Chứng khoán DNSE niêm yết và câu chuyện 4 năm 'đi đường vòng' của một nhóm cổ đông
Năm 2020, Tập đoàn F.I.T (sàn HoSE) từng được tạo điều kiện thâu tóm Chứng khoán Đại Nam (DNSE hiện tại). Tuy nhiên, thương vụ đã đổ bể sau khi một nhóm cổ đông lạ xuất hiện.
Ngày 1/7 tới đây, 330 triệu cổ phiếu DSE của CTCP Chứng khoán DNSE sẽ chính thức niêm yết trên Sàn Chứng khoán TP. HCM (HoSE).
Được thành lập vào năm 2007 với vốn điều lệ 38 tỷ đồng, sau 17 năm cùng 6 lần tăng vốn, quy mô vốn của DNSE (tiền thân là Chứng khoán Đại Nam) đã tăng tới 87 lần tại thời điểm quý I/2024, đạt 3.300 tỷ.
Để có lần đầu hiện diện trên sàn chứng khoán, DNSE đã trải qua gần hai thập kỷ nhiều câu chuyện, đặc biệt kể từ giai đoạn 2020 trở lại đây.
Chứng khoán DNSE vừa trải qua 4 năm tăng trưởng kinh doanh liên tiếp |
Tập đoàn F.I.T đã thâu tóm hụt DNSE như thế nào?
Ngày 7/7/2020, Chứng khoán Đại Nam tổ chức ĐHCĐ bất thường thông qua giao dịch chuyển nhượng cổ phần của nhóm cổ đông lớn với CTCP Công nghệ Tài chính Encapital (Encapital Fintech) và CTCP Encapital Holdings (Encapital Holdings).
Sáu cổ đông (gồm 3 cá nhân và 3 tổ chức - trong đó có Tập đoàn F.I.T) chuyển giao tới 98,23% vốn góp của Chứng khoán Đại Nam cho nhóm Encapital.
Mặt khác, ông Nguyễn Hoàng Giang - cổ đông sáng lập, người đang đảm nhiệm vai trò Tổng Giám đốc tại Encapital Fintech và Encapital Holdings - được bổ nhiệm chức Chủ tịch HĐQT Chứng khoán Đại Nam. Công ty sau đó đổi tên thành Chứng khoán DNSE.
Đáng chú ý, chỉ vài tháng trước ĐHCĐ bất thường năm 2020, DNSE từng "dọn đường" cho CTCP Tập đoàn F.I.T (Mã FIT - HoSE) để thâu tóm tới 80% sổ cổ phần của công ty thông qua việc mua cổ phiếu phát hành thêm hoặc mua thêm cổ phần của các cổ đông hiện hữu. Trước khi việc thâu tóm được thực hiện, FIT đang nắm trực tiếp 24,89% vốn DNSE.
Tuy nhiên, kế hoạch đã diễn ra bất thành sau khi nhóm Encapital xuất hiện.
Tại bản cáo bạch gửi HoSE mới đây, DNSE thể hiện ba cổ đông lớn trong đó Encapital Fintech là công ty mẹ nắm 51% vốn, tương đương 168,3 triệu cổ phiếu; Encapital Holdings nắm 10% vốn, tương đương 33 triệu cổ phiếu; quỹ ngoại Pyn Elite Fund nắm 10,9% vốn, tương đương 36 triệu cổ phiếu.
Một vạn câu hỏi vì sao?
Đằng sau hành trình hóa "Thánh Gióng" của Chứng khoán DNSE, có không ít câu hỏi đã được đặt ra và cần "cắt nghĩa" cụ thể.
Trước tiên, nhóm Encapital quy mô như thế nào? Encapital Fintech (công ty mẹ của DNSE) được thành lập tháng 8/2018 với quy mô vốn chỉ 10 tỷ đồng (vốn điều lệ hiện tại là gần 1.924 tỷ đồng).
Thời điểm thành lập, ông Nguyễn Hoàng Giang (hiện là Chủ tịch HĐQT DNSE) và Công ty TNHH Capella Group mỗi bên cùng góp 4 tỷ đồng qua đó sở hữu tổng cộng 80% vốn góp. 5 pháp nhân (cá nhân) khác góp 20% vốn còn lại.
Ông Nguyễn Hoàng Giang là ai? Ông Giang (sinh năm 1986) là một nhân vật có nhiều năm kinh nghiệm trong lĩnh vực chứng khoán, từng đảm nhận vai trò Tổng Giám đốc, thành viên HĐQT tại CTCP Chứng khoán VNDirect (Mã VND - HoSE).
Là cổ đông sáng lập Encapital, Capella Group trở thành một dấu hỏi cần được "cắt nghĩa". Được biết, doanh nghiệp ra đời từ tháng 7/2015, quy mô vốn điều lệ 1.000 tỷ đồng, ban đầu do ông Phương Hữu Việt (sinh năm 1964) sở hữu 100% vốn.
Sau nhiều lần thay đổi cơ cấu sở hữu, tại thời điểm Chứng khoán DNSE về tay nhóm Encapital, 98% vốn Capella Group được đứng tên ông Nguyễn Văn Trọng.
