập nghiệp.

Trong tọa đàm "Startup - Đường nào tới thành công?", ông Trương Gia Bình, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần FPT, đã nhấn mạnh sự khác biệt quan trọng giữa "khởi nghiệp đổi mới sáng tạo" (startup) và "lập nghiệp" (entrepreneur). Ông cho rằng xã hội hiện nay vẫn thường nhầm lẫn giữa hai khái niệm này.

Ông Bình cho rằng, lập nghiệp là quá trình xây dựng và phát triển một doanh nghiệp thông thường, ví dụ như mở quán cà phê hay bán phở. Các hình thức kinh doanh này hoàn toàn có thể phát triển thành các doanh nghiệp lớn, nhưng không mang tính chất của khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.

"Startup", theo ông Bình, là khi doanh nghiệp đạt đỉnh cao của khoa học công nghệ và tạo ra điều gì đó chưa từng có trên thế giới, giống như Uber hay Grab – những công ty lớn nhất nhì trong ngành vận tải dù không sở hữu một chiếc taxi nào. Đó là những ví dụ điển hình của "nền kinh tế chia sẻ", một mô hình đột phá mà khởi nghiệp sáng tạo nhắm đến.

Khi nói về độ tuổi lý tưởng để khởi nghiệp, ông Bình nhấn mạnh rằng khởi nghiệp tốt nhất nên bắt đầu khi còn trẻ, tốt nhất là dưới 35 tuổi. Tuy nhiên, ông cũng đề cao mô hình kết hợp giữa nhiệt huyết và sáng tạo của tuổi trẻ với kinh nghiệm của người lớn tuổi. Ông đưa ra ví dụ về Google, được sáng lập bởi hai nhà nghiên cứu trẻ Larry Page và Sergey Brin, nhưng sau đó họ đã phải mời Eric Schmidt – một người có kinh nghiệm – để quản lý và phát triển công ty.

Chủ tịch FPT Trương Gia Bình: Bán cà phê, bán phở thì không thể gọi là khởi nghiệp
Chủ tịch FPT Trương Gia Bình chia sẻ quan điểm về khởi nghiệp. Ảnh minh hoạ

>> Cổ phiếu FPT tăng cao kỷ lục, Chủ tịch Trương Gia Bình 'kiếm' thêm hàng nghìn tỷ đồng

Về nguồn vốn, Chủ tịch Tập đoàn FPT cho rằng thực tế không khó khăn như nhiều người nghĩ. Theo ông, các quỹ đầu tư đang "thắp đuốc" tìm kiếm những startup có ý tưởng đột phá. Ở Việt Nam, một startup có thể cần vốn khởi điểm khoảng 5.000 USD, và ông gợi ý rằng các nhà sáng lập có thể huy động từ gia đình, bạn bè để bắt đầu. Ông cho biết rằng tại Mỹ, số vốn trung bình để khởi nghiệp thành công là khoảng 50.000 USD, nhưng ở Việt Nam, con số này thấp hơn nhờ vào chi phí sinh hoạt và kinh doanh rẻ hơn.

Ông Trương Gia Bình cũng nhấn mạnh rằng khi lựa chọn con đường khởi nghiệp sáng tạo, các doanh nhân trẻ phải sẵn sàng đối mặt với tỷ lệ thành công thấp. Thống kê toàn cầu cho thấy chỉ có khoảng 10% startup thành công, tức là "10 ăn 1". Tuy nhiên, ông Bình cho rằng đây là điều bình thường và là giá trị đáng theo đuổi. "Khởi nghiệp 10 lần thế nào cũng có 1 lần thành công", ông khích lệ các bạn trẻ.

Tại hội thảo "Hành trình từ 0 đến 1 – Những bài học trong 5 năm đầu vượt sóng" do Group Quản trị và Khởi nghiệp tổ chức, ông Trương Gia Bình, Chủ tịch FPT, chia sẻ về hành trình phát triển và đưa ra lời khuyên cho các startup.

>> Chủ tịch Trương Gia Bình: Lộ trình ‘đánh to’ phải bắt đầu bằng những chiến dịch nhỏ, FPT có cách đánh của riêng mình

Cho rằng mình may mắn được học tại khoa cơ học của trường Đại học Tổng hợp Matxcơva, nơi tập trung các giáo sư hàng đầu Xô Viết, ông Bình chia sẻ rằng những câu chuyện thành công của các thầy đã truyền cảm hứng mạnh mẽ, giúp ông nuôi dưỡng niềm tin vào khả năng làm nên điều vĩ đại.

Lấy ví dụ về Elon Musk, người từ nhỏ thường nằm nhìn lên trần nhà - nơi vẽ các hành tinh, ước mơ được di chuyển nhân loại lên sống ở hành tinh khác. Để rồi về sau, ông trở thành nhà phát minh kiêm sáng lập và điều hành Tesla, PayPal, SolarCity và SpaceX. Từ câu chuyện này, Chủ tịch Trương Gia Bình khuyên các startup hãy nuôi dưỡng khát vọng và tìm hướng đi khác biệt.

Ông cũng nhấn mạnh rằng trong kinh doanh, các vấn đề là những bài toán cần giải. Để thành công, không chỉ cần ý tưởng mà còn cần một nhóm cộng sự cốt lõi, mỗi người đều giỏi trong một lĩnh vực khác nhau và biết đóng góp ý tưởng thay vì chỉ đồng ý. Theo ông Bình, nhóm lý tưởng gồm 5 người, có sự cân bằng giữa phản biện và ủng hộ. "Khi nhóm đã thống nhất, đó chính là dấu hiệu của sự chuẩn xác," ông chia sẻ.

Cuối cùng, ông Bình chia sẻ thêm: “Khởi nghiệp sáng tạo không chỉ là lập nên một doanh nghiệp, mà còn là tạo ra những giá trị mới có thể chưa từng tồn tại. Đó là một hành trình đầy rủi ro nhưng rất đáng giá, và nếu thành công, người sáng lập có thể trở thành một hiện tượng nổi bật như Nguyễn Hà Đông".

Tọa đàm "Startup - Đường nào tới thành công?" đã diễn ra từ năm 2016, nhưng những chia sẻ của ông Trương Gia Bình vẫn rất giá trị. Trong bối cảnh 10 tháng đầu năm 2024, số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và quay trở lại thị trường vượt mốc 200.000 doanh nghiệp, dự kiến đạt kỷ lục mới trong năm 2024. Nhiều giải pháp tiếp tục được đề xuất nhằm “mở đường” cho đà tăng tốc này.

>> FPT lập kỷ lục mới với dự án 225 triệu USD: Huy động hơn 1.000 chuyên gia, 75 phần mềm, kéo dài trong 3 năm cho đối tác Mỹ

FPT Software từng mất 8 năm để chạm mốc 10 triệu USD, giờ 'chốt' 225 triệu USD chỉ với 1 hợp đồng

Kết luận thanh tra thuế tại Synnex FPT

Theo Kiến thức Đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/chu-tich-fpt-truong-gia-binh-ban-ca-phe-ban-pho-thi-khong-the-goi-la-khoi-nghiep-259226.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Chủ tịch FPT Trương Gia Bình: Bán cà phê, bán phở thì không thể gọi là khởi nghiệp
    POWERED BY ONECMS & INTECH