Nữ tình báo đẹp nổi tiếng xứ Tây Đô, 70 tuổi được bác sĩ giàu có cầu hôn
Năm 19 tuổi, nữ tình báo Lâm Thị Phết cưới con trai đại điền chủ xứ Chắc Băng. Sau đó, bà hoạt động tình báo trong lòng địch, còn chồng thoát ly theo cách mạng.
Làm dâu đại điền chủ
Nữ tình báo Lâm Thị Phết (1923 - 2014) là nguyên mẫu nhân vật Bạch Vân trong phim Người đẹp Tây Đô nổi tiếng một thời.
Ngoài đời thực, bà Phết và chị gái Lâm Thị Phấn (AHLLVT, nguyên mẫu Người đẹp Tây Đô) sở hữu vẻ đẹp hiếm có, giỏi tiếng Pháp. Hai chị em bà hoạt động tình báo, có nhiều đóng góp qua 2 thời kỳ kháng chiến.
Bà Phết là con gái của ông Lâm Văn Phận, một nhà giáo tài giỏi và giàu lòng yêu nước. Ông giáo Phận dạy học ở trường Phan Thanh Giản (Cần Thơ) và mở trường riêng. Học trò của ông gồm những tên tuổi lớn như: Châu Văn Liêm, Ung Văn Khiêm, Nguyễn Văn Hưởng…
Ông giáo nổi tiếng nghiêm khắc nhưng mọi quyền hành trong nhà lại thuộc về mẹ ruột. Cụ bà chính là người quyết định chuyện cưới gả 2 cháu gái cho gia đình điền chủ giàu có.
Nếu bà Phấn được bà nội gả về Bạc Liêu thì bà Phết cưới con trai đại điền chủ Chắc Băng, tỉnh Rạch Giá (nay là huyện Vĩnh Thuận, tỉnh Kiên Giang).
Bà Nguyễn Thị Bích Thủy (79 tuổi, quận Phú Nhuận, TP.HCM), con gái bà Lâm Thị Phết kể: “Cha tôi là Nguyễn Hữu Quý, con trai ông Nguyễn Hữu Phú - đại điền chủ Bang Biện Phú. Ông nội tôi khai phá vùng đất ven kênh xáng Chắc Băng, sở hữu ruộng đất bạt ngàn. Sự giàu có của Bang Biện Phú đâu đâu cũng biết”.
Thuở đó, trong một lần đến Cần Thơ, ông Quý chạm mặt và yêu bà Phết ngay cái nhìn đầu tiên. Ông si mê bà đến mức không chịu về Chắc Băng, ở lại nhà người cô ruột, cách nhà ông giáo Phận vài trăm mét. Ông quyết “ăn dầm nằm dề” ở đây cho đến khi cưới được bà Phết.
Cha mẹ ông Quý biết chuyện, phải cậy người mai mối. Bà mối nói hết lời, trình bày gia thế của Bang Biện Phú, thuyết phục được bà nội bà Phết đồng ý gả cháu gái.
Năm 19 tuổi, bà Phết về làm dâu xứ “khỉ ho cò gáy”, lấy người mình chưa thương. Tuy nhiên, bà may mắn hơn chị gái, có chồng và cha mẹ chồng sống đạo đức, thương người, theo cách mạng.
“Cha tôi yêu thương má vô cùng, còn ông bà nội quý mến con dâu, bởi một cô gái ở phố không dễ dàng gì khi về làm dâu xứ 'muỗi kêu như sáo thổi, đỉa lềnh tựa bánh canh'.
Hồi còn sống, má tôi kể, ngày xưa, bà đi góp lúa ruộng bằng ghe lớn, có người theo hầu hạ, đánh trống, hát ca… rộn ràng”, bà Thủy nhớ lại.
Được yêu thương, bà Phết không sinh kiêu ngạo, ngược lại ngày càng siêng năng. Bà giỏi chuyện bếp núc, quản lý tài chính đâu ra đó.
Cùng chồng theo kháng chiến
Về làm dâu nhà ông Nguyễn Hữu Phú, bà Phết mới biết gia đình chồng rất thương người, đóng góp nhiều cho kháng chiến.
Đáng tiếc, ông Phú qua đời năm 40 tuổi. Trước khi mất, ông giao chìa khóa tủ sắt, dặn dò con dâu cân đối chi tiêu, ủng hộ kháng chiến.
Từ năm 1945, bà Phết công tác trong Ban chấp hành Phụ nữ xã Vĩnh Thuận, Chắc Băng, tỉnh Rạch Giá (nay thuộc huyện Vĩnh Thuận, Kiên Giang), còn ông Quý thoát ly tham gia cách mạng.
