Chưa đầy 40 ngày nữa, Việt Nam chính thức có thêm thành phố mới
Thành phố này sẽ được chính thức thành lập vào ngày 1/3/2025.
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn vừa ký ban hành Nghị quyết số 1365/NQ-UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc thành lập các phường thuộc thị xã Phú Mỹ và nâng cấp thị xã Phú Mỹ thành thành phố trực thuộc tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Nghị quyết sẽ chính thức có hiệu lực từ ngày 1/3/2025.
Theo đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết nghị thành lập các phường thuộc thị xã Phú Mỹ gồm:
Thành lập phường Tân Hòa trên cơ sở toàn bộ diện tích tự nhiên là 29,46km2 và quy mô dân số là 16.457 người của xã Tân Hòa. Phường Tân Hòa giáp phường Phước Hòa, phường Tân Hải, xã Châu Pha, xã Tóc Tiên và thành phố Vũng Tàu.
Thành lập phường Tân Hải trên cơ sở toàn bộ diện tích tự nhiên là 22,11km2 và quy mô dân số là 19.301 người của xã Tân Hải. Phường Tân Hải giáp phường Tân Hòa, xã Châu Pha, thành phố Bà Rịa và thành phố Vũng Tàu.
Thành phố Phú Mỹ được thành lập dựa trên toàn bộ diện tích tự nhiên 333,02km2 và dân số 287.055 người của thị xã Phú Mỹ. Thành phố này giáp với thành phố Bà Rịa, thành phố Vũng Tàu, huyện Châu Đức; TP. HCM và tỉnh Đồng Nai.
Sau khi nâng cấp, thành phố Phú Mỹ sẽ bao gồm 10 đơn vị hành chính cấp xã, trong đó có 7 phường (Hắc Dịch, Mỹ Xuân, Phú Mỹ, Phước Hòa, Tân Hải, Tân Hòa, Tân Phước) và 3 xã (Châu Pha, Sông Xoài, Tóc Tiên). Tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu có 7 đơn vị hành chính cấp huyện, gồm 4 huyện và 3 thành phố; 77 đơn vị hành chính cấp xã, gồm 40 xã, 30 phường và 7 thị trấn.
Phú Mỹ được công nhận là thị xã từ tháng 4/2018, nằm ở phía Tây tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Nơi đây sở hữu cảng nước sâu Cái Mép - Thị Vải, một trong những cảng quốc tế quan trọng, có khả năng tiếp nhận siêu tàu du lịch lớn. Với vị trí địa lý thuận lợi và hệ thống giao thông kết nối với các vùng du lịch phía Nam, Phú Mỹ đã và đang trở thành điểm đến hấp dẫn cho đầu tư kinh tế và phát triển du lịch.
Ngoài tiềm năng kinh tế, Phú Mỹ còn thu hút du khách bởi những cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ, hệ thống đền, chùa linh thiêng cùng các bãi biển thơ mộng.
Núi Dinh
Trên đỉnh có suối Tiên, suối Đá với 5 hồ nước có thể tắm. Bên cạnh đó là căn cứ Núi Dinh - cơ sở cách mạng cho các đơn vị trực thuộc chiến trường Đông Nam Bộ.
Đỉnh núi còn có những ngôi chùa đẹp ẩn giữa những triền đá, nổi bật là chùa Hang, chùa Đại Tùng Lâm, chùa Tây Phương... Quanh núi có khoảng 100 ngôi chùa, nổi tiếng nhất phải kể đến chùa Phật Quang, hang Tổ, hang Dây Bí, hang Mai, Bưng Lùng, chùa Diệu Linh, hang Dơi...
Núi Thị Vải
Đi từ Quốc lộ 51 đến thị trấn Phú Mỹ, bạn muốn đến núi Thị Vải thì rẽ trái khoảng 3km để chạy theo đường mòn đến chân núi. Bạn có thể gửi xe ở nhà dân dưới chân núi và bắt đầu hành trình đi bộ lên núi.
Lối đi lên núi là các bậc thang bằng đá hoa cương, dẫn đến ba ngôi chùa nổi tiếng: chùa Linh Sơn Liên Trì (chùa Hạ), chùa Linh Sơn Hồng Phúc (chùa Trung) và Linh Sơn Bửu Thiền (chùa Thượng).
Chùa Bánh Xèo
Chùa Bánh Xèo hay còn gọi là ni viện Thiện Hòa, là một điểm đến đặc biệt tại thị trấn Phú Mỹ. Ni viện, ban đầu chỉ là một am nhỏ được xây dựng vào năm 1989, đã được mở rộng và phát triển thành nơi tu hành của các ni cô.
Ni viện nổi tiếng với món bánh xèo chay, một sáng kiến của ni sư trụ trì Thích Nữ Như Như, tạo nên nét đặc trưng riêng thu hút đông đảo khách thập phương. Món ăn độc đáo này đã góp phần đưa tên tuổi của chùa trở nên gần gũi hơn với du khách.
>> Thị xã sở hữu cảng biển sâu nhất Việt Nam, nằm ở tỉnh nhỏ nhất Đông Nam Bộ chuẩn bị lên thành phố