Chủ tịch Quốc hội: Hiện nay không thể bỏ hội đồng nhân dân cấp xã
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn khẳng định hiện nay không thể bỏ hội đồng nhân dân cấp xã bởi đây là vấn đề liên quan đến cơ chế bảo đảm quyền làm chủ của nhân dân.
Sáng 13/2, Quốc hội thảo luận về 2 dự án Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi), Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi); dự thảo Nghị quyết của Quốc hội quy định về xử lý một số vấn đề liên quan đến sắp xếp tổ chức bộ máy nhà nước.
Trước đề xuất bỏ hội đồng nhân dân (HĐND) cấp xã, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho biết, vừa qua Quốc hội đã cho thí điểm không tổ chức HĐND ở quận, huyện, phường ở TP.HCM, Đà Nẵng, Hải Phòng... Những nơi thí điểm sẽ tiếp tục thực hiện, sau đó tổng kết để Đại hội 14 có thể xem xét có nhân rộng được hay không.
Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, hiện nay không thể bỏ HĐND cấp xã. Nếu không tổ chức HĐND cấp xã thì phải nghiên cứu sửa đổi Hiến pháp, bởi đây là vấn đề liên quan đến cơ chế bảo đảm quyền làm chủ của nhân dân.
![130220251107 z81_1933s.jpg](https://nqs.1cdn.vn/2025/02/13/static-images.vnncdn.net-vps_images_publish-000001-000003-2025-2-13-_130220251107-z81-1933s-73335.jpg)
"Ở địa phương, dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng. Vậy thực hiện quyền làm chủ của nhân dân là ở đâu? Chính là ở HĐND. Nếu bỏ HĐND thì nhân dân làm chủ chỗ nào, ngoài Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể, nhân dân sẽ phát huy quyền làm chủ ở đâu?", Chủ tịch Quốc hội phân tích.
Cơ sở là nơi trực tiếp thực hiện đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Nhân dân thông qua HĐND để thực hiện quyền làm chủ của mình, giám sát hoạt động của UBND.
Để xử lý nhanh công việc, vừa qua Quốc hội đã đổi mới tư duy xây dựng pháp luật, giao quyền mạnh hơn cho Ủy ban Thường vụ; Ủy ban Thường vụ cũng ủy quyền mạnh hơn cho Chính phủ.
Theo Chủ tịch Quốc hội, lần này sửa đổi Luật Tổ chức Chính phủ, Luật Tổ chức chính quyền địa phương là giao quyền, phân cấp mạnh cho Chính phủ, địa phương theo phương châm "địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm".
Trung ương, Quốc hội, Chính phủ giữ vai trò kiến tạo, tăng cường hoàn thiện thể chế và kiểm tra, giám sát. Quốc hội sẽ tăng cường giám sát việc thực hiện luật, giám sát việc ban hành nghị định, thông tư của Chính phủ có đúng với luật hay không. HĐND địa phương cũng phải tăng cường chức năng giám sát mạnh hơn.
Tại tổ đại biểu TP.HCM, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi đề nghị cần có nghiên cứu tổng thể toàn diện về mô hình chính quyền hiện nay.
![202302120842465357_DSC_8074.jpg](https://nqs.1cdn.vn/2025/02/13/static-images.vnncdn.net-vps_images_publish-000001-000003-2025-2-13-_202302120842465357-dsc-8074-73336.jpg)
Ông Phan Văn Mãi cho rằng cần làm rõ chính quyền có mấy cấp, mỗi cấp gồm những cơ quan nào. Từ đó mới trả lời vấn đề có bỏ cấp huyện hay không; từng cấp có cần đầy đủ HĐND và UBND hay không.
Ông giải thích việc cần làm rõ các cấp trong mô hình chính quyền, mối quan hệ giữa UBND và ủy ban hành chính nhằm đảm bảo tính đồng bộ, phù hợp với thực tiễn. Đây cũng là cơ sở để đề xuất sửa đổi Hiến pháp và các luật liên quan.
Hà Nội và Đà Nẵng đang thực hiện thí điểm nghị quyết chính quyền đô thị, trong khi đó, TPHCM thực hiện theo Nghị quyết 131 về tổ chức chính quyền đô thị đã được 5 năm. TP.HCM sẽ đề xuất khung pháp lý thay cho Nghị quyết 131 đảm bảo quản lý vận hành tốt đô thị đặc biệt.
Chủ tịch TP.HCM kiến nghị cần thể chế ngay chủ trương "địa phương quyết, địa phương làm và địa phương chịu trách nhiệm". Các cơ chế đưa ra làm sao để địa phương quyết định đúng thẩm quyền, triển khai thực hiện và chịu trách nhiệm trước quyết định.
Quân đội đã cơ bản tinh, gọn, mạnh
Nói về việc sắp xếp trong lực lượng vũ trang, Đại tướng Phan Văn Giang, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cho biết việc sắp xếp, tinh gọn bộ máy theo Nghị quyết số 18 đã bước sang năm thứ 8.
"Trước đây, chúng ta thực hiện chưa thực sự quyết liệt. Thời điểm này, chúng ta thực hiện quyết liệt hơn. Như vậy, việc thực hiện sắp xếp lại, tinh gọn bộ máy hệ thống chính trị mà chúng ta đang thực hiện là trên cơ sở nghị quyết của Trung ương Đảng, chứ không phải chưa có nghị quyết nào về vấn đề này”, Đại tướng Phan Văn Giang nói.
![a603582df24e4c10155f.jpg](https://nqs.1cdn.vn/2025/02/13/static-images.vnncdn.net-vps_images_publish-000001-000003-2025-2-13-_a603582df24e4c10155f-73337.jpg)
Nhấn mạnh lực lượng vũ trang có tính chất rất đặc thù nên việc sắp xếp lại phải theo đề án riêng, Đại tướng Phan Văn Giang cho biết, đến nay, Bộ Quốc phòng và Bộ Công an cơ bản đã hoàn thành nhiệm vụ sắp xếp lại.
Bộ Công an sắp xếp tổ chức bộ máy công an địa phương theo hướng "tỉnh toàn diện, xã vững mạnh, bám cơ sở", không tổ chức công an cấp huyện.
Trong khi đó, quân đội đang tổng kết thực hiện Nghị quyết số 05 của Bộ Chính trị; Nghị quyết số 230 của Quân ủy Trung ương. Bộ Quốc phòng đã hoàn thành thực hiện Nghị quyết số 05 của Bộ Chính trị sớm 1 năm.
Nghị quyết số 05 giao nhiệm vụ đến năm 2025 cơ bản hoàn thành điều chỉnh tổ chức lực lượng Quân đội nhân dân Việt Nam tinh, gọn, mạnh. Đến nay, Bộ Quốc phòng đã sáp nhập các đơn vị, hoàn thành tất cả các nhiệm vụ.
>> Tổng Bí thư: Sắp xếp, tinh gọn bộ máy để sau đại hội càng không làm được
Quốc hội chuyển vai nhiều về cho Chính phủ để điều hành linh hoạt
Kỳ họp Quốc hội bất thường lần thứ 9: 'Mở đường' tăng tốc phát triển