Thị xã sở hữu cảng biển sâu nhất Việt Nam, nằm ở tỉnh nhỏ nhất Đông Nam Bộ chuẩn bị lên thành phố
Trong tương lai, đây sẽ là thành phố cảng đầu tiên của các tỉnh vùng Đông Nam Bộ.
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình vừa ký ban hành Nghị quyết số 257/NQ-CP, thông qua tờ trình và đề án của Chính phủ về việc thành lập các phường thuộc thị xã Phú Mỹ và thành lập TP. Phú Mỹ, thuộc tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.
Theo nội dung Nghị quyết, Chính phủ phân công Bộ trưởng Bộ Nội vụ thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, thay mặt Chính phủ ký tờ trình, đề án của Chính phủ và các văn bản liên quan trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Bộ Nội vụ chịu trách nhiệm toàn diện về các thông tin, số liệu và nội dung thẩm định đề án, bảo đảm chặt chẽ, đúng quy định của pháp luật.
Cụ thể, phường Tân Hòa được thành lập trên cơ sở toàn bộ 29,46km2 diện tích tự nhiên và quy mô dân số 16.457 người của xã Tân Hòa, phường Tân Hải được thành lập trên cơ sở toàn bộ 22,11km2 diện tích tự nhiên và quy mô dân số 19.301 người.
Việc thành lập TP. Phú Mỹ trên cơ sở nguyên trạng diện tích tự nhiên 333,02km2, quy mô dân số 287.055 người và 10 đơn vị hành chính cấp xã (gồm 7 phường là Mỹ Xuân, Phú Mỹ, Tân Phước, Phước Hòa, Tân Hòa, Tân Hải, Hắc Dịch và 3 xã Châu Pha, Tóc Tiên, Sông Xoài) của thị xã Phú Mỹ.
Phú Mỹ được công nhận là thị xã từ tháng 4/2018, nằm ở phía Tây tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Thị xã sở hữu vị trí chiến lược đặc biệt, nằm dọc theo Quốc lộ 51, cách trung tâm TP. HCM hơn 50km, cách TP. Bà Rịa 10km và TP. Vũng Tàu 20km. Đây là đầu mối giao thông và giao thương quan trọng của tỉnh với vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và quốc tế, nhờ hệ thống giao thông phát triển hiện đại bậc nhất bao gồm cả đường bộ và đường thủy.
Như vậy, sau khi thị xã này lên thành phố, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu sẽ có thành phố thứ 3, sau TP. Bà Rịa và TP. Vũng Tàu.
Những dự án “nghìn tỷ” nâng tầm TP. Phú Mỹ tương lai
Phú Mỹ hiện đang là điểm đến của hàng loạt dự án và công trình trọng điểm. Trong tương lai, Phú Mỹ sẽ là thành phố cảng đầu tiên của các tỉnh Đông Nam Bộ, đóng vai trò trung tâm trong phát triển kinh tế và giao thương quốc tế.
Cảng nước sâu Cái Mép - Thị Vải tầm cỡ thế giới
Tháng 6/2024, cụm cảng nước sâu Cái Mép - Thị Vải được Ngân hàng Thế giới (World Bank) và S&P Global Market Intelligence xếp hạng thứ 7 thế giới theo chỉ số CPPI (Chỉ số hoạt động cảng container). Đây là bước tiến vượt bậc, nâng thứ hạng cảng từ vị trí thứ 12 vào năm 2023, vượt qua nhiều cảng nổi tiếng như Yokohama, Nhật Bản (thứ 9), Hồng Kông (thứ 15) và Singapore (đứng 17).
Nằm ở thị xã Phú Mỹ, cảng Cái Mép - Thị Vải có quy mô 934,4ha, với quỹ đất dự trữ 201ha, chiều rộng bến cảng 600m và độ sâu mặt nước từ 14-16m. Các cảng tại đây có khả năng tiếp nhận tàu trọng tải lên đến 200.000 tấn, đồng thời nằm trong nhóm cảng có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất thế giới. Hằng năm, cụm cảng đóng góp hơn 20.000 tỷ đồng thuế xuất nhập khẩu.
Trung tâm logistics Cái Mép Hạ
Để phát triển thành cảng trung chuyển quốc tế, dự án Trung tâm Logistics Cái Mép Hạ đã được triển khai với tổng mức đầu tư 6,7 tỷ USD và diện tích hơn 2.200ha. Trung tâm này tọa lạc tại phường Phước Hòa, thị xã Phú Mỹ, bao gồm hai phân khu chính là trung tâm logistics và bến cảng Cái Mép Hạ hạ lưu.
