Chuyển đổi số trong sản xuất bán dẫn cần kiên quyết và lộ trình rõ ràng

29-09-2023 21:42|Du Lam

Việt Nam có cơ hội tham gia sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu, song chúng ta cần giải quyết những thách thức về hạ tầng, nhân lực và chuyển đổi số hiệu quả trong sản xuất bán dẫn điện tử.

Việt Nam, điểm đến tiềm năng trong chuỗi cung ứng bán dẫn thế giới

Phát biểu khai mạc “Hội nghị Thúc đẩy chuyển đổi số trong sản xuất bán dẫn điện tử” tổ chức chiều ngày 29/9, bà Lê Hoàng Oanh, Cục trưởng Cục thương mại điện tử và kinh tế số, Bộ Công thương, nhắc lại nhận định của Chủ tịch kiêm CEO hãng thử nghiệm, kiểm định và chứng nhận bán dẫn SGS: Không có một xã hội công nghiệp mạnh nào có thể tồn tại nếu không có ngành công nghiệp điện tử mạnh, năng động. Để có một ngành công nghiệp điện tử mạnh, cần tiếp cận có kiểm soát đối với công nghiệp bán dẫn tiên tiến. Quá trình công nghiệp hóa của các nước Đông Á như Nhật Bản, Hàn Quốc là ví dụ điển hình.

Bà Lê Hoàng Oanh nhấn mạnh tầm quan trọng chiến lược của ngành công nghiệp bán dẫn, đó là thúc đẩy, chuyển dịch cơ cấu kinh tế và đặc biệt giúp nâng cấp toàn bộ nền công nghiệp của một quốc gia trên phương diện năng suất, năng lực đổi mới sáng tạo.

Theo Hiệp hội công nghiệp bán dẫn, tổng doanh thu toàn cầu năm 2022 của ngành bán dẫn đạt 601 tỷ USD, đóng góp 5,9% GDP toàn cầu. Với mức độ phát triển và số hóa như hiện nay, theo dự báo, tốc độ tăng trưởng công nghiệp của ngành bán dẫn đạt từ 6 đến 8% mỗi năm cho đến năm 2030 và đạt doanh thu 1.400 tỷ USD vào năm 2029.

Đại diện Công ty Kulicke & Soffa chia sẻ kinh nghiệm áp dụng công nghệ thông minh trong phát triển nhà cung cấp và giải pháp dữ liệu. (Ảnh: Du Lam)

Những năm gần đây, trong bối cảnh dịch bệnh và căng thẳng địa chính trị, chiến tranh thương mại, đã chứng kiến sự chuyển dịch mạnh mẽ trong chính sách phát triển ngành công nghiệp bán dẫn, đặc biệt các nền kinh tế lớn như Mỹ, Trung Quốc, Hàn Quốc, EU, Anh nhằm tái cơ cấu chuỗi cung ứng cũng như gia tăng khả năng chống chịu rủi ro nhằm phát huy tối đa tiềm năng phát triển.

Bà Lê Hoàng Oanh chia sẻ: “Với lợi thế địa chính trị, độ mở kinh tế, nguồn nhân lực cũng như nền tảng ban đầu của ngành bán dẫn điện tử đã được tạo dựng trong gần 20 năm qua, Việt Nam đang được đánh giá là điểm đến có tiềm năng, cạnh tranh để tham gia sâu hơn trong chuỗi cung ứng toàn cầu”.

Theo mục tiêu chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025 định hướng đến năm 2030, ngành công nghiệp bán dẫn điện tử phải là động lực của chuyển đổi số, giúp Việt Nam trở thành quốc gia số, ổn định và thịnh vượng, tiên phong thử nghiệm các công nghệ, mô hình mới.

Bà Đỗ Thị Thu Hà, Phó Tổng Giám đốc, Trưởng Bộ phận Tư vấn Phát triển bền vững, Lãnh đạo Khối Cơ sở hạ tầng, Chính phủ và Y tế của KPMG Việt Nam nhận xét: “Việt Nam đang ở trong giai đoạn sản xuất hạn chế trong chuỗi giá trị toàn cầu (Global Value Chain – GVC)”. Trong giai đoạn này, hạ tầng chưa có sự sẵn sàng, thâm dụng lao động, công nghệ của nhà sản xuất chưa đạt đến mức độ tinh tế. Bà cho rằng, nếu chuyển lên giai đoạn cao hơn trong GVC, Việt Nam sẽ có nhiều lợi ích như biên lợi nhuận cao hơn, cơ hội kinh doanh mới, trở thành điểm đến hấp dẫn trong bối cảnh chuỗi cung ứng đa dạng hóa hoặc chuyển dịch, cải thiện điều kiện lao động.

Bà nhắc đến việc những thập kỷ vừa qua, doanh nghiệp trong và ngoài nước đã cam kết đầu tư lớn vào ngành công nghiệp bán dẫn Việt Nam mà Intel là một cái tên nổi bật. Bà Đỗ Thị Thu Hà chia sẻ, chỉ khi các nhà hoạch định chính sách, nhà quản lý tập trung giải quyết thách thức về hạ tầng, nhân lực, Việt Nam mới thoát khỏi bẫy của sản xuất hạn chế.

