Chuyển giao quyền lực tại Sao Mai Group (ASM): Thế hệ F2 liệu có tạo nên kỳ tích?

15-06-2023 14:01|Quỳnh Nga

Đây được xem là một trong những bước chuyển giao quan trọng cho thế hệ lãnh đạo mới của Sao Mai Group (ASM) kể từ khi thành lập đến nay.

Mới đây, ông Lê Thanh Thuấn đã chính thức chuyển giao vị trí Tổng Giám đốc điều hành doanh nghiệp cho con trai là ông Lê Tuấn Anh. Đây được xem là một trong những bước chuyển giao quan trọng cho thế hệ lãnh đạo mới của Sao Mai Group kể từ khi thành lập đến nay - đánh dấu sự chuyển giao của thế hệ sáng lập cho thế hệ lãnh đạo thứ hai.

Nhiều người cho rằng, các nhà lãnh đạo mới của công ty được lựa chọn sẽ phải đối mặt với nhiều yêu cầu hơn so với những người tiền nhiệm của họ. Do đó, để thuyết phục và dẫn dắt được cả bộ máy, người lãnh đạo phải đưa ra những hướng đi đổi mới, sáng tạo và quan trọng hơn là có khả năng thực thi.

Vậy với những khó khăn, thách thức mới, ông Lê Tuấn Anh có tạo ra bước chuyển mình cho Tập đoàn Sao Mai?

Doanh nghiệp xây dựng vươn mình thành tập đoàn đa ngành

Năm 1997, ông Lê Thanh Thuấn thành lập CTCP Đầu tư và Xây dựng Sao Mai tỉnh An Giang (tiền thân của Sao Mai Group ngày nay), hoạt động thi công xây lắp công trình xây dựng. Thời kỳ này, Sao Mai được biết đến như là "con chim đầu đàn" trong thi công xây lắp công trình của tỉnh An Giang trước khi mở rộng hoạt động tại nhiều tỉnh thành ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long như Đồng Tháp, Cần Thơ, Kiên Giang,...

Tới năm 2007, Sao Mai đã đầu tư sang lĩnh vực thủy sản thông qua việc đầu tư xây dựng cụm công nghiệp Vàm Cống qui mô 23ha tại tỉnh Đồng Tháp. Toàn bộ quỹ đất của cụm công nghiệp chỉ dành riêng cho các công ty con, công ty liên kết của Sao Mai là CTCP Đầu Tư và Phát triển Đa Quốc Gia IDI (mã IDI), CTCP Đầu tư Du lịch và Phát triển Thủy Sản (Trisedco, mã chứng khoán DAT) xây dựng các nhà máy liên quan đến chuỗi nuôi trồng chế biến xuất khẩu thành phẩm và sản phẩm giá trị gia tăng của cá tra.

Bên cạnh lĩnh vực nuôi trồng, chế biến thuỷ sản, Sao Mai Group đã mở rộng hoạt động đầu tư vào lĩnh vực bất động sản tại Đồng bằng sông Cửu Long trong khoảng gần chục năm qua.

Theo báo cáo của Sao Mai Group, doanh nghiệp đã đầu tư nhiều dự án bất động sản như dự án Khu dân cư Bắc QL 91 (Thị trấn Cái Dầu, Huyện Châu Phú, tỉnh An Giang), Khu dân cư Bình Khánh, Khu dân cư Tân Hiệp...

