Chuyện về vị thương nhân bán bể cá vàng: Khi cơ hội không gõ cửa nhà bạn, hãy tạo ra tiếng gõ

03-09-2022 09:51|Hồ Nga

Có một câu danh ngôn rằng “hãy luôn cố gắng nắm bắt từng cơ hội, vì nếu bị vuột mất sẽ chẳng bao giờ đến lần thứ 2”.

Có những người sinh ra đã ở vạch đích, điều đó không bàn cãi. Nhưng cuộc sống quanh bạn rất nhiều gương mặt, nhiều doanh nhân thành đạt từ chính việc nắm bắt những cơ hội nhỏ nhoi nhất bày ra trước mắt.  

"Không có cơ hội" luôn là cái cớ của những người thất bại. Hầu hết với những người thất bại khi được hỏi đều kêu ca rằng họ thất bại bởi họ không nhận được những cơ hội như những người khác, không nhận được giúp đỡ của người khác… hoặc là do cơ hội chưa đến với họ. Tuy vậy, nhiều người để cơ hội vụt qua trước mắt rồi lại ngậm ngùi tiếc.

Chuyện về chàng trai trẻ đi cầu hôn

Có một câu chuyện thú vị về một chàng trai trẻ. Chuyện kể rằng, có một chàng trai rất thích cô con gái của ông chủ nông trại trong vùng. Một ngày nọ, chàng lấy hết can đảm đến nông trại cầu hôn. Ông chủ nông trại nhìn cậu, rồi nói “ta cho cậu cơ hội, hãy ra nông trại cùng ta”.

Khi cả 2 ra đến nông trại, ông chủ nông trại ra yêu cầu “ta sẽ lần lượt thả 3 con bò đực ra từ cánh cửa, nếu cậu tóm được đuôi bất cứ con nào, ta sẽ gả con gái cho cậu”. Có vẻ yêu cầu quá dễ, cậu trai trẻ háo hức chờ đợi.

Chú bò thứ nhất được thả ra, là một chú bò to, khoẻ, đủng đỉnh đi ra, miệng còn nhai rơm chưa hết. Cậu trai trẻ thoạt nhìn đã giật mình, lần đầu cậu thấy chú bò to như thế “vẫn còn 2 còn, bỏ qua con này thôi”, cậu nghĩ và đứng yên một bên chờ chú bò đi qua.

Chú bò thứ 2 được thả ra, cũng là một chú bò to, khoẻ và trông dữ tợn. Được thả, chú rống lên một tiếng, gầm gừ đi ra. Cậu trai trẻ hoảng quá “thật là dữ tợn, dù sao vẫn còn 1 con” thế là lại một lần nữa nép qua bên để chú bò đi mất.

Chú bò thứ 3 được thả ra, vừa nhìn thấy, chàng thanh niên đã mở bừng mắt vui vẻ, là một chú bò nhỏ, dáng vẻ hiền lành, nhút nhát nhìn ngang nhìn dọc trước khi bước ra. “Thật may”, chàng trai nghĩ và tiến lại chú bò. Nhưng trớ trêu, chú bò này lại không có đuôi.

Câu chuyện này cũng như bao câu chuyện khác, chính là bài học cho mỗi người “hãy luôn cố gắng nắm bắt từng cơ hội, vì nếu bị vuột mất sẽ chẳng bao giờ đến lần thứ 2”.

Đến câu chuyện nắm bắt cơ hội của "bún chả Obama"

Cũng vậy, trong kinh doanh, có khi chỉ cần một cơ hội đến, người biết nắm bắt sẽ nhanh chóng thành công. Câu chuyện “bún chả Obama” những năm trước đó đang là bài học mà rất nhiều người nhắc lại đến tận ngày nay. 

Chuyện bắt đầu bằng lần Tổng thống Mỹ lúc đó, ông Obama có chuyến thăm Việt Nam, và đến quán bún chả Hương Liên để thưởng thức hương vị Việt. Ngay lập tức, bà chủ quán đã tận dụng được thời cơ, đưa bún chả Hương Liên lên vị thế mới, được truyền tai với tên gọi bún chả Obama. Chủ quan Hương Liên đã làm gì?

Định vị bản thân: Giữa muôn và quán ăn, bún chả Hương Liên được chọn làm nơi dừng chân của ông Obama, dù hình ảnh chỉ đơn giản, nhưng chắc chắn những quán hàng trong khu vực đã được tuyển chọn khắt khe từ nhiều góc độ rồi mới “lọt” vào mắt xanh của phái đoàn tháp tùng ông Obama.

Nắm bắt điểm này, trả lời phỏng vấn sau đó, bà Hương Liên đã nhấn mạnh “phiên dịch của Tổng Thống có nói tới rằng ‘quán tôi là quán ngon nhất ở đây’ nên đã chọn đến ăn”. Chính câu định vị bản thân đó đã đưa quán của bà lên một tầm mới.

Bạn bán cái gì? Bên cạnh đó, trả lời phỏng vấn, bà cũng không quên PR “quán tôi bán gì” bằng câu trả lời “tổng thống tự gọi món, ở quán tôi có bún chả và nem, Ông gọi 2 suất bún chả cùng nem hải sản và nem cua. Ông uống 2 chai bia và nhân viên quán phải đi mua thêm đá”. Rất rõ ràng, tôi bán gì và tôi không bán gì.

Mượn lời khách hàng Bà Hương cũng biết cách mượn lời khách hàng đánh giá sản phẩm của mình khi mượn lời khen “Tổng thống dùng hết cả 2 suất đó và khen ngon”. 

