Vĩ mô

Chuyên gia ADB: ‘Tăng trưởng kinh tế chậm lại so với nửa đầu năm do khó khăn kéo dài’

Khúc Văn 03/08/2024 - 15:45

Xuất khẩu và nhập khẩu được dự báo khó có thể tiếp tục tăng trưởng mạnh ở mức hai con số như đã thấy trong nửa đầu năm nay.

Xuất khẩu gặp thách thức lớn khi nền kinh tế còn nhiều khó khăn

Về triển vọng kinh tế Việt Nam, ông Nguyễn Bá Hùng, chuyên gia Kinh tế trưởng tại Việt Nam, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) cho rằng theo dự báo mới nhất của ADB, triển vọng tăng trưởng của Việt Nam trong năm 2024 và năm 2025 không thay đổi, ở các mức lần lượt là 6 và 6,2%, nhờ kết quả tăng trưởng tích cực trong nửa đầu năm nay.

Chuyên gia ADB: “Tăng trưởng kinh tế chậm lại so với nửa đầu năm do khó khăn kéo dài”
Xuất khẩu gặp thách thức lớn khi nền kinh tế còn nhiều khó khăn.

Tuy nhiên, theo ông Hùng khu vực chế biến, chế tạo liên quan đến thương mại - một trong những động lực phục hồi chủ yếu - dự kiến ​​chậm lại trong thời gian tới, trong khi nhu cầu trong nước vẫn còn yếu. Lạm phát được dự báo ổn định ở mức 4% trong năm 2024 và 2025.

“Từ nay đến cuối năm, tăng trưởng kinh tế được dự báo chậm lại so với nửa đầu năm do khó khăn kéo dài. Chúng tôi không kỳ vọng xuất khẩu và nhập khẩu tiếp tục tăng trưởng mạnh ở mức hai con số như đã thấy trong nửa đầu năm nay”, đại diện ADB nói.

Trong 6 tháng đầu năm 2024, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam ước đạt 368,53 tỷ USD, tăng 14,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, theo ông Hùng mức tăng trưởng cao như vậy là do được so sánh với mức tăng trưởng âm vào cùng kỳ năm ngoái. Bối cảnh thương mại trong nửa cuối năm 2023 chứng kiến ​​sự phục hồi vững chắc, là cơ sở cho sự tăng trưởng hơn nữa trong năm 2024 nhưng ở tốc độ thấp hơn.

Với thách thức bên ngoài, ông Hùng nhận diện đó là sự chậm lại của nền kinh tế thế giới trong thời gian tới.

“Một thách thức khác là trong khi tăng trưởng của Việt Nam chủ yếu dựa vào xuất khẩu, thì xuất khẩu chủ yếu được thực hiện bởi các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Nhu cầu toàn cầu giảm do sự phục hồi kinh tế chậm ở các nước đối tác thương mại của Việt Nam và căng thẳng địa chính trị tiếp diễn sẽ làm chậm quá trình phục hồi tăng trưởng dựa vào xuất khẩu của Việt Nam”, ông Hùng nói.

Trong khi đó, tình hình kinh tế trong nước vẫn còn khó khăn. Mặc dù có một số cải thiện, đầu tư công vẫn phải đối mặt với nhiều trở ngại. Các thủ tục hành chính rườm rà vẫn còn tồn tại, gây khó khăn cho việc thu hút thêm đầu tư tư nhân. Việc đẩy mạnh cải cách hành chính để cải thiện môi trường kinh doanh, giảm chi phí kinh doanh và kết nối các doanh nghiệp trong nước với các chuỗi cung ứng toàn cầu và khu vực sẽ giúp thúc đẩy tăng trưởng hơn nữa.