Giai đoạn 2012 – 2017, doanh thu thuần trung bình các năm khoảng 1.300 tỷ đồng, lãi ròng dưới 200 tỷ đồng. Tới năm 2018, Sao Mai có sự tăng trưởng đột biến khi doanh thu thuần đạt 8.887 tỷ đồng, tăng 323% so với năm trước, lãi sau thuế đạt 1.198 tỷ đồng, tăng 613%.

screenshot-2023-06-15-at-08041620230615080450.png

Lãi lớn từ lĩnh vực chế biến thuỷ sản, Sao Mai cũng bắt đầu nhảy vào cuộc chơi năng lượng mặt trời. Năm 2018, Sao Mai đã đầu tư dự án Nhà máy điện mặt trời Sao Mai với công suất 104 MW tại tỉnh An Giang với tổng vốn đầu tư 2.000 tỷ đồng. Năm 2020, Sao Mai tiếp tục đầu tư vào nhiều dự án như Nhà máy điện mặt trời Sao Mai (giai đoạn 3 và 4) với giá trị đầu tư hơn 2.000 tỷ đồng.

Năm 2020, các lĩnh vực cốt lõi trước đây chịu ảnh hưởng bởi COVID-19, trong đó, doanh thu lĩnh vực bất động sản giảm tới 25%, thủy sản giảm 14% do xuất khẩu sang các nước Trung Quốc, châu Âu bị sụt giảm, bù lại, sau hai năm đầu tư vào lĩnh vực năng lượng mặt trời, Sao Mai ghi nhận doanh thu ở mảng này tăng trưởng mạnh 127% so với cùng kỳ, đạt 515 tỷ đồng.

nha-may-dien-mat-troi-an-hao.jpg
Nhà máy điện mặt trời An Hảo.

Quý 1/2023, Sao Mai ghi nhận doanh thu đạt 3.050,41 tỷ đồng, giảm 5% so với cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế ghi nhận 85,89 tỷ đồng, giảm 73,5% so với cùng kỳ năm trước. Xét về cơ cấu lợi nhuận gộp, lĩnh vực cá xuất khẩu, bất động sản và thức ăn chăn nuôi đều đồng loạt giảm mạnh. Ngược lại, lĩnh vực điện năng lượng mặt trời tăng 39%, lên 147 tỷ đồng.

Thế hệ F2 liệu có làm nên kỳ tích?

Tháng trước, ông Lê Thanh Thuấn đã chính thức chuyển giao vị trí Tổng Giám đốc điều hành doanh nghiệp cho ông Lê Tuấn Anh. Đây được xem là một trong những bước chuyển giao quan trọng cho thế hệ lãnh đạo mới của Sao Mai Group kể từ khi thành lập đến nay - đánh dấu sự chuyển giao của thế hệ sáng lập cho thế hệ lãnh đạo thứ hai.

Tổng giám đốc mới của Tập đoàn Sao Mai sinh năm 1994 và cũng là con trai của ông Lê Thanh Thuấn.

le-tuan-anh-asm.png
Ông Lê Tuấn Anh, Tổng giám đốc Tập đoàn Sao Mai.

Ngay sau khi chuyển giao vị trí Tổng giám đốc, cổ phiếu ASM đã có những phiên tăng trưởng ấn tượng. Trong tuần trước, cổ phiếu ASM đã có 5 phiên liên tiếp tăng điểm rực rỡ với 15,58%, trong đó, có phiên tăng trần vào ngày 8/6 với khối lượng khớp lệnh lên tới 13,2 triệu cổ phiếu.

Tính chung 1 tháng qua, ASM đã tăng hơn 22,4% giá trị. Nếu tính từ mốc 1/5/2023, ngày có quyết định bổ nhiệm ông Lê Tuấn Anh, cổ phiếu ASM cũng tăng tới 30,99%. Trung bình khối lượng giao dịch của mã này cũng đạt tới hơn 5,6 triệu cổ phiếu.

screenshot-2023-06-15-at-08070720230615080742.png

Điều này cho thấy dù chức vụ CEO thuộc về ông Lê Tuấn Anh hay ông Lê Thanh Thuấn nhà đầu tư vẫn rất quan tâm tới ASM. Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay, vị trí lãnh đạo một Tập đoàn đa ngành sẽ là một thách thức không nhỏ đối với một người trẻ như ông Lê Tuấn Anh.