Đến đây, câu hỏi phát sinh thêm là ông Nguyễn Văn Trọng là ai? Theo tìm hiểu, vị lãnh đạo sinh năm 1970 tại tỉnh Bắc Ninh này là người vừa được tái bổ nhiệm vai trò Quyền Tổng Giám đốc Ngân hàng Việt Á - VietABank (Mã VAB - UPCoM) ngày 25/6/2024.
Việc ông Trọng đứng tên sở hữu vốn Capella Group được cho là mang tính chất "ẩn mình" bởi cá nhân này được ví như "cánh tay phải" của ông Phương Hữu Việt.
Vậy ông Phương Hữu Việt là ai? Ông Việt là doanh nhân có tiếng tại tỉnh Bắc Ninh - người từng đảm nhiệm vai trò Chủ tịch HĐQT VietABank giai đoạn 2011-2021. Trước khi đến với VietABank, ông Phương Hữu Việt từng đảm nhiệm nhiều chức vụ khác nhau tại các cơ quan Nhà nước, đoàn thể.
Một "sân chơi" khác của vị doanh nhân là Tập đoàn Đầu tư Việt Phương (Việt Phương Group) - nơi ông Việt giữ vai trò người sáng lập và là chủ sở hữu. Doanh nghiệp tư nhân này hoạt động đa ngành trong các lĩnh vực tài chính, bất động sản, năng lượng, khoáng sản, dược phẩm...
Dưới "triều đại" của ông Phương Hữu Việt, một hệ sinh thái dần được hoàn thiện sau những "chiếc deal".
Sau hàng loạt màn "định danh" và "cắt nghĩa", câu hỏi khác tiếp tục xuất hiện đó là bí ẩn mang tên Việt Phương Group. Được biết, đây hiện là một trong ba cổ đông lớn tại VietABank bên cạnh CTCP Rạng Đông (nắm 10,5% vốn) và cựu Chủ tịch Phương Hữu Việt (nắm 5,09% vốn). Trong khi đó, số cổ phiếu VAB đang được Việt Phương Group nắm giữ chiếm tỷ lệ 12,21% vốn VAB.
Việt Phương Group là "doanh nghiệp hạt nhân" song cũng là một phần trong đế chế nhiều "Group" của ông Phương Hữu Việt bên cạnh Capella Group, Infinity Group hay LEC Group (hoạt động trong lĩnh vực bất động sản, logistics...).
Giai đoạn 2016-2019 (tức 4 năm trước khi nhóm Encapital nắm quyền chi phối Chứng khoán DNSE), tình hình kinh doanh của Việt Phương Group chủ yếu là các con số "tượng trưng". Ngoại trừ năm 2019 đạt doanh thu 473 tỷ đồng, các năm còn lại, doanh thu và lợi nhuận thuần hoạt động kinh doanh chỉ vài tỷ đến dưới 17 tỷ đồng.
Đvt: Tỷ đồng |
"Đường đi" của dòng tiền ở DNSE
Quay trở lại với Encapital, tháng 7/2021, doanh nghiệp này đã huy động thành công thêm 24 triệu USD và ngay lập tức trở nên bí ẩn khi không hé lộ bất cứ thông tin về nhà đầu tư.
Điều thú vị là khoản đầu tư này được công bố vào ngày 2/7 - chỉ một ngày sau khi Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) chấp thuận cho VietABank được giao dịch trên sàn UPCoM ngày 20/7 cùng năm.
Đáng chú ý trong năm này, Chứng khoán DNSE ghi nhận dấu ấn lớn khác (sau đổi tên) khi tăng vốn điều lệ từ 160 tỷ đồng lên 1.000 tỷ đồng trước khi tiếp tục tăng lên mức 3.000 tỷ trong năm 2022.
DNSE tăng vốn điều lệ năm 2021 sau 6 năm giữ gần như nguyên trạng quy mô |
Từ những "phác họa" trên, có thể ít nhiều thấy mối liên hệ tương đối mật thiết giữa các pháp nhân từ nhóm Encapital, Capella Group, Việt Phương Group, VietABank... đến ông Phương Hữu Việt, Nguyễn Văn Trọng, Nguyễn Hoàng Giang...
Đằng sau lộ trình lên sàn, mở rộng và "phình to" về quy mô của Chứng khoán DNSE, dấu ấn (?) của VietABank phần nào hiện ra rõ nét. Điều này có thể giúp doanh nhân Phương Hữu Việt hoàn thiện hệ sinh thái của mình.
Đầu tháng 7 tới, DNSE sẽ chính thức đánh cồng, niêm yết cổ phiếu trên HoSE cùng tham vọng trong 5 năm tới vốn hóa đạt 72.000 tỷ đồng.
Tương tự, VietABank tại ĐHCĐ thường niên vừa qua cũng bàn kế hoạch đưa cổ phiếu lên sàn niêm yết thay vì giao dịch tại UPCoM. Từ đầu năm 2024 đến nay, cổ phiếu VAB đã tăng tới 50% cùng thanh khoản sôi động trở lại. Mã đóng cửa phiên 27/6 tại mức 10.000 đồng/cp - cao nhất 22 tháng.
Chứng khoán DNSE được chấp thuận niêm yết sàn HoSE
VietABank (VAB): 'Phải thu bên ngoài' 3.800 tỷ đồng nhìn từ việc chuyển nhượng bất động sản gán nợ