Chủ tịch Ngân hàng Thương mại Cổ phần Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) - ông Dương Công Minh thường được biết đến trong giới doanh nhân với biệt danh Minh “Xoài”. Trước khi trở thành Chủ tịch một tập đoàn BĐS lớn và Chủ tịch nhà băng, ông khởi nghiệp với chuối, xoài, thanh long và từng bị lỗ lớn.
Biệt danh Minh “Xoài” từ những chuyến buôn xoài
Những chia sẻ về quá trình khởi nghiệp đã được Chủ tịch HĐQT Sacombank (STB) – ông Dương Công Minh trải lòng tại buổi tọa đàm “Khởi nghiệp công nghệ bất động sản: Người thay đổi cuộc chơi” vào cuối năm 2018.
Mở đầu buổi trò chuyện, ông Dương Công Minh nói: “Từ xưa đến nay cha ông ta có câu ‘có chí làm quan, có gan làm giàu’. Làm quan hay làm giàu đều là lập nghiệp. Tất cả chúng ta ngồi đây, tôi nghĩ là các bạn đang đi theo hướng làm giàu”.
Theo lời ông Minh, sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự, ông về quê Bắc Ninh chơi và gặp một người bạn đại học dẫn lên Lạng Sơn chơi. Lên đây, thấy thương lái Trung Quốc thu mua chuối, ông cùng bạn bè hợp tác và đi buôn chuối từ ngày đó.
>> Sacombank (STB) dưới thời đại gia Dương Công Minh kinh doanh ra sao?
Sau xuất khẩu chuối, ông Minh tiếp tục xuất khẩu xoài, thanh long là những mặt hàng nông sản thế mạnh của Việt Nam.
Chủ tịch Sacombank nhớ lại, khi đó, xoài rất hiếm chứ không phải sản xuất hàng hóa như bây giờ, chủ yếu tự cung tự tiêu là chính. Xuất khẩu đi Pháp một năm chỉ 5 đến 10 tấn, trong khi thương lái Trung Quốc lại mua rất nhiều xoài.
Ông Dương Công Minh |
“Mấy năm đầu, tôi xuất khẩu 2 đến 3 xe rất là lời, nếu trong một mùa xoài là một lời một. Năm đầu làm ăn rất tốt, đến năm thứ hai thì tôi và bạn cùng làm chung, chúng tôi xác định xuất khẩu 10 xe thôi, mỗi xe lời 20 triệu đồng. Vào năm 1989 thì 2 tỷ là kinh khủng lắm, thành ra tôi phụ trách thị trường, còn bạn tôi phụ trách thu mua”, ông Minh kể lại trong buổi tọa đàm.
Tuy nhiên, sau này khi buôn lớn lên, dùng đòn bảy tài chính mạnh, vị doanh nhân này bị lỗ cạn sạch vốn và dẫn đến phá sản. Ông cũng có biệt danh ‘Minh Xoài’ từ ngày ấy.
>> Sacombank (STB) sau thời doanh nhân Đặng Văn Thành đang kinh doanh ra sao
Để trang trải nợ nần, ông Minh kể phải bán nhà đi trả nợ. “Khi bán nhà phải hợp thức hóa nhà cửa. Lúc này phải thông qua môi giới, thủ tục. Thời đó khác so với bây giới, môi giới họ đòi giá rất cao, phải mất 1/7 giá nhà đi làm thủ tục. Nguyên cái tiền thủ tục đấy mình hết mất tiền rồi, không đủ tiền trả nợ. Cuối cùng, tự mình đi mày mò”, ông cho hay.
Chính từ sự cố này, đã mở ra những cơ hội khác cho vị doanh nhân sinh năm 1960 này, từ đó lấn sang sang dịch vụ nhà đất, bất động sản,... tiền đề phát triển tập đoàn Him Lam sau này.
Ông chủ tập đoàn Him Lam và Chủ tịch Ngân hàng Sacombank
Năm 1994, doanh nghiệp bất động sản mang thương hiệu Him Lam của ông Dương Công Minh ra đời. Trải qua 30 năm hình thành và phát triển, Công ty cổ phần Him Lam hiện nay đã trở thành một trong những doanh nghiệp hàng đầu trong lĩnh vực Bất động sản. Hàng loạt công trình tầm cỡ mang tên Him Lam đã xuất hiện trên khắp đất nước Việt Nam.
Sau khi có tiềm lực đủ lớn, Him Lam Group mở rộng sang các hoạt động kinh doanh khác, vươn lên thành “đế chế” đa ngành, đa lĩnh vực. Trong đó, mảng Tài chính – ngân hàng được vạch rõ là mục tiêu hàng đầu của Him Lam và cá nhân ông Dương Công Minh.
Ông Dương Công Minh đã cùng với các cộng sự đã tham gia sáng lập nên Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt - LienVietPostBank (tên hiện tại là LPBank).
Gắn bó với LienVietPostBank gần chục năm, tháng 6/2017, ông Minh có đơn xin từ nhiệm chức danh Chủ tịch, thành viên HĐQT nhà băng này để tham gia tái cơ cấu Ngân hàng Sài Gòn Thương Tín (Sacombank). Ngay trong tháng đó, ông được bầu vào vị trí Chủ tịch HĐQT Sacombank.
Để phù hợp với quy định của pháp luật, trước khi có tên trong Hội đồng quản trị Sacombank, Him Lam của ông Dương Công Minh đã phải công khai chính thức thoái vốn khỏi Liên Việt. Ngày thực hiện là 23/6/2017, chỉ cách đúng 1 tuần so với thời điểm ông Minh nhận chiếc ghế nóng nhất ở Sacombank.
Vào thời điểm ông Minh nhậm chức, Sacombank đang phải đối mặt với tình trạng nợ xấu lớn sau quá trình sáp nhập với Ngân hàng Phương Nam. Dưới sự lãnh đạo của ông Dương Công Minh, nợ xấu của Sacombank đã được kiểm soát và giảm đi đáng kể, đồng thời doanh thu và lợi nhuận cũng tăng mạnh so với trước đó.
Lời nhuận trước thuế của Sacombank |
Sacombank báo lãi trước thuế 9.595 tỷ đồng trong năm 2023, hoàn thành kế hoạch được giao nhờ thu nhập lãi thuần duy trì đà tăng trưởng mạnh hơn 28%.
Trong năm 2023, ngân hàng đã quyết liệt trong việc xử lý nợ xấu, theo ước tính của ngân hàng gần 7.000 tỷ nợ xấu và tài sản tồn đọng đã được xử lý thành công trong năm,nâng tổng mức thu hồi lũy kế lên gần 95.000 tỷ.
Tính đến cuối năm 2023, quy mô tổng tài sản của Sacombank đạt hơn 674 nghìn tỷ đồng, tăng 13,9% so với đầu năm.
>> Cổ phiếu STB lập kỷ lục giữa thông tin bịa đặt liên quan đến Vạn Thịnh Phát