Kỳ họp Quốc hội bất thường lần thứ 9: 'Mở đường' tăng tốc phát triển
Dự kiến diễn ra từ ngày 12/2 đến 19/2, Kỳ họp bất thường lần thứ 9, Quốc hội khóa XV sẽ xem xét quyết định những vấn đề có tính chất chiến lược định hình sự phát triển của đất nước trước mắt và lâu dài. Với ý nghĩa quan trọng đó, đại biểu Vũ Trọng Kim (Đoàn Nam Ðịnh) cho rằng, mỗi đại biểu cần thực sự có trách nhiệm trong thảo luận cũng như “bấm nút” thông qua các quyết sách.
![]() |
Các đại biểu Quốc hội tham gia kỳ họp thứ 8 |
Theo dự kiến chương trình, tại Kỳ họp bất thường lần thứ 9, Quốc hội sẽ xem xét quyết định cơ cấu tổ chức bộ máy của Quốc hội, Chính phủ, công tác nhân sự và các luật, dự thảo nghị quyết phục vụ cho việc sắp xếp tổ chức bộ máy. Bên cạnh đó, Quốc hội sẽ xem xét đề án bổ sung về phát triển kinh tế - xã hội năm 2025 với mục tiêu tăng trưởng đạt 8%, hướng tới mục tiêu tăng trưởng hai con số trong giai đoạn 2026- 2030.
Ngoài ra, Quốc hội sẽ xem xét, quyết định các dự án quan trọng, gồm: Dự án đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng; Dự thảo Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù, đặc biệt để phát triển hệ thống mạng lưới đường sắt đô thị Hà Nội, TPHCM; Dự thảo Nghị quyết thí điểm một số chính sách để tháo gỡ vướng mắc trong hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; Dự thảo Nghị quyết chính sách đặc thù để xây dựng các nhà máy điện hạt nhân tại Ninh Thuận…
Siêu bộ cần cán bộ dám nghĩ, dám làm
Đánh giá về tầm quan trọng của các quyết sách được Quốc hội xem xét tại kỳ họp bất thường lần này, đại biểu Quốc hội Vũ Trọng Kim (Đoàn Nam Định) cho rằng, các nội dung được Quốc hội xem xét đều là những vấn đề mang tính chiến lược, có ý nghĩa cách mạng quyết định sự phát triển của đất nước trước mắt và lâu dài. Trong số các nội dung được trình, theo ông Kim, cải cách tổ chức bộ máy là vấn đề nhận được nhiều sự quan tâm nhất của cử tri và nhân dân.
“Sắp xếp tinh gọn tổ chức bộ máy, chúng ta đã thực hiện nhiều lần rồi, nhưng lần này là quyết liệt, triệt để và có ý nghĩa cách mạng rộng lớn nhất. Đất nước muốn đột phá phát triển, hướng tới mục tiêu tăng trưởng hai con số thì bộ máy phải thực sự tinh gọn, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả và đội ngũ cán bộ sau sắp xếp tinh gọn phải thực sự là những người có tài năng, có tinh thần phục vụ người dân, doanh nghiệp”, ông Kim nói.
Theo ông Kim, đích đến cuối cùng của cải cách tổ chức bộ máy là tạo ra động lực mới cho sự phát triển của đất nước, nâng cao thu nhập của người dân. Tuy nhiên, để hiện thực được mục tiêu này, ngoài việc sắp xếp, hợp nhất các bộ, ngành, cơ quan lại với nhau thì công tác lựa chọn nhân sự cũng phải được đặc biệt quan tâm.
Cùng mối quan tâm, đại biểu Phạm Văn Hòa (Đoàn Đồng Tháp) cho rằng, khi các bộ được hợp nhất với nhau, lập tức sẽ trở thành những “siêu bộ”, khối lượng công việc đảm nhận tăng lên gấp đôi, gấp ba. Do đó, yêu cầu đặt ra đối với nhân sự được chọn phải là người thực sự có năng lực, có tinh thần hành động, dám nghĩ, dám làm. “Điều hành 1 bộ đã vất vả rồi giờ điều hành “siêu bộ” còn vất vả, khó khăn hơn rất nhiều. Vì thế, công tác bố trí nhân sự phải thật tinh tường, tìm được đúng người có năng lực, có phẩm chất, đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ phát triển trong giai đoạn mới của đất nước”, ông Hòa nói.
