Tăng trưởng GDP có thể giảm xuống chỉ còn 1%, Trung Quốc 'quá già để giàu'?

05-06-2024 12:59|Hoàng Yến

Nếu giống với Đức và Nhật Bản với cơ cấu dân số già hóa tương tự, tăng trưởng GDP của Trung Quốc sẽ suy giảm đáng kể.

Trong khi các nhà hoạch định chính sách và chuyên gia kinh tế lạc quan tin rằng kinh tế Trung Quốc có thể lọt vào nhóm thu nhập cao chỉ trong 2 năm tới, điều này khó có thể xảy ra trong bối cảnh nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới vẫn đang rơi vào trì trệ và tình trạng dân số già hóa không được cải thiện. Để lật ngược thế cờ, Trung Quốc sẽ phải nâng cao thu nhập khả dụng của các hộ gia đình và giải quyết cuộc khủng hoảng dân số.

Hồi tháng 3, Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường thông báo một mục tiêu đầy tham vọng: GDP Trung Quốc sẽ tăng trưởng 5% trong năm 2024. Cựu chuyên gia kinh tế trưởng World Bank Jusstin Yiffu Lin cũng đồng tình với quan điểm này với dự báo trong thập kỷ tới Trung Quốc sẽ tăng trưởng trung bình 5-6% mỗi năm, trước khi giảm xuống còn 3-4% trong giai đoạn 2036-2050. Ông còn lạc quan dự báo Trung Quốc sớm đạt được trạng thái thu nhập cao vào năm 2026, thậm chí sớm hơn là năm 2025.

Tuy nhiên, tờ Project Syndicate cho rằng trong bối cảnh hiện nay, có vẻ như ông Lin đã quá lạc quan.

r.jpg
Tỷ lệ dân số từ 65 tuổi trở lên ở Trung Quốc đã vượt 15%

Hệ lụy từ dân số già hóa

Trong nghiên cứu của mình, vị chuyên gia nhắc tới 26 quốc gia có GDP bình quân đầu người chưa bằng một nửa so với Mỹ khi dân số bắt đầu già hóa. Vì những quốc gia này vẫn có thể tiếp tục cải thiện nền kinh tế của họ, Trung Quốc hoàn toàn có thể tiếp tục tiến lên phía trước. Theo định nghĩa của Tổ chức Y tế Thế giới WHO, một nền kinh tế sẽ bắt đàu già hóa khi tỷ lệ dân số từ 65 tuổi trở lên vượt quá 7% - ngưỡng mà Trung Quốc phá vỡ trong năm 1998. Đến năm 2023, tỷ lệ này đã tăng lên 15,4%.

Dữ liệu lịch sử cho thấy không quốc gia nào có thể đạt được mức tăng trưởng 4% trong 12 năm liên tiếp kể từ khi số lượng người từ 65 tuổi trở lên chiếm 15% tổng số dân. Trong nhóm các nước thu nhập cao, trung bình tốc độ tăng trưởng trong giai đoạn này chỉ đạt 1,8%.

Tình trạng dân số già hóa ảnh hưởng tới năng suất, sức tiêu dùng, năng lực đổi mới sáng tạo, tinh thần doanh nhân và sẽ khiến nền kinh tế kém năng động hơn. Do đó, dự đoán của ông Lin rằng Trung Quốc sẽ đạt tốc độ tăng trưởng trung bình 5-6% trong giai đoạn 2024-2035 gần như là không thể xảy ra, giống như một cụ già 80 tuổi khó có thể về nhất trong 1 cuộc đua marathon.

Ông Lin cũng nhấn mạnh lợi thế người đến sau của Trung Quốc, nhưng dân số già hóa đang triệt tiêu các lợi thế này. Ở Tây Ban Nha, Hy Lạp và Bồ Đào Nha, dân số già hóa và lực lượng lao động bị thu hẹp đã khiến GDP bình quân đầu người lần lượt giảm từ mức 73%, 66% và 51% so với Mỹ ở thời điểm 2008 xuống chỉ còn 39%, 27% và 32%. Thậm chí những nước này còn đối diện với nguy cơ rơi vào bẫy thu nhập trung bình giống như Hàn Quốc hay đảo Đài Loan (Trung Quốc).

