Quốc hội chuyển vai nhiều về cho Chính phủ để điều hành linh hoạt
Dự Luật Ban hành Văn bản quy phạm pháp luật (sửa đổi) quy định theo hướng tạo điều kiện để Chính phủ dễ điều hành kinh tế xã hội, tăng cường vai trò của “cơ quan trình phải chịu trách nhiệm đến cùng”.
Sáng 12/2, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về dự Luật Ban hành Văn bản quy phạm pháp luật (sửa đổi).
Cơ quan trình phải chịu trách nhiệm đến cùng
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh, dự luật lần này đưa ra quan điểm xây dựng pháp luật theo hướng, việc gì của Quốc hội thì Quốc hội quy định, còn Chính phủ sẽ ban hành các nghị định, thông tư để chủ động điều hành.
Quy định này nhằm tạo điều kiện để Chính phủ dễ điều hành kinh tế xã hội theo diễn biến của tình hình; đồng thời hướng tới phải tăng cường vai trò của “cơ quan trình phải chịu trách nhiệm đến cùng”.
“Trước đây, cơ quan trình làm 50-60%, đưa qua Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các ủy ban hết sức vất vả. Có luật Chủ tịch, Phó chủ tịch ngồi 7 - 8 cuộc như luật Đất đai 2024”, ông Trần Thanh Mẫn nêu thực tế.
Chủ tịch Quốc hội cũng cho biết, nhiều lần nhắc bộ trưởng, trưởng ngành phải chịu trách nhiệm đến cùng trong xây dựng luật, không thể giao cho thứ trưởng, vụ trưởng. Vì vậy, dự luật lần này quy định tăng cường vai trò cơ quan trình chịu trách nhiệm đến cùng.
![tranthanhman.jpg](https://nqs.1cdn.vn/2025/02/12/static-images.vnncdn.net-vps_images_publish-000001-000003-2025-2-12-_tranthanhman-96466.jpg)
Ông cũng đồng tình với định hướng đổi mới quy trình theo hướng các dự án luật thông qua trong một kỳ họp nhưng quy định tại kỳ họp sẽ thảo luận các ý kiến khác nhau.
Trên tinh thần lần này, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật được Quốc hội thông qua sẽ tạo điều kiện xây dựng, hoàn thiện pháp luật trong năm.
“Thủ tướng cảm ơn Quốc hội tại kỳ họp 7, 8 tạo điều kiện thuận lợi để năm 2024 Việt Nam tăng trưởng 7,09%, thuộc nhóm tăng trưởng cao của khu vực và thế giới”, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.
Việc hoàn thiện thể chế, tháo gỡ khó khăn, điểm nghẽn cho kinh tế - xã hội phát triển, đạt mục tiêu tăng trưởng GDP trên 8% để làm tiền đề giai đoạn sau 2026 - 2030 tăng trưởng 2 con số.
Có như thế năm 2030, Việt Nam mới trở thành nước có thu nhập trung bình cao và năm 2045 trở thành nước thu nhập cao.
“Chúng ta muốn phát triển phải tháo gỡ khó khăn, nhất là tháo gỡ cho khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số. Các đồng chí đi Singapore xuất nhập cảnh có 10 giây, không phải làm thủ tục gì hết, hệ thống nhận dạng con người là đi qua thôi, chứ không phải đóng dấu kịch kịch”, Chủ tịch Quốc hội nói.
Ông cũng dẫn chứng UAE thủ tục cấp phép đầu tư chỉ có 5 phút, 10 phút. Vì vậy, Việt Nam phải đẩy mạnh cải cách hành chính, tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp. "Việc gì quyết được thì quyết ngay", Chủ tịch Quốc hội nói.
Linh hoạt nhưng tương đối rủi ro
Quyền Chủ tịch tỉnh Quảng Trị Hà Sỹ Đồng ghi nhận dự thảo Luật trình Quốc hội lần này có hai thay đổi lớn.
Một thay đổi lớn là dự luật lần này “chuyển vai nhiều về cho Chính phủ”. Quốc hội sẽ chỉ thông qua hoặc không thông qua luật; nội dung luật sẽ là luật khung, luật ống còn chi tiết thì Chính phủ làm.
Việc này có thể được coi là một hình thức để linh hoạt hoá quá trình soạn thảo quy định, bởi quy trình xây dựng Nghị định linh hoạt hơn so với làm luật.
Tuy nhiên, ông Đồng cũng phân tích thêm, khi làm luật, đại biểu Quốc hội thường chịu khó lắng nghe dư luận nhiều hơn so với các bộ, ngành. Do đó, việc chuyển vai cho Chính phủ đồng nghĩa với việc tiếng nói của dư luận qua các kênh báo chí, mạng xã hội sẽ kém hơn.
