Trong lịch sử tình báo thế giới, việc một nam nhân hóa thân thành nữ để làm nhiệm vụ như nhân vật này chưa từng được ghi nhận.
Nhiệm vụ chưa từng có tiền lệ
Nhà tình báo giả gái có cái tên rất đàn ông là Huỳnh Văn Thắng (thường gọi là ông Năm Thắng) sinh ra ở xã Định Thủy, huyện Mỏ Cày, tỉnh Bến Tre, cái nôi của phong trào Đồng Khởi những năm 1960. Gia đình ông Thắng có truyền thống cách mạng khi cha và 4 anh trai đều thoát ly đi kháng chiến, riêng anh Thắng vì là con út phải ở lại vùng tạm chiếm chăm sóc mẹ, để ba và các anh yên tâm chiến đấu.
Sau Đồng Khởi năm 1960, phong trào kháng chiến ở Bến Tre lên cao. Để tái kiểm soát, chính quyền Sài Gòn lúc bấy giờ thành lập tổ chức Thiên Nga - Phượng Hoàng toàn mật vụ, thám báo. Thành viên của tổ chức này được cài vào các tổ chức kháng chiến, sau đó chỉ điểm khiến hàng loạt cơ sở cách mạng trong lòng địch bị lộ, nhiều chỉ huy cấp cao bị bắt. Người anh thứ ba của ông Thắng là một trong những đồng chí hy sinh tại thời điểm đó.
Nhiệm vụ tìm một cô gái kiên định, vững lập trường và đặc biệt dũng cảm để cài cắm vào lực lượng địch được giao cho ông Đặng Tấn Phong, nguyên thiếu tá Công an tỉnh Bến Tre. Kế sách "gậy ông đập lưng ông" để đối phó tổ chức Thiên Nga tưởng dễ thực hiện nhưng mất một năm vẫn chưa có người ưng ý cho đến khi ông Phong gặp Năm Thắng tại Định Thủy.
Năm Thắng có giọng nói nhỏ nhẹ, người mỏng cơm, bước đi hơi yểu điệu như con gái, lại là con trong gia đình có truyền thống cách mạnh nên ông Phong hình thành ý nghĩ cho Năm Thắng giả gái để làm nhiệm vụ.
Sau khi nhận nhiệm vụ, Năm Thắng có thời gian 6 tháng để thâm nhập vào tổ chức tình báo Thiên Nga, trong thời gian này, mọi khâu chuẩn bị đều hoàn toàn bí mật và mẹ Năm Thắng - bà Trương Thị Chánh chính là người duy nhất biết điều này, bà cũng đồng thời tìm mọi cách giúp người con trai út giả trang thành nữ giới. Hơn 20 năm sống với hình hài con trai, mọi thói quen đi đứng, sinh hoạt, nay lại phải thay đổi trong vòng 6 tháng trời là chuyện cực kỳ khó khăn.
Mẹ ông bất đắc dĩ trở thành người hướng dẫn ông tập luyện một cuộc sống của người phụ nữ: “Tôi cho nó tắm gội với lá hương nhu, lá sả, bồ kết để mượt tóc, rồi dạy nó nết đi đứng ăn ở của con gái; may cho nó 5-6 cái quần xilíp rồi cũng chừng đó cái áo ngực để nó mặc, mấy cái áo ngực tui phải may độn bông gòn vào trong đó để nó mặc mới được, chứ sơ hở tụi thám báo nó biết được thì chết”.
Thế nhưng đó chưa phải là những khó khăn nhất mà Năm Thắng chịu đựng, do áp lực về thời gian thực hiện nhiệm vụ, do lệnh cấp trên đưa ra mà Năm Thắng đã đi đến quyết định khiến anh có thể mất luôn cuộc đời của một người đàn ông. Để có được dáng điệu như người phụ nữ, anh lên Bệnh viện Bến Tre nhờ bác sĩ tiêm một mũi thuốc triệt tiêu cảm giác làm con trai để thực hiện nhiệm vụ được dễ dàng. Quyết định này không phải ai cũng dám dấn thân và làm được như Năm Thắng.
Sau nửa năm trốn trong nhà tập luyện và trải qua nhiều tình huống thử thách trình độ “yểu điệu thục nữ”, Năm Thắng chính thức bước ra ngoài với một hình dáng mới và một tên gọi rất con gái - Huỳnh Thị Thanh (Năm Thanh), đứa con gái lâu nay để tóc ngắn của bà Trương Thị Chánh. Tổ chức mau chóng đưa “chị” Năm Thanh lên thành phố Bến Tre làm căn cước với tên gọi và diện mạo mới để bước vào trận tuyến, nơi mà “chị” phải độc lập tác chiến ngay tại hang hùm - tổ chức thám báo Thiên Nga.
Mật danh F5 cùng điệp vụ tối mật
Trước khi bước vào trận tuyến nơi mà Năm Thắng phải đối mặt trực diện với kẻ thù, Ty Công an tỉnh Bến Tre đặt cho ông mật danh F5 để dễ bề liên lạc.
Trong vai thiếu nữ ở quê lên bán bánh dừa, Năm Thanh với vóc dáng cân đối, khuôn mặt ưa nhìn và giọng nói nhỏ nhẹ nhanh chóng tiếp cận được Mười Râu và Sáu Dung, trưởng nhóm thám báo Thiên Nga - Phượng Hoàng. Để họ tin tưởng, Thanh phối hợp với nhóm của Đặng Tấn Phong thực hiện nhiều lần chỉ điểm giả và tỏ ra dốc sức với công việc của tổ chức này.
Để qua mặt mà không lộ thân phận đàn ông, Thanh cẩn trọng trong từng nếp sinh hoạt. Sau khi ổn định và có chỗ đứng trong nhóm thám báo Thiên Nga, Năm Thanh lập được nhiều chiến công xuất sắc giúp phát triển phong trào cách mạng ở Mỏ Cày - Bến Tre.
Mặc dù công việc thành công trót lọt nhưng chị Năm Thanh lại rơi vào nhiều tình huống oái oăm. Trong hình hài của một cô gái, chị Năm Thanh không ít lần bị người ta gạ gẫm, rủ đi chơi nhưng nhờ sự khéo léo, tinh tế, Năm Thanh từ chối hết lần này đến lần khác. Không những thế, Năm Thanh còn rất thông minh khi làm thân với vợ của những kẻ có ý với mình để thoát thân.
Tuy nhiên, vẻ đẹp của Năm Thanh khiến tên Lộc - con trai đại tá Khiêm - Tỉnh trưởng Kiến Hòa (Bến Tre) xiêu lòng và nằng nặc đòi cưới về làm vợ. Lần này, Năm Thanh không thể từ chối vì những người xung quanh đều cho rằng trở thành con dâu của Tỉnh trưởng ai chả mong ước. Sợ bị lộ thân phận, chị Năm Thanh phải báo cáo với tổ chức để tạo điều kiện rút lui an toàn.
Sau khi giải phóng đất nước, ông Năm Thắng (Năm Thanh) tìm gặp bác sĩ để tiêm thuốc quay lại cuộc sống của một người đàn ông. Ông Năm Thắng cũng cưới vợ và sinh được 5 người con. Khoảng thời gian sau, ông sang Campuchia bán bánh bò, bánh tiêu, tích góp được khoản tiền rồi quay về Kiên Giang lập nghiệp.