Câu chuyện bún chả Obama đã qua rất lâu, bài học kinh doanh từ bà chủ quán đã được truyền miệng, được nhắc lại rất nhiều lần. Tuy vậy, bài học chung nhắc nhở mọi người, vẫn là phải luôn biết cách nắm bắt cơ hội.

Biết nắm bắt cơ hội trong kinh doanh cũng có rất nhiều cách. Còn nhớ đầu năm 2020 khi dịch Covid-19 bắt đầu những đợt bùng phát. Người dân khắp nơi lo ngại, đặc biệt những hộp khẩu trang ban đầu chỉ 30-50 ngàn, bỗng chốc gấp chục lần vẫn “cháy hàng”.

Nhưng cũng không lâu sau đó, nhiều doanh nghiệp dệt may đã “nắm” cơ hội, chuyển hướng một số dây chuyền sản xuất, để sản xuất lượng lớn khẩu trang phục vụ người dùng với giá phải chăng. Doanh số tăng cao, lại không bị “mang tiếng” là trục lợi mùa dịch, trong khi hàng loạt “gian thương” om khẩu trang bán đắt bị các bộ ban ngành vào cuộc, và kết cục cũng khá “bi thảm” khi số hàng tồn đọng giá cao ôm trước đó bị “treo”, đưa giá khẩu trang trở về mức ban đầu.

Không chỉ khẩu trang, thời điểm đó hàng loạt doanh nghiệp đã nhanh chóng nắm bắt cơ hội, chuyển sang sản xuất găng tay y tế, các loại chất tẩy rửa, làm sạch, khử khuẩn góp phần rất lớn vào việc cung cấp dụng cụ, vật tư y tế cho cộng đồng chống dịch. Những doanh nghiệp này được “đền đáp” bằng việc doanh số tăng mạnh dù rất nhiều ngành sản xuất bị đình trệ do ảnh hưởng của dịch bệnh.

Liệu có nên bị động chờ cơ hội?

Nếu nói cơ hội đến với quán bún chả Hương Liên, hay đối với những doanh nghiệp ngành dệt may, ngành hoá chất trong dịp dịch Covid-19 bùng phát vừa qua là những cơ hội đến có phần “thụ hưởng” và “bị động”, thì việc tự các doanh nghiệp, doanh nhân tạo cơ hội cho mình mới thực sự là hướng kinh doanh cần nhắc tới. Chuyện kể về vị doanh nhân bán bể cá cảnh là một ví dụ.

Chuyện kể rằng, có một thương nhân nọ đến thị trấn nọ, và mở một cửa hàng kinh doanh bể cá cảnh. Cửa hàng ông có rất nhiều bể cá, đẹp, đa dạng và đặc biệt giá phải chăng do chính cửa hàng ông sản xuất. Nhưng buồn thay, hàng mở cả tháng trời nhưng chẳng bán được bao nhiêu.

Nghĩ ra một cách, một sáng nọ ông ra khu chợ bán cá cảnh, đặt mua của một người bán cá vàng số lượng lớn 500 con, được nhận giá ưu đãi nhất. Người bán cá rất vui, bao năm bán cá chưa bao giờ có khách mua số lượng lớn như thế.

Nhưng bất ngờ, mua xong, vị thương nhân nhờ ông cụ chủ quán bán cá mang toàn bộ số cá này lên phía thượng nguồn con kênh chảy qua làng, thả ra. Đồng thời, vị thương nhân tìm gặp nhóm trẻ con trong làng, chỉ điểm cho chúng biết phía ngoài kênh của làng cá vàng rất nhiều. Lời đồn khắp nơi, trẻ con, và cả một số người lớn trong làng ra xem, bắt được không ít cá vàng đẹp.

Có cá, đương nhiên phải có bể, và cửa hàng bán bể cá cảnh của vị thương nhân nhanh chóng đông khách, hàng bán ra liên tục. Phong trào nuôi cá của làng cũng vì thế “nhân” lên khi các đứa trẻ không bắt được cá, nhưng thấy bạn có cũng về “đòi” bố mẹ sắm một bình. Cửa hàng bán cá cảnh của ông cụ kia cũng vì thế đắt khách theo.

Có đôi khi cơ hội không tự gõ cửa nhà bạn, mà chính bạn phải tạo ra cơ hội, nắm bắt và tận dụng nó. Khi cơ hội không gõ cửa nhà bạn, cứ mạnh dạn tạo ra tiếng gõ.

Có một câu danh ngôn rất hay “nếu cơ hội không gõ cửa nhà bạn, có nghĩa là nhà bạn chưa có cửa, hãy tạo ra một cánh cửa”. Đừng so bì cơ hội ở đâu, đến với ai, mà hãy nghĩ xem mình đã tự tạo ra, hay tự tìm cách đón nhận cơ hội đến với mình hay chưa.

Câu chuyện về chiếc nệm bị giao muộn 7 năm

TTCK 3 tuần cuối năm 2024, chú ý câu chuyện tỷ giá USD và chính sách BoJ

'Sáng làm bác sĩ, tối làm võ sĩ': Câu chuyện truyền cảm hứng của nhà vô địch nữ MMA đang gây bão mạng xã hội

Theo Kinh Tế Chứng Khoán
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/chuyen-ve-vi-thuong-nhan-ban-be-ca-vang-khi-co-hoi-khong-go-cua-nha-ban-hay-tao-ra-tieng-go-146946.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Chuyện về vị thương nhân bán bể cá vàng: Khi cơ hội không gõ cửa nhà bạn, hãy tạo ra tiếng gõ
    POWERED BY ONECMS & INTECH