Vĩ mô

Chuyên gia lý giải vì sao kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng nhanh nhất ASEAN trong 2024

Khúc Văn 28/08/2024 - 16:00

Với mức tăng 6,93%, Việt Nam là quốc gia tăng trưởng GDP cao nhất khu vực ASEAN-6. Trên cơ sở này, Ngân hàng HSBC dự báo, Việt Nam sẽ có khả năng trở thành nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất ASEAN trong năm 2024.

Triển vọng tăng trưởng sẽ sáng hơn

Tính chung 6 tháng đầu năm, GDP Việt Nam tăng 6,42%, vượt cận trên kịch bản tại Nghị quyết 01 đưa ra hồi đầu năm là 6%. Như vậy, với mức tăng trưởng này, Việt Nam đã vươn lên để trở thành nền kinh tế có mức tăng trưởng cao nhất trong khu vực. Ở vị trí thứ hai và ba lần lượt là Philippines và Malaysia với GDP lần lượt tăng 6,3% và 5,9%.

Tăng trưởng kinh tế tiếp tục gặp nhiều thách thức.
Triển vọng tăng trưởng sẽ sáng hơn.

Theo dự báo của HSBC, Việt Nam sẽ là quốc gia tăng trưởng nhanh nhất ASEAN năm 2024.

Lý giải cho dự báo này, bà Yun Liu, chuyên gia kinh tế phụ trách thị trường ASEAN, Bộ phận Nghiên cứu Toàn cầu HSBC cho rằng, tăng trưởng GDP quý II của Việt Nam đã tăng lên 6,9% so với cùng kỳ năm trước. Đây gần như là mức cao nhất trong hai năm đổ lại đây, vượt xa mức kỳ vọng của HSBC cũng như thị trường là 6%.

Không chỉ tăng trưởng đầy thuyết phục, tăng trưởng đã bắt đầu có dấu hiệu lan rộng. Lĩnh vực gây ngạc nhiên nhất chính là sản xuất, tăng trưởng 10% so với cùng kỳ năm trước.

Kết quả này cũng được phản ánh qua tăng trưởng xuất khẩu mạnh mẽ của quý II, đạt 15% so với cùng kỳ năm trước. Mặc dù sự phục hồi chủ yếu được dẫn dắt bởi mảng điện tử, song các ngành hàng khác cũng bắt đầu có dấu hiệu hồi phục.

“Chúng tôi tin rằng Việt Nam vẫn đang đi đúng hướng để chứng kiến triển vọng tăng trưởng sáng sủa hơn trong năm 2024, nếu tình hình phục hồi tiếp tục lan rộng. Điều này đồng nghĩa với việc Việt Nam sẽ có khả năng trở thành nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất ASEAN trong năm 2024, một vị trí Việt Nam đã tạm nhường cho Malaysia và Philippines trong năm 2022 và 2023”, bà Yun Liu cho biết.

Trong Báo cáo Triển vọng phát triển châu Á tháng 7, Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) dự báo, tăng trưởng GDP của Việt Nam trong năm 2024 có khả năng sẽ dẫn đầu khu vực (cùng với Philippines) với mức tăng GDP 6,0% nhờ sự phục hồi mạnh mẽ của cả nhập khẩu và xuất khẩu và sự hồi phục của nhu cầu nội địa khi chính sách tiền tệ vẫn duy trì ở mức nới lỏng.

Ngoài ra, tăng trưởng được hỗ trợ bởi các biện pháp tài khóa như việc tiếp tục giảm 2% thuế giá trị gia tăng và các nỗ lực để thực hiện tốt hơn đầu tư công.

Theo sau là Indonesia với mức tăng trưởng dự báo sẽ đạt 5% trong năm 2024. Tiếp theo là Malaysia, Thái Lan và Singapore, với mức tăng trưởng được dự báo lần lượt là 4,5%, 2,6% và 2,4% trong năm nay.

