Chuỗi cung ứng toàn cầu đứng trước 'đòn kép’ thuế quan - đình công
Các nhà vận chuyển Mỹ đang đối mặt với nhiều bất ổn trong năm 2025 khi phải đối phó với khả năng áp dụng thuế quan mới từ chính quyền Trump và nguy cơ đình công tại các cảng vào giữa tháng 1.
Trong bối cảnh tiêu dùng vẫn duy trì mạnh mẽ nhưng tiềm ẩn rủi ro vĩ mô, các giám đốc chuỗi cung ứng và logistics đang nỗ lực dự đoán các sự cố có thể xảy ra trong chuỗi cung ứng toàn cầu và xác định lượng hàng tồn kho cần thiết, đặc biệt khi kỳ nghỉ Tết Nguyên Đán đến sớm - thời điểm hoạt động sản xuất tại châu Á có thể ngưng trệ trong cả tháng.
Trong một thông báo gửi khách hàng, Honour Lane Shipping cho biết họ không kỳ vọng sẽ có sự gia tăng khối lượng hàng hóa vào tháng 11, do chu kỳ sản xuất cần 2-3 tuần để điều chỉnh, nhưng "đặt hàng trước" có thể bắt đầu vào đầu tháng 12. Tuy nhiên, nếu việc áp thuế mới bị hoãn, thời điểm đặt hàng có thể dời sang nửa đầu năm 2025.
C.H. Robinson cũng dự đoán thuế quan mới có thể có hiệu lực vào cuối tháng 2 hoặc đầu tháng 3, và khuyến nghị các nhà vận chuyển chuẩn bị kéo dài thời gian tồn kho từ châu Á do tình hình lao động cảng bất ổn và khả năng tăng thuế trong quý 1.
Một thách thức khác là việc lựa chọn tuyến đường vận chuyển khi Liên minh lao động Cảng (ILA) có thể đình công từ New England đến Texas vào giữa tháng 1. Với thời gian vận chuyển từ Trung Quốc đến các cảng bờ Đông và Vịnh kéo dài 40-55 ngày, và hạn chót đàm phán giữa USMX và ILA là 15/1, tình hình càng trở nên căng thẳng sau khi ILA rút khỏi đàm phán vì bất đồng về vấn đề tự động hóa.
CEO Everstream Analytics Corey Rhodes, người có kinh nghiệm điều hành sản xuất công nghệ cao và làm việc với các khách hàng lớn như Whirlpool, AB InBev và Danone, nhận định, “chiến lược của các nhà vận chuyển sẽ khác nhau tùy theo nhu cầu quản lý hàng tồn kho”.
Trong khi đó, Mike Short, Chủ tịch C.H. Robinson, cho biết dù nhận được nhiều yêu cầu đặt hàng trước, việc này có thể khó thực hiện nếu nhà cung cấp không tăng tốc được sản xuất. "Các doanh nghiệp đang cố gắng tìm ra thời điểm cuối cùng để vận chuyển hàng từ châu Á đến Mỹ trước khi thuế quan mới có hiệu lực", ông nói.
Cuộc đình công kéo dài 3 ngày của ILA vào tháng 10 đã gây ra tình trạng tắc nghẽn nghiêm trọng tại các cảng biển, phải mất nhiều tuần mới được giải quyết.
Theo dữ liệu từ Everstream Analytics, số lượng tàu container chờ đợi ngoài cảng đã tăng vọt từ 5 lên 54 tàu khi cuộc đình công kết thúc vào ngày 4/10.
"Hơn 3 tuần sau cuộc đình công, chúng tôi thấy rằng tình trạng ùn tắc được giải quyết chậm hơn dự kiến và không đều giữa các cảng bị ảnh hưởng," ông Rhodes cho biết. "Trong khi một số cảng đã giải quyết được tình trạng ùn tắc sau cuộc đình công 3 ngày như New York và Houston, thì một số cảng khác vẫn đang gặp khó khăn, đặc biệt là Savannah".
Tình hình này đặt ra nhiều thách thức cho các công ty có từ 4-6 tuần tồn kho, khiến họ đối mặt với nguy cơ gián đoạn nguồn cung nếu xảy ra đình công mới. Ngoài việc tích trữ hàng tồn kho, các doanh nghiệp còn phải cân nhắc chi phí lưu kho và vận chuyển nhanh. Dữ liệu từ Everstream cho thấy nhiều công ty đang gia tăng dự trữ để đối phó với những gián đoạn tiềm ẩn, mặc dù bức tranh này có thể chưa hoàn chỉnh do một số đơn vị không nhận hàng trực tiếp.
Trong bối cảnh rộng hơn, ông Short chỉ ra rằng chuỗi cung ứng toàn cầu và sự phụ thuộc của các nhà vận chuyển Mỹ vào nước ngoài đã tăng đáng kể trong 20 năm qua, với tổng giá trị hàng nhập khẩu tăng 153%.
Chính sách thương mại sắp tới của Tổng thống đắc cử Trump dự kiến sẽ tập trung vào việc giảm rủi ro từ Trung Quốc và các trung tâm sản xuất nước ngoài, với đề xuất áp thuế 60%-100% đối với hàng hóa Trung Quốc và 10%-20% đối với hàng nhập khẩu khác.
Các chuyên gia từ Alix Partners dự báo giá cước vận chuyển quốc tế và nội địa sẽ tăng do khối lượng hàng hóa gia tăng, như đã từng xảy ra năm 2018 khi cước phí container biển tăng hơn 70% sau đợt tăng thuế của ông Trump.
Tuy nhiên, xu hướng này có thể chỉ là ngắn hạn, khi các mức thuế cao sẽ làm chậm khối lượng vận chuyển và sau đó là giá cước. S&P Global Market Intelligence nhận định các chính sách của Trump có thể dẫn đến một cuộc tái cấu trúc mới cho chuỗi cung ứng toàn cầu.
Hiện nay, thâm hụt thương mại của Mỹ với Trung Quốc đại lục vẫn ở mức cao nhất so với các quốc gia khác, đạt 287 tỷ USD trong 12 tháng tính đến tháng 9/2024, dù đã giảm 18,7% so với năm 2021.
Theo CNBC