Sóng cũ chưa qua sóng mới đã ập tới. Những tưởng cơn ác mộng giảm điểm 2 tháng qua sẽ dần nguôi ngoai. Nhưng không!
Sau khi hồi khá mạnh từ vùng đáy 1.18x với chuỗi 3 tuần tăng liên tiếp, VN-Index đã gặp áp lực bán vùng 1.300 - 1.310 điểm trong tuần 6 - 10/6/2022 khiến chỉ số chính thức trở lại đà giảm.
Tệ hại hơn, đang sau những vụ bắt bớ lãnh đạo doanh nghiệp vì thao túng thị trường chứng khoán hay phát hành trái phiếu doanh nghiệp, một áp lực lớn khác và nguy hại hơn đã không ngừng lớn lên và đe dọa đến tình hình tài chính - chứng khoán toàn cầu - LẠM PHÁT.
Theo số liệu của Bộ Lao động Mỹ, CPI (chỉ số giá tiêu dùng) tháng 5 của Mỹ tăng 8,6% so với cùng kỳ năm 2021, mức tăng lớn nhất kể từ tháng 12/1981. Lạm phát ở Mỹ được thúc đẩy bởi giá xăng, hàng hóa và dịch vụ tăng vọt.
Báo cáo của Bộ Lao động Mỹ cho biết giá năng lượng đã tăng 34,6% trong năm qua, tốc độ tăng nhanh nhất kể từ tháng 9/2005, còn giá lương thực tăng 10,1%, lần đầu vượt mức 10% hồi tháng 3/1981.
Với mức lạm phát nêu trên, giới phân tích dự đoán Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ đẩy mạnh hơn nữa các biện pháp tăng lãi suất nhằm giảm thiệt hại cho nền kinh tế. Đây cũng chính là mối lo đối với thị trường tài chính, chứng khoán toàn cầu.
Phản ứng với thông tin tiêu cực này, thị trường chứng khoán Việt Nam khởi phiên 13/6/2022 bằng việc giảm mạnh hơn 20 điểm sau ATO và kết phiên giảm 57,04 điểm (-4,44%) về mốc 1.227,04 điểm; HNX-Index giảm 18,07 điểm (-5,9%) xuống 288,37 điểm; UPCoM-Index giảm 3,19 điểm (-3,4%) xuống 90,53 điểm.
Thị trường phiên này ghi nhận tới 919 cổ phiếu giảm giá (trong đó có tới 236 mã giảm kịch sàn), 71 mã giữ tham chiếu và 112 cổ phiếu tăng giá. Điều này có nghĩa với việc đa số nhà đầu tư tiếp tục hao hụt tài sản trong phiên này - đặc biệt là các mã nằm sàn.
Rộng ra, có đến quá nửa số nhà đầu tư trên thị trường đã không có lãi trong vòng 2 tháng qua. Những nhà đầu tư mạnh tay cắt lỗ có thể ghi nhận mức - 5 - 15% tài khoản. Trong khi đó, những nhà đầu tư quyết "sống chết" với thị trường, với cổ phiếu thậm chí có thể ghi nhận mức - 30 - 50% giá trị tài khoản trong giai đoạn này.
Chứng khoán phiên chiều 13/6: 236 "hảo hán" nằm sàn, thị trường đổ trụ
Lý giải đà giảm phiên hôm nay, ông Trần Đình Khánh - Tổng Giám đốc Công ty Chứng khoán Funan cho rằng, tình hình lạm phạt ở Mỹ tiếp tục cao, đang là yếu tố cơ bản chính tác động tới thị trường. Khả năng trong cuộc họp sắp tới, Fed sẽ tiếp tục ra quyết định tăng lãi suất.
Về mặt kỹ thuật, thị trường đã có đợt hồi 3 tuần liền về vùng 1.300 điểm. Mức hồi đã đủ nên chỉ số rơi vào nhịp điều chỉnh để kiểm định lại đáy cũ.
Với tình hình hiện tại, VN-Index có thể sẽ rớt về đáy cũ 1.150 điểm vào cuối tháng 7, đầu tháng 8 tới để tạo thành một đáy lớn.
Trên diễn đàn chứng khoán, có nhà đầu tư thậm chí đã thông tin việc tài khoản đang ghi nhận mức -50%.
Phản hồi trạng thái này, nhiều nhà đầu tư tỏ ra tiếc nối trong bối cảnh thị trường mất gần 1 tháng để hồi về mốc 1.300 nhưng chỉ cần 1 phiên đã rơi trở lại cận ngưỡng 1.22x.
Trong ngắn hạn, ông Trần Đình Khánh đánh giá thị trường xấu do đó khó có thể hồi phục mạnh. Nhà đầu tư có thể quan tâm tới nhóm ngành hưởng lợi từ cuộc khủng hoảng năng lượng, lương thực như dầu khí, diện, thủy sản, lương thực - thực phẩm,… Bên cạnh đó, nhóm VN30 sẽ là nhóm dẫn sóng khi thị trường đã tạo đáy và hồi phục.
Ngoài ra, nhà đầu tư nên cố gắng bảo toàn tài sản để vượt qua giai đoạn này. Đây là giai đoạn nên thiên về phòng thủ hơn là tấn công.
Mốc 1.230 điểm cản bước VN-Index, khối ngoại mua ròng trở lại
Nhận định chứng khoán 22/11: Nhiều CTCK đồng thuận VN-Index lên 1.240 điểm