Ngày 2/6/2022, ông Trần Thiện Cảnh - Phó Cục trưởng Đường sắt Việt Nam cho biết, cơ quan này đã lên kế hoạch kiểm định tổng thể cầu Long Biên trong 2-3 tháng tới trước khi sửa chữa toàn diện.
Cầu Long Biên là công trình đã 120 tuổi, hiện đã hư hỏng nhiều hạng mục.
Tháng 5 vừa qua, mặt cầu hai lần bị thủng, gây mất an toàn giao thông. Nguyên nhân hư hỏng lần này theo Cục Đường sắt Việt Nam đánh giá là do kết cấu của đường bộ hành và đường cho xe thô sơ đã cũ, chắp vá, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông. Trong khi đó có nhiều xe đạp thồ, xe máy thồ, xe ba gác lưu thông qua cầu. Người dân đi xe máy trên đường bộ hành hai bên cũng gây mất an toàn cho cầu.
Hai đầu cầu đã có biển cấm ôtô, cấm xe đạp thồ, xe máy thồ lưu thông từ 5h - 20h và biển cảnh báo cầu yếu, tuy nhiên lượng phương tiện bị cấm lên cầu vẫn đông, nhất là vào giờ cao điểm.
Theo quy định, cứ 5-10 năm, cầu Long Biên phải được kiểm định lại. Lần gần nhất cầu được kiểm định vào năm 2012.
Giai đoạn 1995 - 2010, cầu Long Biên đã được gia cố sửa chữa với tổng mức đầu tư 116 tỷ đồng.
Năm 2015, cầu Long Biên được sửa chữa tổng thể với tổng đầu tư gần 300 tỷ đồng, mục tiêu khai thác an toàn đến năm 2020 khi dự án đường sắt đô thị số 1 Yên Viên - Ngọc Hồi được triển khai, thay thế cầu Long Biên. Tuy nhiên, dự án đường sắt đô thị số 1 đã được Bộ GTVT bàn giao cho Hà Nội thực hiện, đến nay vẫn chưa được khởi động.
Năm 2021, Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam đã điều chỉnh kinh phí, tập trung cho sửa chữa, gia cố khẩn phần lối đi cho người đi bộ trên cầu Long Biên như thay thế tấm đan, gia cố, sơn lan can. Kinh phí bảo trì cầu Long Biên năm trước là 8,5 tỷ đồng, năm 2022 là hơn 9,7 tỷ đồng bao gồm cả kinh phí bảo dưỡng cầu đường sắt, cầu đường bộ và tuần cầu, bảo vệ cầu.
Hành trình của Đại sứ Pháp: Từ cây thảo dược chân cầu Long Biên đến metro Hà Nội
Dòng sông lớn thứ 12 châu Á ‘cõng’ 9 cây cầu khi chảy qua địa bàn Hà Nội