Chưa thể nói tốt về tăng trưởng kinh tế năm 2022

10-05-2022 12:59|Bảo Bảo

Tổng Cục Thống kê nhấn mạnh, xung đột quân sự giữa Nga và Ukraine chưa có dấu hiệu hạ nhiệt đã tạo ra những thách thức, rủi ro cho kinh tế thế giới và ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng toàn cầu.

Phân tích về kết quả kinh tế 4 tháng vừa qua, Tổng Cục Thống kê nhận định tháng 4 và 4 tháng đầu năm 2022 kinh tế tiếp tục khởi sắc trên nhiều lĩnh vực. Việc triển khai các chính sách của Nghị quyết số 11/2022 về Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội và chính sách mở cửa du lịch từ 15/3 đã tác động rõ nét đến hoạt động kinh tế - xã hội cả nước.

Trong tháng 4/2022, nhiều hoạt động có mức tăng trưởng cao hơn so với thời điểm trước khi dịch COVID-19 xuất hiện như công nghiệp chế biến, chế tạo; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng; xuất khẩu hàng hóa…

Dịch COVID-19 về cơ bản đã được kiểm soát, số ca mắc mới giảm dần ở các địa phương trên cả nước, doanh nghiệp chủ động hơn về lao động và kế hoạch sản xuất kinh doanh, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp 4 tháng tăng 7,5% so với cùng kỳ năm trước. Hoạt động xuất, nhập khẩu hàng hóa tiếp tục duy trì mức tăng cao, với tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa tháng 4 ước đạt 65,45 tỷ USD, tăng hơn 20% so với cùng kỳ năm trước.

Ngoài ra, doanh nghiệp đăng ký thành lập mới lần đầu tiên trong lịch sử chạm mốc 15.000. Nếu tính cả số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động thì số doanh nghiệp tham gia thị trường trong tháng 4 gấp hơn 2 lần so với doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường cho thấy sự tin tưởng và mong đợi của cộng đồng doanh nghiệp đối với việc triển khai các chính sách về phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

Mới đây, trang Bloomberg và Vietjo đều đưa tin "Việt Nam ghi nhận ngày đầu tiên không ca tử vong do COVID-19" hay "Việt Nam tạm dừng khai báo y tế nội địa" là bài viết vừa đăng tải trên trang Nationthailand. Bài viết nhận định việc tạm thời bãi bỏ yêu cầu này là động thái mới nhất trong nỗ lực chung sống với COVID-19. Có được kết quả trên là do Việt Nam đã chủ động chiến dịch tiêm chủng vaccine.

Ông Torben Minko, Hiệp hội Doanh nghiệp Đức GBA tại Việt Nam cho hay: "TP HCM, Hà Nội đã đạt tỷ lệ tiêm chủng cao, thậm chí cao hơn các nước phương Tây. Việt Nam cũng đã đạt được những kết quả tốt trong việc công nhận lẫn nhau hộ chiếu vaccine với một số thị trường lớn. Đây là một bước đi tích cực cho sự trở lại của các doanh nghiệp, nhà đầu tư và chuyên gia nước ngoài".

Kiểm soát dịch COVID-19 đã giúp Việt Nam thực hiện được quyết tâm tạo ra một môi trường đầu tư tốt hơn cho các nhà đầu tư nước ngoài. 4 tháng đầu năm, Việt Nam chứng kiến nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện cao kỷ lục ước đạt 5,92 tỷ USD - tăng 7,6% so với cùng kỳ năm trước và là giá trị cao nhất của 4 tháng kể từ năm 2018 cho đến nay.

"Tôi coi thực tế FDI đang quay trở lại là một dấu hiệu rất tích cực của nền kinh tế Việt Nam, cũng như việc Việt Nam đã xử lý tốt đại dịch COVID-19. Việt Nam có chính sách ổn định, lạm phát được kiểm soát ở mức dưới 4%, dự trữ ngoại hối tăng đáng kể với khoảng 100 tỷ USD, có khả năng cạnh tranh về chi phí đáng kể so với các quốc gia khác, ông Tim Evans - Tổng Giám đốc HSBC Việt Nam cho hay.

Ông Michele D’ercole - Chủ tịch Phòng Thương mại Italy tại Việt Nam nhận định: "Sự hiện diện của FDI trong nền kinh tế là rất quan trọng, trải dài trên khắp các lĩnh vực của nền kinh tế và phủ rộng khắp các tỉnh thành từ Bắc vào Nam".

Phục hồi nhanh sau COVID-19 cũng đã giúp Việt Nam tiếp tục khẳng định vị thế là một mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Với tiêu đề "Nhiều nhà cung ứng chọn Đông Nam Á để tìm kiếm các giải pháp thay thế sản xuất", bài viết trên Chuyên trang SupplyChainDive khẳng định, Việt Nam là một trong những ưu tiên của các nhà sản xuất nhằm đa dạng chuỗi cung ứng, qua đó vượt qua những khó khăn về giá cả và thời gian vận chuyển gần đây.

"Theo những điều tra khảo sát của Jetro, Việt Nam đứng thứ 2 trong số các nước mà doanh nghiệp Nhật Bản muốn mở rộng đầu tư, Việt Nam chỉ đứng sau Mỹ. Đại dịch COVID-19 cho thấy chúng ta cần phải đa dạng hóa chuỗi cung ứng và Việt Nam là một trong những lựa chọn sáng giá cho việc đa dạng hóa. Tôi tin rằng Việt Nam sẽ tiếp tục tận dụng được lợi thế cạnh tranh của mình", ông Sasaki Nobuhiko - Chủ tịch Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO) cho biết.