Chuyển đổi số trong sản xuất bán dẫn cần kiên quyết và lộ trình rõ ràng

Chuyển đổi số đang diễn ra trong mọi lĩnh vực, bao gồm cả sản xuất bán dẫn điện tử. Tuy nhiên, không phải doanh nghiệp nào cũng thực hiện thành công. Theo ông Chong Chan Pin, Phó Giám đốc điều hành kiêm Tổng Giám đốc sản phẩm và giải pháp Kulicke & Soffa, để triển khai hiệu quả chuyển đổi số, cần có sự kiên quyết từ cấp lãnh đạo cao nhất và truyền xuống các nhóm thấp hơn; xây dựng lộ trình rõ ràng, có trọng tâm, trong khả năng của mình.

Các diễn giả tham gia thảo luận tại Hội nghị Thúc đẩy chuyển đổi số trong sản xuất bán dẫn điện tử. (Ảnh: Du Lam)

Từ kinh nghiệm chuyển đổi số tại Western Digital, ông KC Lau, thành viên ban cố vấn khu vực SEMI Sea, chia sẻ trước khi thực hiện, doanh nghiệp luôn phải nghĩ cách chuyển từ những phân tích mang tính dự báo sang phòng ngừa những vấn đề có thể xảy ra. Chỉ cần đi sai một bước sẽ phải trả giá đắt. Ngoài ra, các hãng cần chú ý đến chi phí vốn, tìm cách cải thiện hiệu quả sử dụng vốn.

Theo ông Hoàng Hưng Hải, Giám đốc Sản phẩm Qualcomm Việt Nam, nhiều khách hàng của Qualcomm muốn xây dựng khu công nghiệp để đón đầu cơ hội bán dẫn nhưng chưa biết bắt đầu từ đâu. Doanh nghiệp cần phải có lộ trình rõ ràng, tìm được đúng đối tác phù hợp để triển khai.

Còn theo ông Charles Kuo, Giám đốc dịch vụ tư vấn PacRim, Siemens Vietbay, văn hóa doanh nghiệp sẽ quyết định thành công hay thất bại. Chuyển đổi số nói thì dễ, làm mới khó. Xây dựng lộ trình có thể không tốn sức, song phần thực thi triển khai lại vô cùng khó khăn. Nếu không chuẩn bị sẵn sàng, khó có được thành công.

Trong quá trình chuyển đổi số, hạ tầng và nhân lực là hai cấu phần quan trọng. Chuyển đổi số có thể khiến nhiều người mất công ăn việc làm, nhưng cũng đồng thời xảy ra hiện tượng “chảy máu chất xám”. Đối với nhóm đầu tiên, các diễn giả đồng tình phải đào tạo, tập huấn để họ thích ứng với những giá trị gia tăng mới mà họ tạo ra. Theo ông Charles Kuo, nhà tuyển dụng cần định nghĩa lại, xác định lại công việc cho họ. Chẳng hạn, trước đây lập trình viên chuyên viết code, bây giờ là tối ưu hóa code.

Chuyển đổi số không phải là điểm đến mà là một hành trình. Cần con người trên hành trình đó. Nhân lực không thiếu nhưng điều cần quan tâm hơn là sử dụng họ như thế nào cho hiệu quả. Bên cạnh đó, với ngành bán dẫn nói riêng, cần trao đổi với các trường đại học, cơ sở đào tạo, xây dựng lộ trình trong 20 – 30 năm để phát triển nguồn nhân lực.

Nói về việc triển khai nhà máy thông minh ở Việt Nam, ông Hoàng Hưng Hải tiết lộ đã có nhiều khách hàng đến với Qualcomm và thông báo sẽ chuyển dịch sản xuất sang nước ta. Họ mong muốn Qualcomm hỗ trợ, gợi ý tìm kiếm đối tác, địa điểm phù hợp. Do đó, trong 3 năm tới, sẽ có nhiều nhà sản xuất có mặt tại Việt Nam, mang theo quy trình và công nghệ từ nơi khác đến, giúp Việt Nam tăng tốc quá trình triển khai chuyển đổi số. Chẳng hạn, nếu một nhà máy ở Đài Loan (Trung Quốc) đã triển khai giải pháp thông minh, họ sẵn sàng áp dụng tại Việt Nam. Từ đó, chúng ta có thêm giải pháp thông minh để phục vụ công nghiệp thông minh.

Bà Đỗ Thị Thu Hà cũng có chia sẻ tương tự khi các nước châu Âu, Mỹ đã tìm đến KPMG để bàn về kế hoạch chuyển sang Việt Nam, mang theo công nghệ số, giải pháp thông minh. Tuy nhiên, đại diện KPMG nói đây vẫn là một thách thức nóng và Việt Nam cần cải thiện hạ tầng, mức độ sẵn có của nguồn lực để nắm bắt cơ hội này.

Khuyến khích các doanh nghiệp Hàn Quốc mở rộng hợp tác, đầu tư vào Việt Nam

Công ty Mỹ dùng kim cương để ‘hạ nhiệt’ GPU, hiệu suất vượt trội bất ngờ, giúp tiết kiệm hàng triệu USD

Theo vietnamnet.vn
https://vietnamnet.vn/chuyen-doi-so-trong-san-xuat-ban-dan-can-kien-quyet-va-lo-trinh-ro-rang-2195969.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Chuyển đổi số trong sản xuất bán dẫn cần kiên quyết và lộ trình rõ ràng
    POWERED BY ONECMS & INTECH