Theo Thủ tướng Chính phủ, dự án sau khi hoàn thành sẽ đem lại ý nghĩa to lớn cho TP Cần Thơ nói riêng và Đồng bằng sông Cửu Long nói chung.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính mới đây đã dự khởi công dự án Đường vành đai phía Tây TP Cần Thơ (nối quốc lộ 91 và quốc lộ 61C).
Theo đó, dự án sau khi hoàn thành sẽ tạo nên trục vành đai ngoài rất quan trọng, kết nối các trục giao thông quan trọng của vùng Đồng bằng sông Cửu Long như Quốc lộ 91, Quốc lộ 61C và Quốc lộ 1A với hệ thống giao thông đô thị của thành phố.
Thủ tướng cho biết, việc xây dựng dự án sẽ mở ra không gian phát triển mới cho TP Cần Thơ. Dự án còn có ý nghĩa lớn về sự kết hợp giữa Trung ương và địa phương (nguồn vốn từ Trung ương là 2.000 tỷ đồng, địa phương là 1.800 tỷ đồng), về sự phân cấp phân quyền (phân cấp cho UBND TP. Cần Thơ là cơ quan chủ quản đầu tư, UBND thành phố lại phân cho cho Sở GTVT quản lý dự án).
Ngoài ra, trong nhiệm kỳ của mình Thủ tướng đã huy động cho đầu tư cho giao thông, hạ tầng chiến lược trên cả nước khoảng 470.000 tỷ đồng, và tỉ trọng nguồn vốn dành cho Đồng bằng sông Cửu Long cũng cao nhất từ trước đến nay.
Được biết, trong giai đoạn 2021-2025, kế hoạch vốn ngân sách trung ương đầu tư cho hạ tầng giao thông vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) lên đến 86.000 tỷ đồng, chiếm khoảng 14% so với cả nước, tăng gấp 2,6 lần so với giai đoạn 5 năm trước.
Trong khi trong nhiệm kỳ 2016-2020, nguồn vốn đầu tư hạ tầng giao thông vùng này chưa đến 33.000 tỷ đồng, chiếm 14% so với cả nước. Trong nhiệm kỳ trước đó (2011-2015), kế hoạch vốn trung ương đầu tư hạ tầng giao thông vùng này cũng chỉ hơn 43.500 tỷ đồng, chiếm 17% so với cả nước.
Như vậy, giai đoạn 2021-2030 là thời kỳ mà khu vực ĐBSCL được trung ương tập trung nguồn lực đầu tư cho hạ tầng giao thông với nguồn vốn đầu tư tăng cao nhất từ trước đến nay.
Hoạt động tích cực, hiệu quả của Thủ tướng khắc họa rõ nét hình ảnh Việt Nam năng động, cởi mở
Thủ tướng: Cộng hòa Dominica là 'cửa ngõ' để hàng hoá Việt Nam vào khu vực Caribe