Cũng phát hành trong tháng 7, báo cáo mới nhất của Văn phòng Nghiên cứu Kinh tế vĩ mô ASEAN+3 (AMRO) đã điều chỉnh mức tăng trưởng của Việt Nam lên 6,3% năm 2024, cao hơn 0,3 điểm % so với dự báo 6% hồi tháng 4 vừa qua và là mức cao nhất trong số các nước thuộc Hiệp hội Các quốc gia khu vực Đông Nam Á (ASEAN) vào năm 2024.

AMRO dự báo Philippines ​​có tốc độ tăng trưởng cao thứ hai khu vực ASEAN ở mức 6,1%, tiếp theo là Campuchia với 5,6% và Indonesia với 5,2%.

>> Dư địa tăng trưởng cao su những tháng cuối năm

Lo ngại những thách thức từ bên ngoài

Tuy nhiên, từ nay tới cuối năm, nền kinh tế vẫn gặp phải những thách thức từ bên ngoài. Về vấn đề này, ông Shantanu Chakraborty, Giám đốc Quốc gia ADB Việt Nam cho biết, nhu cầu toàn cầu suy giảm do tăng trưởng toàn cầu chậm lại, đặc biệt ở các nước đối tác thương mại lớn của Việt Nam và căng thẳng chính trị trên thế giới vẫn còn tiếp diễn. Cả hai quá trình này sẽ làm chậm lại quá trình phục hồi tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam.

Khu Đông với nhiều tiềm năng tăng trưởng nhờ định hướng quy hoạch và hạ tầng giao thông được đầu tư mạnh mẽ
Lo ngại những thách thức từ bên ngoài sẽ có tác động tiêu cực tới kinh tế Việt Nam.

Ngoài ra, tốc độ bình thường hóa lãi suất ở thị trường Mỹ và các nền kinh tế tiến tiến khác sẽ tác động lên tỷ giá hối đoái của Việt Nam.

Trong khi đó, những năm gần đây tốc độ tăng trưởng chậm đã bộc lộ rủi ro về tính dễ đổ vỡ của cấu trúc nền kinh tế Việt Nam như phụ thuộc vào công nghiệp chế biến chế tạo và xuất khẩu của khối FDI, thị trường vốn còn non trẻ, và sự phụ thuộc quá mức vào tín dụng ngân hàng.

“Nếu những rủi ro này được giải quyết kịp thời thì Việt Nam có thể đạt được tăng trưởng mạnh mẽ hơn. Vì vậy, Chính phủ cần phải kết hợp cả hỗ trợ tăng trưởng trong ngắn hạn để thúc đẩy nhu cầu trong nước với biện pháp trong dài hạn để giúp Việt Nam tăng trưởng vững hơn”, Giám đốc Quốc gia ADB Việt Nam khuyến nghị.

TS Lê Xuân Nghĩa dự báo, triển vọng kinh tế Việt Nam sẽ tiếp tục khả quan cho nửa năm sau nếu Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) quyết định hạ lãi suất, làm giảm áp lực lên tỷ giá USD/VND, lạm phát và tác động tích cực đến các cân đối vĩ mô khác. Tuy nhiên, ở chiều ngược lại, nếu FED hoãn lại việc giảm lãi suất thì nhiều bất lợi cho kinh tế Việt Nam dược dự báo, trong đó có việc tỷ giá và lạm phát tăng và những tác động bất lợi cho đầu tư nước ngoài.

Ông Nghĩa khẳng định những điểm nổi bật nhất về chính sách từ nay đến cuối năm 2024 có thể tác động tích cực đến tăng trưởng kinh tế Việt Nam. Đó là 3 luật: Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản có hiệu lực vào ngày 1/8/2024. Trong đó, có một số các nghị định, quy định chi tiết một số điều của 3 luật trên thuộc thẩm quyền ban hành nghị định của Chính phủ.

