Chủ tịch SSI Nguyễn Duy Hưng: 'Chúng tôi rất muốn bỏ tiền, rất muốn hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp và doanh nhân'
Theo ông, chỉ khi Việt Nam có khung pháp lý minh bạch, các tổ chức quốc tế mới sẵn sàng hợp tác, đầu tư và tìm kiếm lợi ích tại thị trường này.
Phát biểu tại Hội nghị Tác động Công nghệ Việt Nam 2024 (VTIS 2024), ông Nguyễn Duy Hưng, Chủ tịch HĐQT CTCP Chứng khoán SSI, cho biết Việt Nam hiện nằm trong nhóm 4 thị trường giao dịch tài sản số sôi động nhất thế giới, được công nhận bởi 10 sàn giao dịch lớn nhất tham dự hội nghị.
"Thị trường tài sản số tại Việt Nam đã đi vào cuộc sống của từng gia đình, từng xã hội. Đây không còn là những ý tưởng hay giải pháp công nghệ, mà là thực tế đang hiện hữu", ông Hưng nhấn mạnh.
Ông Hưng cảnh báo rằng, trong khi tài sản hữu hình được quản lý qua biên giới và hải quan, tài sản số không bị ràng buộc bởi địa lý. Điều này khiến chúng dễ dàng bị chuyển ra nước ngoài nếu Việt Nam không sớm xây dựng một khuôn khổ pháp lý rõ ràng để quản lý, giữ gìn và phát triển. "Hiện nay, các doanh nghiệp Việt Nam đang phải mở công ty ở nước ngoài như Singapore, Mỹ để hoạt động, sau đó lại quay về Việt Nam tuyển dụng nhân sự. Kết quả là tài sản và giá trị không còn thuộc về Việt Nam", ông nói.
Ông Nguyễn Duy Hưng - Chủ tịch HĐQT CTCP Chứng khoán SSI |
>> Chủ tịch SSI Nguyễn Duy Hưng: Cần xây dựng khung pháp lý rõ ràng cho tài sản số
Khung pháp lý không chỉ giúp bảo vệ các nhà đầu tư và người phát triển khỏi nguy cơ lừa đảo, trục lợi mà còn đảm bảo các tài sản số được công nhận hợp pháp, minh bạch và chịu sự quản lý về thuế.
Chủ tịch SSI nhấn mạnh, sự hỗ trợ từ Chính phủ là yếu tố then chốt để tạo nền tảng cho sự phát triển bền vững của thị trường tài sản số. Ông chia sẻ, bản thân ông và các doanh nhân lớn như ông Trương Gia Bình đều mong muốn đầu tư và hỗ trợ cộng đồng, nhưng hiện vẫn thiếu cơ chế pháp lý rõ ràng để thực hiện điều này.
Ông bày tỏ: "Chúng tôi rất muốn bỏ tiền, rất muốn hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp và doanh nhân, nhưng lại không biết làm thế nào khi khung pháp lý chưa được hoàn thiện".
Đồng thời, ông cũng đề cập đến tầm quan trọng của hợp tác quốc tế. Theo ông, chỉ khi Việt Nam có khung pháp lý minh bạch, các tổ chức quốc tế mới sẵn sàng hợp tác, đầu tư và tìm kiếm lợi ích tại thị trường này.
Một điểm nhấn trong bài phát biểu của ông là lời kêu gọi khơi dậy lòng yêu nước trong thế hệ trẻ. "Tài sản chỉ thực sự có giá trị khi được công nhận, được quyền tự do định đoạt, mua bán và trao đổi. Điều đó mới tạo nên sức hút để thu hút nguồn lực và đóng góp cho đất nước", ông nói.
Ông Hưng cảnh báo, nếu Việt Nam không sớm hành động, cơ hội phát triển tài sản số có thể trôi qua. "Nếu hôm nay không có người đốt lửa, thì ngày mai sẽ không có đám cháy. Nếu cơ hội về tài sản số lần này bị bỏ lỡ, chúng ta không biết bao giờ mới có thể phát triển một lĩnh vực mới mẻ và đầy tiềm năng như thế", ông nhấn mạnh.
Dự đoán về tương lai, ông Hưng tin rằng, với lực lượng trẻ và sự đam mê công nghệ, Việt Nam sẽ trở thành trung tâm tài sản số của khu vực nếu có một khuôn khổ pháp lý phù hợp. "Chúng ta không có nhiều lựa chọn. Hoặc là để thị trường tự phát, hoặc là quản lý tốt để giữ lại nguồn lực và tạo cơ hội phát triển trên chính đất nước mình", ông kết luận.
Hội nghị VTIS 2024 tiếp tục diễn ra, là diễn đàn để các nhà lãnh đạo, doanh nghiệp và cơ quan quản lý tìm kiếm giải pháp xây dựng hệ sinh thái tài sản số bền vững cho Việt Nam.
>> Vietnam Tech Impact Summit 2024: Toàn cảnh tương lai ngành công nghệ và tài chính