Khi hoàn thiện, trung tâm này sẽ đóng vai trò tối ưu hóa chi phí vận chuyển, lưu trữ, sơ chế và phân phối hàng hóa xuất nhập khẩu. Ngoài ra, trung tâm còn hỗ trợ kết nối với các hệ thống giao thông như đường bộ, đường sắt, đường biển và hàng không, phục vụ các khu công nghiệp và cảng biển khu vực Đông Nam Bộ.
Nhà máy bia Heineken ở thị xã Phú Mỹ
Tháng 9/2022, Heineken Việt Nam đã khánh thành nhà máy sản xuất bia lớn nhất Đông Nam Á tại Khu công nghiệp Mỹ Xuân A, thị xã Phú Mỹ. Nhà máy bia này do Tập đoàn Heineken làm chủ đầu tư, với tổng số vốn gần 390 triệu đô la Mỹ.
Đáng chú ý, đây là nhà máy bia có công suất lớn nhất Đông Nam Á với 1,1 tỉ lít/năm, thuộc top 5 các nhà máy của Heineken trên toàn thế giới. Điểm đặc biệt của nhà máy bia này là được vận hành với mức độ tự động hóa cao, công nghệ thân thiện với môi trường. Và được coi là một trong những nhà máy bia xanh và bền vững nhất trong khu vực.
Cầu Phước An
Chính thức khởi công vào tháng 6/2023, cầu Phước An bắc qua sông Thị Vải, nối thị xã Phú Mỹ (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) với huyện Nhơn Trạch (tỉnh Đồng Nai) có tổng mức đầu tư gần 4.900 tỷ đồng.
Dự án có tổng chiều dài hơn 4,3km, trong đó phần cầu dài 3,5km, đường dẫn trên tuyến 247m, đường dẫn kết nối với đường xuống cảng Phước An dài khoảng 617m và hoàn chỉnh phạm vi nút giao với đường vào cảng. Nguồn vốn đầu tư từ ngân sách tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu và Trung ương, thời gian thực hiện từ năm 2022 đến hết năm 2027.
Sau khi đưa vào hoạt động, cầu Phước An sẽ rút ngắn hành trình vận chuyển hàng hóa từ cụm cảng Cái Mép - Thị Vải đến cao tốc Bến Lức – Long Thành, đồng thời giảm tải áp lực giao thông trên Quốc lộ 5.
Đường Long Sơn - Cái Mép
Dự án đường Long Sơn - Cái Mép có điểm đầu nối tiếp đường vào Khu công nghiệp dầu khí Long Sơn, TP. Vũng Tàu; điểm cuối giao với đường 991B, thị xã Phú Mỹ. Chiều dài toàn tuyến hơn 3,7km, tổng mức đầu tư là hơn 1.188 tỷ đồng từ nguồn ngân sách tỉnh.
Tuyến đường này sẽ kết nối 2 khu vực đầy tiềm năng là Khu công nghiệp dầu khí Long Sơn và Cái Mép thông qua cây cầu dài hơn 400m nối qua sông Rạng. Ngoài ra, đường sẽ rút ngắn khoảng cách từ hạ lưu cảng Cái Mép đến Quốc lộ 51 từ 25km còn khoảng 8km. Thời gian thực hiện dự án từ năm 2020 và hoàn thành năm 2025.
Đường 991B
Dự án đường 991B là trục vận tải quan trọng đối với cụm cảng Cái Mép - Thị Vải bên cạnh tuyến Phước Hòa - Cái Mép. Dự án nhằm xây dựng hoàn chỉnh, đồng bộ tuyến đường giao thông 991B từ Quốc lộ 51 đến hạ lưu cảng Cái Mép để vận chuyển hàng hóa cho cụm cảng biển cửa ngõ quốc tế Cái Mép - Thị Vải, trung tâm dịch vụ logistics thuộc thị xã Phú Mỹ, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.
Đông Nam Bộ gồm 6 tỉnh, thành là TP. HCM, Bình Phước, Tây Ninh, Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu với tổng diện tích hơn 23.500km2. Trong đó, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu nhỏ nhất với diện tích hơn 1.980km2.
Bà Rịa - Vũng Tàu nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, ở vị trí cửa ngõ ra Biển Đông của các tỉnh trong khu vực miền Đông Nam Bộ. Năm 2024, đây là 1 trong 8 tỉnh được quy hoạch trở thành thành phố trực thuộc Trung ương.