“Ngoài ra, sản xuất nông nghiệp còn phải hứng chịu điều kiện thời tiết bất lợi, nhiều vùng bị ảnh hưởng nặng nề bởi hạn hán hồi đầu năm nay. Dự báo sẽ có mưa nhiều hơn trong năm nay, có thể tích cực đối với sản xuất nông nghiệp, nhưng làm gia tăng rủi ro về lũ lụt hoặc các nguy cơ khác cần được kiểm soát và giảm thiểu”, chuyên gia ADB cảnh báo.

>>Lộ diện 5 địa phương đang dẫn đầu cả nước về tăng trưởng GDP 6 tháng đầu năm

Động lực chính từ tiêu dùng trong nước và đầu tư

Về động lực cho tăng trưởng, ông Hùng cho rằng động lực chính cho tăng trưởng kinh tế bao gồm nhu cầu tiêu dùng trong nước và đầu tư.

Chuyên gia ADB: “Tăng trưởng kinh tế chậm lại so với nửa đầu năm do khó khăn kéo dài”
Động lực chính từ tiêu dùng trong nước và đầu tư.

Chính phủ cần tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh và kích thích tiêu dùng trong nước. Việc thúc đẩy nhu cầu trong nước bao gồm tiêu dùng tư nhân, tiêu dùng chính phủ và đầu tư công. Ba yếu tố này phải được phát triển trước, thì đầu tư tư nhân mới phát triển sau được.

Để thúc đẩy những động lực trên, chuyên gia ADB cho rằng Chính phủ cần tập trung vào việc mở rộng chính sách tài khóa để có thể thực hiện chi tiêu công một cách hiệu quả hơn. Hiện nay, chi ngân sách Nhà nước năm 2024 đã được phê duyệt, nhưng chi thế nào cho hiệu quả thì vẫn chưa rõ. Năm ngoái, chi ngân sách thực hiện so với phê duyệt chỉ đạt 83%, cho thấy còn có dư địa đáng kể để cải thiện hiệu quả chi tiêu nhằm thúc đẩy tiêu dùng và đầu tư công.

Ngoài ra, cũng cần đẩy nhanh giải ngân đầu tư công để tạo thêm việc làm và thu nhập, giúp thu hút đầu tư tư nhân. Điều này sẽ giúp các doanh nghiệp trong nước tăng cường đầu tư và tiêu dùng.

“Chính phủ có thể tiếp tục giảm thuế và phí cho doanh nghiệp và người dân, giúp thúc đẩy tiêu dùng tư nhân, bởi vì với cùng một lượng tiền trong tay, người ta có thể mua nhiều hàng hóa hơn nhờ thuế giảm”, ông Hùng nói.

Đồng thời, ông Hùng cho rằng Chính phủ có thể hỗ trợ nhiều hơn cho người lao động, đặc biệt là những người bị mất việc làm hoặc giảm giờ làm, giúp bổ sung thu nhập bị giảm sút cho họ.

Chính phủ cũng cần hỗ trợ doanh nghiệp nhiều hơn trong đào tạo nguồn nhân lực, chuẩn bị cho sự phục hồi mạnh mẽ của nền kinh tế, trong đó các doanh nghiệp sẽ cần một lượng lớn nhân viên chất lượng cao.

>>Tăng trưởng GDP có thể giảm xuống chỉ còn 1%, Trung Quốc 'quá già để giàu'?

Việt Nam dẫn đầu nhóm các quốc gia được dự đoán sẽ vượt mặt Trung Quốc về tăng trưởng GDP và vốn FDI

Tỉnh tăng trưởng kinh tế cao nhất Việt Nam phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch phân khu 7, dự định phát triển thành đô thị sinh thái

Theo Kiến thức Đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/chuyen-gia-adb-tang-truong-kinh-te-cham-lai-so-voi-nua-dau-nam-do-kho-khan-keo-dai-244098.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Chuyên gia ADB: ‘Tăng trưởng kinh tế chậm lại so với nửa đầu năm do khó khăn kéo dài’
    POWERED BY ONECMS & INTECH