Thị trường chứng khoán Mỹ ngày 10/6/2022 giảm sâu sau khi báo cáo chỉ số giá tiêu dùng cho thấy tỷ lệ lạm phát tháng 5 bật tăng lên mức cao nhất kể từ 1981.
Kết phiên, Dow Jones Industrial Average giảm 880 điểm xuống 31,329,79 điểm; S&P 500 giảm 116,96 điểm xuống 3.900,86 điểm; Nasdaq Composite giảm 414,2 điểm xuống 11.340,02 điểm.
Làn sóng bán tháo lan rộng trên thị trường với gần như toàn bộ cổ phiếu trong nhóm Dow Jones chốt phiên trong sắc đỏ. Tỷ lệ các cổ phiếu giảm điểm/cổ phiếu tăng điểm trên sàn New York là 5:1.
Diễn biến trong phiên giao dịch 10/6 biến tuần vừa qua trở thành tuần giảm điểm mạnh nhất của chứng khoán Mỹ trong tháng 6. Chỉ số Dow Jones giảm 4,58% và có tuần giảm điểm thứ 10 trong 11 tuần gần nhất. Chỉ số S&P 500 và Nasdaq giảm lần lượt 5,05% và 5,6%.
Tuần vừa qua cũng là tuần giảm điểm mạnh nhất của hai chỉ số trên từ tháng 1/2022 và là tuần giảm điểm thứ 9 trong 10 tuần giao dịch gần đây.
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 5 tại Mỹ tăng nhanh nhất kể từ năm 1981, làm gia tăng áp lực giảm điểm lên thị trường chứng khoán. Báo cáo cho thấy, giá cả hàng hóa tăng trung bình 8,6% so với cùng kỳ năm 2021, và 6% nếu loại trừ chi phí năng lượng và thực phẩm. Các chuyên gia kinh tế tham gia khảo sát của Dow Jones dự báo mức tăng chỉ là 8,3% đối với lạm phát toàn phần và 5,9% đối với lạm phát cơ bản.
Dữ liệu lạm phát mới được công bố làm dấy lên lo ngại “cơn bão” suy thoái đang ập tới nền kinh tế số 1 thế giới không chỉ từ phía nhà đầu tư mà còn từ đông đảo người dân quốc gia này.
Thị trường đang thiên về khả năng Cục Dự trữ liên bang Mỹ tăng mạnh lãi suất nhằm kiểm soát đà tăng giá. Lợi suất trái phiếu chính phủ kỳ hạn 2 năm, được đánh giá nhạy cảm nhất với các đợt tăng lãi suất của Fed, vượt mốc 3% trong ngày hôm qua, cao nhất kể từ năm 2008.
VnIndex vẫn ngược đường chứng khoán thế giới: Phiên "sập" là cơ hội để mua vào?
Chứng khoán châu Á phiên sáng 26/5: Thị trường Trung Quốc giảm điểm