Cùng với việc nối lại chuỗi cung ứng trong sản xuất thì việc hàn gắn những đứt gãy trong di chuyển, mở cửa du lịch cũng là yếu tố then chốt để đẩy nhanh tốc độ phục hồi của Việt Nam sau dịch bệnh. Cũng nhờ vậy, "mức độ tự do trong việc di chuyển" là 1 trong 3 yếu tố được trang Nikkei đánh giá cao Việt Nam khi xếp hạng.

Theo các chuyên gia, với những nỗ lực phục hồi hiện nay không chỉ tạo đà tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong những quý tiếp theo của năm 2022 mà còn tạo đà tăng trưởng cho cả giai đoạn từ nay đến năm 2025.

Nhiều yếu tố thách thức tăng trưởng kinh tế 2022

Tổng Cục Thống kê cho rằng, xung đột quân sự giữa Nga và Ukraine chưa có dấu hiệu hạ nhiệt đã tạo ra những thách thức, rủi ro cho kinh tế thế giới và ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng toàn cầu.

Đồng tình, chuyên gia kinh tế Tô Trung Thành (Đại học Kinh tế Quốc dân) cũng cho rằng, năm 2022, tăng trưởng kinh tế Việt Nam cũng đứng trước nhiều thách thức lớn.

Trước tiên, dịch COVID-19 với chủng mới Delta có tốc độ lây nhiễm mạnh, bất ổn chính trị thế giới leo thang cùng giá dầu tăng mạnh có thể khiến con đường hồi phục toàn cầu và của các nước bạn hàng lớn của Việt Nam như Mỹ, EU, Trung Quốc bị đe dọa, theo đó ảnh hưởng đến thương mại và đầu tư tại Việt Nam.

Tiếp nữa, việc Chính phủ và Ngân hàng Trung ương của các quốc gia, đặc biệt là Mỹ, có động thái thắt chặt tiền tệ, do lo ngại lạm phát, tác động đến kinh tế, tài chính thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng. Theo đó, dư địa các chính sách tài khóa và tiền tệ để hỗ trợ hồi phục kinh tế của Việt Nam sẽ bị thu hẹp hơn.

Thêm nữa, những rủi ro bất ổn vẫn còn hiện hữu như tăng trưởng “nóng” trên thị trường bất động sản và chứng khoán; dòng vốn tín dụng chưa đi vào khu vực sản xuất và đổ vào thị trường tài sản gây rủi ro tài chính; hệ thống ngân hàng còn nhiều chỉ tiêu chưa lành mạnh như chất lượng tín dụng giảm và nợ xấu gia tăng; sức ép lạm phát gia tăng... Những rủi ro này có thể tác động ngược trở lại đến khu vực kinh tế thực, ảnh hưởng đến tốc độ và chất lượng tăng trưởng.

Chuyên gia Thành cũng nhận định, kinh tế năm nay có khả năng cao đạt được mục tiêu tăng 6,5% nhưng mục tiêu kiểm soát lạm phát dưới 4% của Chính phủ thì rất thách thức. Xu hướng tăng giá hàng hóa cơ bản và giá xăng dầu,... cộng thêm chiến tranh Nga - Ukraine leo thang đã khiến giá năng lượng tăng cao kỷ lục, ảnh hưởng lớn đến chi phí sản xuất trong nước, gây sức ép lớn đến lạm phát năm 2022.

Bên cạnh đó, lạm phát toàn cầu đang gia tăng cũng ảnh hưởng đến áp lực lạm phát trong nước. Không những thế, tỷ lệ cung tiền M2/GDP và tín dụng/GDP của Việt Nam đang ở mức rất cao so với các nước trong khu vực, trong khi tăng trưởng kinh tế đang dưới sâu so với mức sản lượng tiềm năng, làm gia tăng rủi ro lạm phát.

Diễn biến giá dầu tăng cao những tháng đầu năm nay đặt ra thêm những thách thức lớn đối với nền kinh tế. Tính đến ngày 11/3 vừa qua, trung bình giá xăng dầu đã tăng hơn 45% so năm năm 2021, và nếu theo dự thảo giảm mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu, giá xăng dầu cũng đã tăng 41%. Sử dụng bảng cân đối liên ngành I/O, nếu giá xăng dầu tăng hơn 45%, ảnh hưởng trực tiếp tức thời đến chỉ số giá tiêu dùng (CPI) và làm chỉ số này tăng 0,6%, chỉ số giá sản xuất (PPI) tăng khoảng 2,34%, và ở chu kỳ sản xuất tiếp theo, GDP có thể giảm khoảng 8%.

'Khủng hoảng' bia Tết: Giảm giá sớm nhưng vẫn khó hút khách

Thị trường tài chính Hàn Quốc sau những bất ổn chính trị

Theo Kinh Tế Chứng Khoán
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/chua-the-noi-tot-ve-tang-truong-kinh-te-nam-2022-125950.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Chưa thể nói tốt về tăng trưởng kinh tế năm 2022
    POWERED BY ONECMS & INTECH