Hoàn cảnh của Trung Quốc hiện nay giống với Nhật Bản ở thời điểm năm 1995 và Đức ở năm 2000 với tỷ lệ người trên 65 tuổi ở mức tương đương. Trong 12 năm sau các cột mốc đó, GDP Nhật Bản chỉ tăng trưởng khoảng 0,8% mỗi năm và tăng trưởng GDP của Đức vào khoảng 1,5%. Nếu lịch sử lặp lại, đến năm 2028 tốc độ tăng trưởng GDP của Trung Quốc có thể giảm xuống còn 3% và tiếp tục giảm sâu hơn nữa trong những năm sau đó.

Năm 2023, GDP bình quân đầu người của Trung Quốc đạt 12.681 USD, thấp hơn ngưỡng 13.845 USD mà World Bank đưa ra để xếp 1 nước vào nhóm thu nhập cao. Với tốc độ tăng trung bình 2,1% mỗi năm trong 2 thập kỷ qua, con số có thể đạt 15.715 USD vào năm 2028 và 18.219 USD vào năm 2035. Giả sử tốc độ tăng trưởng giảm từ 5% trong năm 2024 xuống còn 3% trong năm 2028 và 1,5% trong năm 2035, trong 10 năm nữa GDP bình quân đầu người của Trung Quốc chỉ đạt 17.893 USD, vẫn chưa đạt ngưỡng thu nhập cao.

oip-1-.jpg
Dân số già hóa gây ra nhiều hệ lụy cho nền kinh tế

Khó thoát bẫy thu nhập trung bình

Không chỉ dân số già hóa, những áp lực đang đè nặng lên đồng nhân dân tệ cũng khiến nỗ lực thoát bẫy thu nhập trung bình của Trung Quốc trở nên phức tạp hơn. Đầu tiên, lực lượng lao động của Trung Quốc đang suy giảm nhanh chóng trong khi chuỗi giá trị công nghiệp phải chịu nhiều ảnh hưởng tiêu cực từ việc phương Tây cố gắng giảm phụ thuộc vào chuỗi cung ứng của nước này.

Thứ hai, với GDP tăng trưởng chậm lại và các địa phương đang vật lộn với núi nợ khổng lồ, nhiều khả năng Trung Quốc sẽ cắt giảm lãi suất.

Và cuối cùng, tỷ lệ sinh thấp trên toàn thế giới có thể dẫn đến lạm phát thấp, thậm chí là giảm phát. Riêng đối với Trung Quốc, tỷ lệ sinh thấp kết hợp với lực cầu nội địa yếu ớt và công suất dư thừa chắc chắn sẽ gây ra rất nhiều áp lực giảm phát, càng khiến khoảng cách lãi suất giữa đồng nhân dân tệ và USD bị nới rộng.

Dân số già hóa khiến Trung Quốc dễ rơi vào bẫy thu nhập trung bình hơn bao giờ hết. Hiện thu nhập khả dụng của các hộ gia đình nước này chỉ chiếm 42% GDP, thấp hơn đáng kể so với mức 60-70% trên thế giới. Để đạt được ngưỡng thu nhập cao, thu nhập khả dụng của hộ gia đình phải đạt 8.307 – 9.692 USD, nhưng Trung Quốc mới đạt 5.565 USD trong năm 2023.

Để lọt vào nhóm thu nhập cao, Trung Quốc cần thực hiện nhiều cải cách sâu rộng ở mức độ tương tự như năm 1978, khi nhà lãnh đạo Đặng Tiểu Bình triển khai nhiều cải cách hướng về thị trường và đã tạo ra phép màu kinh tế cho “con rồng châu Á”. Xét trong bối cảnh hiện nay, động lực cải cách đã không còn mạnh mẽ như trước. Có lẽ để đạt được sự chuyển mình đáng kinh ngạc như trong quá khứ, Trung Quốc sẽ cần đến vài thập kỷ, nếu không muốn nói là lâu hơn.

Trung Quốc 'đau đầu' khi gần 15% thanh niên thất nghiệp, chuyên gia hiến kế giải nguy

Một thứ của Trung Quốc có thể quyết định ai trở thành Tổng thống Mỹ năm nay, ông Trump lập tức hành động

Theo Kiến thức Đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/co-phai-trung-quoc-qua-gia-de-giau-237429.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
Nổi bật Người quan sát
Tăng trưởng GDP có thể giảm xuống chỉ còn 1%, Trung Quốc 'quá già để giàu'?
POWERED BY ONECMS & INTECH