Tuần giao dịch vừa qua, trạng thái tiết cung dần hình thành khi bên bán không còn tham gia quyết liệt tạo tiền đề giúp thị trường xuất hiện nhịp hồi phục mang tính kỹ thuật.
Sau 6 tuần giảm điểm liên tiếp, VN-Index đã có sự hồi phục trở lại trong tuần 16 - 20/5/2022.
Kết tuần, VN-Index đứng ở mức 1.240,71 điểm - tăng 57,94 điểm (4,9%) so với tuần trước đó; HNX-Index tăng 4,63 điểm (1,53%) lên 307,02 điểm; UPCoM-Index cũng tăng 0,5 điểm (0,53%) lên 94,11 điểm.
Với việc thị trường vừa có tuần hồi khá tốt, nhiều ý kiến cho rằng thời điểm này sẽ là bước đầu cho việc tâm lý nhà đầu tư được ổn định trở lại, tài khoản của mọi người cũng dần cân bằng hơn.
Tại chương trình "Khớp lệnh" của VTV Digital kết thúc cách đây không lâu, ông Nguyễn Hoàng Giang, Chủ tịch CTCP Chứng khoán DNSE đánh giá, việc các nhà quản lý có khuyết điểm bị kỷ luật về mặt cơ bản sẽ không ảnh hưởng đến thị trường, không ảnh hưởng đến nguồn cung tiền và chính sách trong ngắn hạn.
Đối với thị trường chứng khoán phái sinh, Chủ tịch DNSE đánh giá đây không phải sân chơi dành cho tất cả nhà đầu tư mà là cơ hội của những nhà đầu tư bề dày kinh nghiệm. Giao dịch phái sinh rất khó với thị trường Việt Nam tuy nhiên phái sinh lại có ưu điểm là khi làm sai, ta có thể sửa sai ngay trong phiên.
Ông Giang kỳ vọng rằng các Sở và Ủy ban Chứng khoán Nhà nước sẽ sớm đưa vào việc bán cổ phiếu chờ về vì nó sẽ hỗ trợ tốt hơn cho thanh khoản, giúp mức định giá của thị trường phù hợp hơn.
"Ta nên nhìn vào hoạt động ở những thị trường phát triển để từ đó tiến lên một bước mới, thu hút nhiều nguồn vốn hơn. Phái sinh là thị trường cần thiết nhằm nhìn nhận tâm lý các nhà đầu tư và phòng ngự rủi ro", ông Giang phân tích.
Nhìn lại tuần giao dịch vừa qua, nhà đầu tư Việt Nam bắt đầu phản ứng bình thản với một số thông tin tiêu cực như thị trường chứng khoán Mỹ giảm mạnh nhất trong 2 năm hay thay đổi cơ cấu nhân sự ở Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và Sở Giao dịch Chứng khoán TP. HCM (HOSE). Trạng thái tiết cung dần hình thành khi bên bán không còn tham gia quyết liệt tạo tiền đề giúp thị trường xuất hiện nhịp hồi phục mang tính kỹ thuật.
Tuy nhiên, thanh khoản trên thị trường cơ sở sụt giảm nhanh chóng trong hai ngày cuối tuần - một phần bởi dòng tiền tập trung ở thị trường phái sinh, nhưng phần lớn là do cả bên mua và bên bán đều tỏ ra lưỡng lự, thiếu phương hướng.
Sự phân vân được thể hiện rõ trên đồ thị phân tích kỹ thuật, cây nến khung đồ thị ngày dạng Doji xuất hiện ở 2 trong 3 ngày gần nhất của cả hai chỉ số VN30-Index và VN-Index. Trạng thái hồi kỹ thuật tiết cung có thể kéo dài thêm một số phiên, nhưng ở bức tranh kỹ thuật dài hạn, đường trung bình 50 ngày của VN30-Index cắt xuống dưới đường trung bình 200 ngày và mẫu hình đảo chiều chưa thực sự xuất hiện.
Xu hướng là bán, các chiến lược mở vị thế bán phái sinh dự kiến có xác suất thành công cao hơn trong tuần giao dịch mới (23 - 27/5).
Khuyến nghị chiến lược giao dịch phái sinh tuần 23 - 27/5: Canh mở vị thế bán
Trên thị trường phái sinh, tâm lý ưu tiên phòng thủ tài khoản bằng vị thế phái sinh cũng được bộc lộ rõ. Số lượng hợp đồng giữ qua đêm của VN30F2206 (VN30F1M, tức hợp đồng tương lai chỉ số VN30-Index kỳ hạn 1 tháng) nhanh chóng tăng lên gần 20.000 hợp đồng chỉ sau một phiên trở thành hợp đồng giao dịch chính, giá trị giao dịch khớp lệnh gấp 3 lần thị trường cơ sở và dần trở thành tài sản giao dịch ưa thích của nhà đầu tư.
Điểm đáng chú ý là độ lệch (spread) dao động mạnh trong phiên, nhưng đóng cửa tuần qua chỉ ở mức 5,7 điểm, do đó duy trì cơ hội để mở vị thế bán mới.
Phương án mở vị thế bán hợp lý cho nhà đầu tư là khi giá thủng khỏi ngưỡng hỗ trợ 1.260 điểm,= với độ lệch không thấp hơn âm 10 điểm. Khi đó, VN30F1M sẽ tạo tín hiệu gãy khỏi tam giác giá, đồng thời mất trạng thái hồi phục kỹ thuật, nhiều khả năng sẽ hướng trở về vùng hỗ trợ 1.200 điểm để kiểm chứng lực cầu bắt đáy. 1.200 điểm cũng là mốc canh chốt lời, quản trị rủi ro nếu giá vượt hẳn qua 1.290 điểm, đảm bảo tỷ lệ lợi nhuận/rủi ro là 2:1.
Nhận định chứng khoán 22/11: Nhiều CTCK đồng thuận VN-Index lên 1.240 điểm
Kéo trụ ngân hàng, VN-Index bật tăng 12 điểm trong phiên đáo hạn phái sinh