“Thị trường đất đai, nhà ở, bất động sản cũng như một số lĩnh vực có liên quan đang chờ đợi một cách tích cực về hiệu lực và hiệu quả của các Luật và Nghị định quan trọng này. Đặc biệt, khi thị trường bất động sản, nhà ở đang có những dấu hiệu phục hồi ở một số phân khúc. Nguồn cung về bất động sản và nhà ở cũng đang có dấu hiệu tăng và hy vọng sau ngày 1/8, thị trường bất động sản cũng như thị trường tài sản nói chung bao gồm cả chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp sẽ phục hồi tích cực”, ông Nghĩa nói.

Một lĩnh vực khác rất quan trọng có liên quan đến 3 luật và các nghị định này là đầu tư công và đầu tư tư nhân. Đầu tư công năm 2024 giải ngân chậm hơn so với năm 2023. Một trong những lý do của sự chậm trễ này là các doanh nghiệp và dân cư đang chờ đợi cơ chế giá mới về đất để đền bù giải phóng mặt bằng theo tinh thần của Nghị quyết Trung ương 8, tức là giá đất phải được hình thành theo nguyên tắc thị trường.

Đây là những luật và nghị định có tác động lan toả rộng lớn đến nhiều ngành, nhiều lĩnh vực, kể cả khu vực tài chính ngân hàng, chứng khoán, bán lẻ, du lịch, giao thông vận tải và đặc biệt là ngành xây dựng. Ba luật trên cũng là một trong những động lực thúc đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công, giải ngân tín dụng ngân hàng và vượt qua thời kỳ đóng băng của thị trường bất động sản.

Nhiều nhà đầu tư nước ngoài, kể cả trực tiếp và gián tiếp đánh giá rất cao việc rút ngắn thời hiệu hiệu lực của 3 luật trên tạo lòng tin để các nhà đầu tư mở rộng đầu tư cho sản xuất kinh doanh và quay lại thị trường chứng khoán một cách tích cực.

Bên cạnh đó, chính sách tiền tệ vẫn tiếp tục nới lỏng, linh hoạt nhằm giảm lãi suất cho vay cho các doanh nghiệp kể cả trong sản xuất kinh doanh và thị trường bất động sản. 6 tháng cuối năm 2024 vẫn tiếp tục duy trì chính sách giãn, hoãn, giữ nguyên nhóm nợ cho các doanh nghiệp nhằm tiếp tục bơm tín dụng vào nền kinh tế. Các chính sách khác có liên quan đến thương mại và công nghiệp cũng sẽ có những tác động tích cực, đặc biệt là các chính sách về chuyển đổi năng lượng trên nền tảng kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện VIII đang từng bước phát huy tác dụng.

Thương mại quốc tế cũng đã được phục hồi khá tốt trên cơ sở các Hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã ký. Bất chấp những khó khăn về địa chính trị, quan hệ thương mại của Việt Nam với các đối tác lớn vẫn tiếp tục ổn định và tăng trưởng. Thặng dư thương mại quốc tế vẫn tiếp tục tăng ngay cả trong điều kiện nhập khẩu tăng cao. Điều này cho thấy, Việt Nam đã tận dụng khá tốt sự phục hồi của thương mại quốc tế ngay cả trong điều kiện có xung đột ở một vài khu vực.

>>World Bank: Kinh tế Việt Nam phục hồi tích cực, dự báo tăng trưởng 6,1% trong năm 2024

World Bank: Kinh tế Việt Nam phục hồi tích cực, dự báo tăng trưởng 6,1% trong năm 2024

Tăng cường hơn nữa kết nối hai nền kinh tế Việt Nam-Nhật Bản

Theo Kiến thức Đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/chuyen-gia-ly-giai-vi-sao-kinh-te-viet-nam-se-tang-truong-nhanh-nhat-asean-trong-2024-247007.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Chuyên gia lý giải vì sao kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng nhanh nhất ASEAN trong 2024
    POWERED BY ONECMS & INTECH