Năm 1948, vợ chồng bà Phết hiến 2.000 giạ lúa cho kháng chiến. Sau đó, ông bà rời quê nhà, bỏ hàng ngàn mẫu ruộng để hoạt động cách mạng.
Bà Phết về nội thành Cần Thơ hoạt động tình báo dưới sự chỉ huy của chi Tình báo đặc biệt (Chi 50) thuộc Ban Quân báo Khu 9. Bà có nhiệm vụ tiếp xúc với các sĩ quan Pháp, sĩ quan Việt Nam làm phiên dịch trong quân đội Pháp để khai thác tin tức.
Bên cạnh đó, bà trực tiếp nghiên cứu, phát hiện phần tử tốt cho lực lượng Quân báo, cơ sở điệp báo trong hàng ngũ địch.
Đến năm 1950, bà được điều động, chuyển lên Sài Gòn làm liên lạc, hộp thư mật cho Ban Quân báo Khu 9.
Năm 1952, ông Quý bị địch bắt và giam ở Chí Hòa. Ông kiên trung, không tiết lộ thông tin của đội ngũ cách mạng. Vì vậy, ông bị địch tra tấn, mất liên lạc với vợ con.
“Cha tôi bị bắt năm 1952. Năm đó, má mới 29 tuổi, độ tuổi còn rất đẹp. Người ta đồn đại cha tôi chết ở Côn Đảo. Má tôi bán tín bán nghi. Sau thời gian dài không liên lạc được với chồng, má tin đó là sự thật.
Lúc hoạt động tình báo ở Sài Gòn, nhiều tướng tá chế độ cũ theo đuổi, hứa hẹn tặng má tôi nhà cao cửa rộng. Thế nhưng, má không động lòng, nguyện ở vậy thờ chồng, nuôi con”, bà Thủy chia sẻ.
Sau này, bà Lâm Thị Phấn tập kết ra Bắc, biết ông Quý được trao trả theo hiệp định Genève năm 1954. Ngay lập tức, bà báo tin vui về cho em gái.
Từ đó, bà Phết trông ngóng từng ngày, mong đất nước hòa bình để đoàn tụ với chồng. Lúc này, bà Thủy phát hiện má mình đã có tình cảm với cha.
Thủ tiết thờ chồng
Trong thời gian ông Quý tập kết ra Bắc, bà Phết tạm ngừng hoạt động, tránh bị địch phát hiện. Đến năm 1963, bà trở lại Sài Gòn, hoạt động điệp báo. Bà Phết mở một tiệm thuốc tây, biến nơi đây thành hộp thư liên lạc bí mật.
Giai đoạn này, bà Phết hoạt động rất sôi nổi, đóng góp nhiều cho quá trình thống nhất đất nước. Bà trực tiếp lo chỗ ăn ở cho bà Phấn sau khi ra tù, móc nối các cơ sở cũ đã cài vào hàng ngũ địch.
Mọi hành động, tư tưởng của cơ sở cũ được bà báo tin kịp thời. Thông qua đó, lãnh đạo có những phương án dùng người hợp lý.
Trong khi đó, cuối năm 1965, ông Quý được điều động về miền Nam công tác. Nhận lệnh, ông rất phấn khởi, hy vọng sớm đoàn tụ vợ con.
Bà Nguyễn Thị Ngọc Hạnh là em gái của ông Quý, cán bộ Sở Y tế Nam Bộ. Bà từng kể với bà Phết, ông Quý rất thương vợ. Mấy năm ở Hà Nội, ông đi đâu cũng mang theo tấm hình của vợ. Ông ước được về miền Nam, tự tay nấu một bữa cơm chiêu đãi vợ con.
Thế nhưng, sau mấy tháng vượt đường Trường Sơn, ông đi bộ về đến Bình Long, nay là tỉnh Bình Phước thì hy sinh vào tháng 4/1966.
Kể từ khi nhận tin chồng hy sinh, bà Phết biết rằng lần này thực sự vĩnh biệt, không còn cơ hội gặp lại chồng. Bà khắc khoải nhớ về lần cuối nhìn thấy chồng phía sau song sắt ở Sài Gòn.
Có lẽ, đây cũng là lý do bà chọn gắn bó với mảnh đất nhiều kỷ niệm sau ngày thống nhất đất nước.
Mấy ai ngờ, năm 70 tuổi, bà vẫn được một vị bác sĩ giàu có cầu hôn. Nếu bà đồng ý thì người này sẽ tặng ngay căn biệt thự trên đường Tú Xương, quận 3, TP.HCM. Đáp lại, bà chỉ cười, rồi nhẹ nhàng từ chối.
Bà Phết chọn sống cùng con cháu ở cư xá Lữ Gia, quận 11 đến những ngày cuối đời. Hiện tại, mộ phần bà được an táng tại quê nhà Cần Thơ.
Ảnh: Chụp từ tư liệu gia đình