Chuyện room ngoại ở nhóm cổ phiếu ngân hàng: 'Cáo đã thèm mà nho chưa chín'

17-04-2024 10:04|Quốc Trung

Trong khi một số ngân hàng thương mại cổ phần đã kín room vốn ngoại, vẫn còn không ít ngân hàng trống room rất nhiều.

Điểm chung của những cổ phiếu ngân hàng "đắt khách ngoại"

Được ví là cổ phiếu “vua” nên nhóm ngân hàng không chỉ hấp dẫn các nhà đầu tư trong nước mà ngay cả khối ngoại cũng rất tích cực nắm giữ. Dù vậy, khẩu vị đầu tư của nhóm nhà đầu tư này là khá chọn lọc và không dàn trải. Điều này thể hiện rất rõ qua tỷ lệ sở hữu nước ngoài tại nhiều ngân hàng hiện đã chạm ngưỡng tối đa 30%, trong khi số khác vẫn còn trống rất nhiều, thậm chí còn nguyên room ngoại 30%.

Số liệu từ Trung tâm Lưu ký Chứng khoán cho thấy, trong nhóm VN30 có 13 ngân hàng thì có tới 11 ngân hàng tỷ lệ sở hữu nước ngoài trên 15%. Một số ngân hàng đã kín tỷ lệ sở hữu vốn ngoại là: ACB, MBB, TCB, VIB.

Ngoài ra, còn một số ngân hàng khác cũng gần kín room nhưng không thuộc nhóm VN30 là MSB và OCB.

Điểm chung của những ngân hàng trên là có tốc độ tăng trưởng lợi nhuận nhanh và sở hữu khả năng sinh lời cao. ACB kết thúc năm 2023 với mức lợi nhuận sau thuế là 16.044,7 tỷ đồng, tăng 17,2% so với năm 2023; MBB đạt 21.053 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế; TCB báo lãi hơn 18.003,8 tỷ đồng trong năm 2023; còn VIB thu về 8.563 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế trong năm 2023.

>> Vừa ‘nổ phát súng’ mở đầu KQKD quý I/2024, nhóm ngân hàng xung phong ‘giải cứu’ thị trường

Chuyện room ngoại ở nhóm cổ phiếu ngân hàng: 'Cáo đã thèm mà nho chưa chín'
Lợi nhuận sau thuế của các ngân hàng kín room ngoại từ 2019 - 2023

Bên cạnh những ngân hàng đã kín room ngoại nói trên, một số ngân hàng còn dư địa room cho nhà đầu tư nước ngoài khi duy trì tỷ lệ sở hữu nước ngoài thấp hơn mức tối đa theo quy định 30% để tạo dư địa huy động vốn như Vietinbank - CTG (27,52%), TPBank - TPB (28,76%), VPBank - VPB (27,71%), Vietcombank - VCB (23,49%).

Với những cổ phiếu trong nhóm ngân hàng có triển vọng và tiềm năng nhưng đã kín room ngoại thì chỉ cần “hở” room liền lập tức có nhà đầu tư nước ngoài mua vào ồ ạt.

Nới room - tiêu chí quan trọng để nâng hạng TTCK

Hiện trong hệ thống còn nhiều ngân hàng có tỷ lệ sở hữu nước ngoài rất thấp như: SeABank - SSB, Nam Á Bank - NAB, LPBank - LPB, Eximbank - EIB,... Nam Á Bank dù room ngoại tối đa 30% nhưng tỷ lệ nhà đầu tư nước ngoài đang nắm giữ chỉ đạt 0,1%. Hay như Eximbank - một trong những nhà băng có cổ phiếu được giao dịch nhiều trên sàn cũng chỉ ghi nhận tỷ lệ sở hữu của nước ngoài ở mức 3,53%.

Chuyện room ngoại ở nhóm cổ phiếu ngân hàng: 'Cáo đã thèm mà nho chưa chín'
Các ngân hàng có tỷ lệ room ngoại còn thấp

Dù đã kín room hay vẫn còn trống room, điểm chung của các ngân hàng là đều mong được nới room vốn ngoại hơn nữa nhằm có dư địa cho các phương án huy động vốn trong tương lai.

Vietcombank (VCB) đã đưa nội dung phát hành riêng lẻ 6,5% vốn điều lệ cho nhà đầu tư nước ngoài vào kế hoạch ĐHCĐ thường niên năm 2024. Ngân hàng dự kiến chào bán riêng lẻ 307,6 triệu cổ phiếu cho đối tác Mizuho Bank (46,1 triệu cổ phiếu) và các nhà đầu tư khác (261,4 triệu cổ phiếu).

Tại ĐHCĐ bất thường năm 2023, BIDV đã thông qua việc lùi thời gian thực hiện phương án tăng vốn sang năm 2024. Ngân hàng dự kiến chào bán riêng lẻ hoặc chào bán ra công chúng hơn 455 triệu cổ phiếu. Cần nhấn mạnh, BIDV từ lâu đã có kế hoạch phát hành riêng lẻ cho nhà đầu tư nước ngoài nhưng đến nay chưa thực hiện thành công.

Cũng trong cuộc gặp với các nhà đầu tư mới đây, ông Hoàng Thanh Tùng, Giám đốc Ban quan hệ đầu tư của HDBank (HDB) cho biết, ngân hàng đã có sẵn sự chuẩn bị cần thiết cho đối tác chiến lược, để dành khoảng 10% room ngoại cho việc phát hành tăng vốn.

Tỷ lệ sở hữu của khối ngoại cũng là một trong những vấn đề trọng tâm cần tháo gỡ nhằm đáp ứng các tiêu chí nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam trong tương lai gần. Không chỉ riêng nhóm ngân hàng, rất nhiều cổ phiếu VN30, cổ phiếu của các doanh nghiệp tăng trưởng luôn được khối ngoại săn đón.

Việc những cổ đông ngoại lâu năm không muốn bán cổ phiếu cũng đồng thời làm hạn chế khả năng tiếp cận các nguồn vốn ngoại khác của doanh nghiệp thông qua kênh cổ phiếu.

>> Chứng khoán rút chân - chứng sĩ mất hàng: Kịch bản 8 tháng trước có lặp lại?

Nhóm thép ‘rục rịch’ công bố KQKD quý I/2024: Một cổ phiếu X2 giá trị sau hơn 1 tháng

ĐHCĐ Sacombank: Năm kia được nửa chỉ vàng, năm ngoái không có vàng, năm nay có vàng không?

Theo Kiến thức Đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/chuyen-room-ngoai-o-nhom-co-phieu-ngan-hang-cao-da-them-ma-nho-chua-chin-230971.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Chuyện room ngoại ở nhóm cổ phiếu ngân hàng: 'Cáo đã thèm mà nho chưa chín'
    POWERED BY ONECMS & INTECH