![hasydong](https://nqs.1cdn.vn/2025/02/12/static-images.vnncdn.net-vps_images_publish-000001-000003-2025-2-12-_hasydong-96467.jpg)
Chủ tịch tỉnh Quảng Trị cho rằng, sự linh hoạt trong quá trình soạn thảo, rút ngắn nhiều khoảng thời gian để có thể đẩy nhanh tiến độ ra quyết sách.
Tuy nhiên đại biểu cho rằng, mọi thay đổi về quy trình soạn luật luôn có tính hai mặt. Trong đó, mặt được là đẩy nhanh tốc độ ra quyết định. Ở các nước khác trên thế giới, quá trình soạn thảo luật của quốc hội rất linh hoạt. Miễn là quốc hội bỏ phiếu thông qua là được, còn các quy trình thủ tục trước đó không quá quan trọng.
Tuy nhiên, họ đi kèm với hai điều kiện khác. Một là để Quốc hội thông qua luật không dễ, các phiếu biểu quyết hay các phát biểu của nghị sĩ đều công khai. Hai là, các cơ chế kiểm soát chất lượng luật sau khi ban hành như tòa án hiến pháp, cho phép khởi kiện một quy định là vi hiến hay trái văn bản cấp trên.
Vì vậy, đại biểu Hà Sỹ Đồng lưu ý, việc cho phép linh hoạt quá trình soạn luật tại Việt Nam khi chưa có các điều kiện trên là tương đối rủi ro.
Về "mặt mất" theo ông Đồng là rủi ro chất lượng văn bản pháp luật sẽ thấp, và chất lượng thấp thì kéo theo một số rủi ro khác.
“Khi văn bản luật ban hành ra sẽ lại có nhiều vướng mắc thực thi do quy định chưa hết các trường hợp hoặc ngôn từ chưa minh bạch. Chưa đánh giá kỹ tác động nên đưa ra quyết định cực đoan. Làm gấp nên người dân và doanh nghiệp không có thời gian chuẩn bị thích ứng, gây xáo trộn sản xuất, thương mại, đời sống”, quyền Chủ tịch tỉnh Quảng Trị lo ngại.
Ông nêu thực tế gần đây có hiện tượng lạm dụng thủ tục rút gọn. Chẳng hạn như năm 2025, Chính phủ dự định xem xét ban hành khoảng 130 văn bản, thì đến 69 văn bản được thực hiện thủ tục rút gọn.
Trong khi đó, thủ tục rút gọn thì gần như chỉ có soạn, trình và ký. Việc đăng tải hay lấy ý kiến chỉ là tùy từng trường hợp mà không bắt buộc.
Từ đó, đại biểu đề nghị có thể không có thời gian lấy ý kiến nhưng vẫn phải đăng tải công khai dự thảo.
Mỗi bộ ban hành một luật thì đồ sộ, rất khó làm
Trước ý kiến của đại biểu đề nghị mỗi bộ nên xây dựng một luật thay vì làm quá nhiều luật như hiện nay, Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường Đỗ Đức Duy cho rằng, tinh thần sắp xếp tổ chức bộ máy theo hướng bộ quản lý đa ngành, đa lĩnh vực mà “mỗi bộ chỉ có một bộ luật thì tôi cho rằng bộ luật ấy sẽ rất là đồ sộ, rất khó làm”.
![doducduy.jpg](https://nqs.1cdn.vn/2025/02/12/static-images.vnncdn.net-vps_images_publish-000001-000003-2025-2-12-_doducduy-96468.jpg)
Tuy nhiên, Bộ trưởng cũng cho biết, Chính phủ đã tính toán, ngoài việc ban hành các luật có tính chất quản lý chuyên sâu, chuyên ngành thì cũng mở rộng hơn phạm vi để xây dựng các luật quản lý có tính chất đa ngành chỉ áp dụng trên một phạm vi địa bàn nhất định.
“Tôi lấy ví dụ như Luật Thủ đô chính là luật đa ngành điều chỉnh rất nhiều lĩnh vực nhưng áp dụng trên địa bàn Thủ đô; những nghị quyết đặc thù về phát triển TPHCM và một số địa phương và tới đây có những nghị quyết phát triển vùng”, Bộ trưởng Đỗ Đức Duy dẫn chứng.
Ông Duy cho biết, tới đây có những dự án như đường sắt tốc độ cao Bắc Nam, nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận cần rất nhiều các cơ chế, chính sách đặc thù. Vì vậy, có thể xây dựng các bộ luật có tính chất đa ngành để áp dụng cho một hoặc một số dự án trọng điểm quốc gia hoặc là áp dụng cho một số hoạt động cần điều chỉnh.
Đề xuất bổ sung trường hợp tạm đình chỉ nhiệm vụ đại biểu Quốc hội
Kỳ họp Quốc hội bất thường lần thứ 9: 'Mở đường' tăng tốc phát triển