Nói về thế hệ lãnh đạo F2, ông Lê Thanh Thuấn cho rằng: “Thế hệ kế nhiệm này đã được đào tạo rất công phu từ những kiến thức lẫn kỹ năng ở nước ngoài. Sau khi về nước, còn phải được training - tôi luyện trong môi trường kinh doanh đa ngành. Họ phải lãnh đạo thành công một công ty nhỏ của tập đoàn, rồi mới trở thành ứng cử viên cho sự kế nhiệm. Tôi luôn đặt ra cho họ những bài toán hóc búa về văn hóa ứng xử có nghĩa có tình, biết sống vì cộng đồng, có tinh thần trách nhiệm cao với công việc và nhất là phải biết chịu đựng gian khổ để vượt qua khó khăn”.

Theo cựu thuyền trưởng Sao Mai Group, một doanh nghiệp phải ngày càng phải phát triển, không thể đi lùi. 10 hay 20 năm sau, Sao Mai sẽ phải mạnh mẽ hơn bây giờ, bởi thế hệ kế cận sẽ là những người nâng Sao Mai lên tầm cao mới.

ong-le-thanh-thuan.jpg
Ông Lê Thanh Thuấn - cựu thuyền trưởng Sao Mai Group.

Chân dung tân Tổng giám đốc ASM

Ông Lê Tuấn Anh từng tốt nghiệp Cao học Đại học Kinh tế quốc dân Hà Nội và đi du học tại Úc. Sau khi về nước, ông chính thức bắt đầu hành trình trải qua nhiều vị trí khác nhau trong môi trường làm việc đa ngành, đi tìm đáp số cho những bài toán kinh doanh nan giải, nhất là trong mùa dịch vừa qua.

Năm 2016, ông Tuấn Anh bắt đầu bước chân vào con đường kinh doanh với vai trò là trợ lý Tổng giám đốc cho Tập đoàn Sao Mai, kiêm trợ lý Tổng giám đốc công ty IDI.

Đến tháng 7/2017, ông Lê Tuấn Anh được bổ nhiệm chức vụ Tổng giám đốc Công ty TNHH thương mại Sao Mai Solar kiêm Tổng giám đốc công ty TNHH Sao Mai Super Feed. Năm 2019, ông được bổ nhiệm chức vụ Giám đốc CTCP điện mặt trời Europlast Long An. Tháng 7/2021, ông tiếp tục được bổ nhiệm chức vụ Phó tổng giám đốc Tập đoàn Sao Mai.

Trong quá trình đảm nhiệm chức vụ Tổng giám đốc Sao Mai Solar, ông Tuấn đã thành công với dự án Nhà máy điện mặt trời An Hảo. Hoạt động sản xuất điện của nhà máy được kết hợp cùng phát triển làm du lịch đã mang lại lợi nhuận kép cho công ty. Nhà máy điện mặt trời An Hảo được bình chọn là một trong 10 dự án Năng lượng tái tạo tiêu biểu Việt Nam nhiều năm liên tục.

Đến ngày 15/04/2023, Phó Tổng giám đốc Sao Mai - Lê Tuấn Anh được bầu làm Phó Chủ tịch HĐQT IDI - CTCP đầu tư và phát triển đa quốc gia I.D.I. Đầu tháng 5/2023, trong đại hội cổ đông ông Lê Tuấn Anh chính thức trở thành Tổng giám đốc Tập đoàn Sao Mai - ASM.

Cho công ty mẹ Sao Mai Group (ASM) vay 457 tỷ đồng, IDI bị phạt nặng

Sao Mai Group (ASM) huy động thêm 100 triệu USD, muốn làm năng lượng sạch

Theo Kiến thức Đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/chuyen-giao-quyen-luc-tai-sao-mai-group-asm-the-he-f2-lieu-co-tao-nen-ky-tich-187770.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Chuyển giao quyền lực tại Sao Mai Group (ASM): Thế hệ F2 liệu có tạo nên kỳ tích?
    POWERED BY ONECMS & INTECH