Vị đại biểu Đoàn Đồng Tháp bày tỏ mong muốn các đại biểu Quốc hội sẽ phát huy trí tuệ, khách quan, trung thực, lắng nghe ý kiến cử tri, nhân dân và bối cảnh phát triển mới của đất nước để lựa chọn nhân sự xứng đáng vào bộ máy.
Theo các báo cáo trình Quốc hội, dự kiến sau khi thực hiện sắp xếp, số lượng các cơ quan chuyên môn của Quốc hội gồm có: Hội đồng Dân tộc và 7 ủy ban, giảm 2 ủy ban. Trong khi đó, cơ cấu tổ chức của Chính phủ nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV, dự kiến gồm 14 bộ và 3 cơ quan ngang bộ. Như vậy, sau tinh gọn khối Chính phủ giảm 5 bộ và 3 cơ quan so với hiện nay.
“Chúng ta thấy, thời gian qua, việc thực hiện các dự án đường sắt đô thị ở Hà Nội và TP.HCM gặp rất nhiều vướng mắc, đội vốn nhiều, tiến độ chậm, gây nhiều bức xúc trong nhân dân. Nguyên nhân chính là do cơ chế chính sách còn là “điểm nghẽn” của “điểm nghẽn”, chưa phân cấp, phân quyền triệt để dẫn đến xin - cho, khó thu hút được đầu tư. Do đó, việc “cởi trói” cơ chế, chính sách để thúc đẩy phát triển dự án đường sắt đô thị của hai thành phố, giải quyết bài toán ách tắc giao thông là hết sức có ý nghĩa”.
Ðại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa
Cởi trói cơ chế, thúc đẩy các dự án lớn
Ngoài tổ chức bộ máy, những vấn đề liên quan đến phát triển kinh tế - xã hội năm 2025 cũng là nội dung được nhiều đại biểu quan tâm tại kỳ họp bất thường lần này. Căn cứ kết luận của Trung ương, Chính phủ trình Quốc hội Đề án bổ sung về phát triển kinh tế - xã hội năm 2025 với mục tiêu tăng trưởng đạt 8% trở lên, cao hơn mục tiêu mà Quốc hội đã quyết tại kỳ họp trước là 6,5-7%.
Theo Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, việc điều chỉnh tăng trưởng GDP cả nước năm 2025 từ 8% trở lên, góp phần tạo nền tảng vững chắc để đạt tốc độ tăng trưởng hai con số trong thời gian đủ dài (bắt đầu từ năm 2026). Cơ sở để thực hiện mục tiêu trên được Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư chỉ ra là tư duy mới, cách làm mới, đột phá về thể chế; phân cấp, phân quyền triệt để.
Cùng với đó, Chính phủ cho biết sẽ đẩy mạnh và làm mới các động lực tăng trưởng truyền thống về đầu tư, tiêu dùng và xuất khẩu; phát triển mạnh mẽ khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, nhân lực chất lượng cao để trở thành động lực, nhân tố ngày càng quan trọng thúc đẩy tăng trưởng. Trường hợp cần thiết, Chính phủ đề nghị Quốc hội cho phép điều chỉnh bội chi ngân sách nhà nước lên mức khoảng 4-4,5% GDP để huy động nguồn lực cho đầu tư phát triển; nợ công, nợ Chính phủ, nợ nước ngoài có thể đến ngưỡng hoặc vượt ngưỡng cảnh báo khoảng 5% GDP.
