Chuyên gia: Tập đoàn năng lượng Enel rút khỏi Việt Nam là điều bình thường
Tập đoàn năng lượng Enel của Ý dừng kế hoạch đầu tư tại Việt Nam.
Ngày 10/9, theo thông tin từ Reuters, tập đoàn năng lượng Enel của Ý đang chuẩn bị rút khỏi Việt Nam. Trước đó, vào năm 2022, Enel cho biết tập đoàn có kế hoạch đầu tư vào các nhà máy có khả năng tạo ra tới 6 GW năng lượng tái tạo tại Việt Nam.
Mặc dù không nêu rõ loại hình cụ thể, nhưng Enel nhấn mạnh tiềm năng từ năng lượng gió và mặt trời tại Việt Nam.
Tập đoàn năng lượng Enel của Ý đang chuẩn bị rút khỏi Việt Nam |
Loạt ông lớn Enel, Equinor, Orsted dừng kế hoạch đầu tư tại Việt Nam
Nguồn tin của Reuters tiết lộ rằng, việc Enel rời khỏi Việt Nam là một phần trong chiến lược tái cơ cấu hoạt động kinh doanh toàn cầu của tập đoàn. Enel hiện là một trong những nhà đầu tư lớn nhất thế giới về năng lượng tái tạo, quản lý hơn 1.300 nhà máy với tổng công suất lắp đặt khoảng 64 GW trên toàn cầu.
Kể từ khi CEO Flavio Cattaneo tiếp quản vào năm ngoái, công ty đã chuyển trọng tâm sang phát triển cơ sở hạ tầng lưới điện và cam kết dành phần lớn các khoản đầu tư cho thị trường nội địa, đồng thời giảm dần các hoạt động đầu tư ở nước ngoài.
Cuối tháng 8, cũng theo Reuters, tập đoàn năng lượng Equinor - gã khổng lồ năng lượng lớn nhất Na Uy - đã quyết định ngừng hoạt động phát triển kinh doanh tại Việt Nam và đóng cửa văn phòng ở Hà Nội. Đây là lần đầu tiên Equinor đóng cửa một văn phòng đại diện phụ trách các dự án điện gió ngoài khơi tại nước ngoài.
>>Tập đoàn năng lượng lớn nhất Na Uy hủy kế hoạch đầu tư điện gió ngoài khơi tại Việt Nam
Equinor, tập đoàn năng lượng đa ngành từ dầu khí, khí hóa lỏng (LNG), hydrogen đến năng lượng tái tạo, đã và đang đầu tư vào các dự án điện gió ngoài khơi tại châu Âu và Mỹ. Một trong số đó là dự án Dogger Bank tại Anh - trang trại điện gió ngoài khơi lớn nhất thế giới. Equinor hiện có vốn hóa thị trường trên 73 tỷ USD, niêm yết tại Oslo và New York.
Tập đoàn Equinor quyết định ngừng hoạt động phát triển kinh doanh tại Việt Nam |
Cuối năm 2023, tập đoàn Orsted (Đan Mạch), ông trùm điện gió lớn nhất thế giới, cũng quyết định dừng toàn bộ kế hoạch đầu tư điện gió ngoài khơi tại Việt Nam chỉ sau hai năm hợp tác.
Orsted đưa ra quyết định này ngay trước khi Quy hoạch điện VIII của Việt Nam được phê duyệt, bất chấp việc tập đoàn đã dành nhiều thời gian và chi phí cơ hội cho thị trường này. Lý do mà Orsted đưa ra là sự chậm trễ và thiếu rõ ràng trong các chính sách chủ chốt liên quan đến triển khai và mua điện từ các dự án điện gió ngoài khơi.
Tập đoàn Orsted, được biết đến như một trong những nhà phát triển trang trại điện gió ngoài khơi hàng đầu thế giới, bắt đầu từ năm 1991 với dự án đầu tiên Vindeby ở Đan Mạch. Hiện tại, Orsted cung cấp năng lượng xanh cho hơn 15 triệu người trên toàn cầu, và mục tiêu của tập đoàn là tăng gấp đôi con số này vào năm 2025.
Orsted hiện cung cấp năng lượng xanh cho hơn 15 triệu người trên toàn thế giới. |
Đây không phải là dấu hiệu cho thấy Việt Nam đang mất đi sức hấp dẫn
Theo chuyên gia kinh tế cấp cao Dorsati Madani của World Bank Việt Nam, việc một số doanh nghiệp quốc tế đến khảo sát, quyết định đầu tư rồi sau đó rút lui là điều hoàn toàn bình thường. "Đây không phải là dấu hiệu cho thấy Việt Nam đang mất đi sức hấp dẫn đối với các nhà đầu tư FDI. Việc các doanh nghiệp tiềm năng đến khảo sát để xem xét tính khả thi trong đầu tư là một phần tự nhiên của quy trình kinh doanh. Một số sẽ ở lại, trong khi số khác sẽ rút lui", bà Madani nhận định.
Số liệu từ Cục Đầu tư nước ngoài - Bộ Kế hoạch và Đầu tư Việt Nam cho thấy, tính đến ngày 31/8, tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đăng ký vào Việt Nam đạt hơn 20,52 tỷ USD, tăng 7% so với cùng kỳ năm 2023. Vốn thực hiện của các dự án FDI đạt khoảng 14,15 tỷ USD, tăng 8% so với cùng kỳ năm trước.
Đầu tư mới ghi nhận sự gia tăng cả về vốn đăng ký và số lượng dự án. Cụ thể, vốn đăng ký mới đạt 12 tỷ USD (tăng 27%), với 2.247 dự án (tăng 8,5% so với cùng kỳ năm trước). Số lượt dự án điều chỉnh vốn cũng tăng 4,9%, với 926 lượt dự án, trong khi số vốn đăng ký tăng thêm đạt hơn 5,7 tỷ USD, tăng 14,8%.
>>Cả nước hút hơn 20,5 tỷ USD vốn FDI: Địa phương nào dẫn đầu?
Việt Nam có thể vượt mốc 1.000 tỷ kW công suất năng lượng tái tạo, gấp 15 lần hiện tại
Tập đoàn năng lượng Ấn Độ 'nhắm' đến dự án siêu cảng hơn 50.000 tỷ tại Đà Nẵng