Tại báo cáo thẩm tra, Ủy ban Kinh tế lưu ý Chính phủ cần tạo lập môi trường thuận lợi cho đầu tư, sản xuất, kinh doanh, nhất là về quy trình, thủ tục đầu tư, quy hoạch và tiếp cận đất đai. Thúc đẩy chuyển đổi số một cách mạnh mẽ, thực chất, lan tỏa rộng rãi hơn. Tập trung cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính; cắt giảm thực chất thời gian thực hiện thủ tục hành chính, thủ tục đầu tư, kinh doanh để hỗ trợ doanh nghiệp. Không để việc tinh gọn, sắp xếp tổ chức, bộ máy ảnh hưởng đến người dân và hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.
Một nội dung quan trọng khác được nhiều đại biểu quan tâm là dự thảo Nghị quyết cơ chế, chính sách đặc thù đầu tư xây dựng nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận và Dự thảo Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù, đặc biệt để phát triển hệ thống mạng lưới đường sắt đô thị tại thành phố Hà Nội, TPHCM. Theo đại biểu Phạm Văn Hòa, từ đầu nhiệm kỳ đến nay, Quốc hội đã ban hành nhiều cơ chế chính sách đặc thù, từ đó tháo gỡ được các khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy tiến độ triển khai các dự án, nhất là các dự án đường bộ cao tốc. Vì thế, việc ban hành cơ chế đặc thù để triển khai dự án lớn, nhất là phát triển đường sắt đô thị ở Hà Nội và TPHCM là cần thiết.
Với dự án điện hạt nhân Ninh Thuận, để đạt được mục tiêu đưa dự án vào vận hành trong năm 2030, đại biểu Quốc hội cho rằng việc ban hành các cơ chế, chính sách đặc thù, như đề xuất áp dụng chỉ định gói thầu theo hình thức “chìa khóa trao tay” là phù hợp. Theo một đại biểu thuộc Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường, muốn đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án điện hạt nhân Ninh Thuận thì cần có hình thức chỉ định thầu. Tuy nhiên, hình thức này có thể dẫn đến hạn chế cạnh tranh và thiếu minh bạch trong quá trình thực hiện.
Do đó, để giảm thiểu rủi ro, đại biểu đề nghị nghiên cứu, bổ sung quy trình giám sát chặt chẽ như: Công khai danh sách nhà thầu và tiêu chí lựa chọn để tăng tính minh bạch; thành lập hội đồng giám sát độc lập để kiểm tra quy trình chỉ định thầu; xây dựng cơ chế báo cáo định kỳ về tiến độ thực hiện hợp đồng; áp dụng chế tài nghiêm ngặt nếu phát hiện dấu hiệu tiêu cực trong quá trình chỉ định và thực hiện hợp đồng.
Những nội dung lớn được Quốc hội xem xét quyết định
+ Cơ cấu tổ chức của Chính phủ nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV; Cơ cấu số lượng thành viên Chính phủ nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV; Luật Tổ chức Chính phủ; Công tác nhân sự…
+ Dự thảo Nghị quyết về việc tổ chức các cơ quan của Quốc hội; Dự thảo Nghị quyết về số thành viên của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XV (sửa đổi); Công tác nhân sự; Luật Tổ chức Quốc hội.
+ Ðề án bổ sung về phát triển kinh tế - xã hội năm 2025 với mục tiêu tăng trưởng đạt 8% trở lên; Tờ trình về chủ trương đầu tư dự án tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng; Dự thảo Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù, đặc biệt để phát triển hệ thống mạng lưới đường sắt đô thị tại thành phố Hà Nội, TPHCM; Dự thảo Nghị quyết thí điểm một số chính sách để tháo gỡ vướng mắc trong hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; Tờ trình về các cơ chế chính sách đặc thù để xây dựng các nhà máy điện hạt nhân tại Ninh Thuận…
>> TRỰC TIẾP: Khai mạc Kỳ họp bất thường lần thứ 9, Quốc hội khóa XV
TRỰC TIẾP: Khai mạc Kỳ họp bất thường lần thứ 9, Quốc hội khóa XV
Thủ tướng sẽ trình Quốc hội cơ cấu số lượng thành viên Chính phủ